itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Xuân đang về trên quần đảo Trường Sa

Xuân đang về trên quần đảo Trường Sa

Mâm ngũ quả đón Tết trên đảo Đá Lớn

Nét mặt hân hoan, hồ hởi của các chiến sĩ ra nhận nhiệm vụ khẩn trương vận chuyển hàng lên tàu. Những lời nói vui vẻ xen lẫn những lời chúc Tết sớm, cái nắm tay thật chặt, lời dặn dò âu yếm.

Từ cảng Cam Ranh, ba chiếc tàu của Hải quân vùng D chất ngất hàng hóa, quà Tết và đưa cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nào là lợn, gà, lá dong, rau quả, măng, miến... rồi máy thu hình, tủ lạnh và cả những cánh thư chan chứa tình cảm từ đất liền. Ðương nhiên không thể thiếu những cành đào, mai rộn ràng sắc xuân.

Có những người lính đã gần 10 lần chia tay người thân ra đảo, nhưng dường như với họ, mỗi lần lên đường đều chan chứa dấu ấn không thể nào quên. Háo hức nhất là cánh lính trẻ lần đầu tiên ra đảo.

Sau khi nhập ngũ tháng 10-2006, Trần Xuân Toàn, quê ở xã Ninh Hải, Ninh Hòa (Khánh Hòa) rất hồi hộp khi lần đầu ra đảo Phan Vinh B. Toàn tâm sự, gia đình tôi làm nghề biển, từ nhỏ thấy hình ảnh chú hải quân rất thích, nay ước mơ canh giữ biển trời trở thành hiện thực. Biết đợt này ăn Tết ngoài đảo, bố mẹ dặn dò, động viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ðây là Tết ấn tượng nhất trong đời tôi. Cảm nhận và thấu hiểu sự xa cách của người lính chính là những người vợ. Chị Huỳnh Thị Thu Hoa, ở thị trấn Cam Ðức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cùng con gái mải miết gói hàng gửi cho anh Phạm Văn Miên, chồng chị đang công tác ở đảo Song Tử Tây.

Chị bảo, công việc anh gắn liền với đảo và năm nay dù anh không ăn Tết cùng với ba mẹ con nhưng càng xa, chị càng thêm hiểu và thương anh hơn.

Tạo không khí đón Xuân vui tươi, an toàn, tiết kiệm, làm vơi đi nỗi nhớ nhà của bộ đội luôn là nỗi trăn trở của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Thiếu tá Lê Văn Bắc, chính trị viên đảo Ðá Lớn cho biết, Tết ở đảo cũng đầy đủ mọi thứ.

Ðể bộ đội đón Tết ngoài đảo vẫn thấy như đang ở nhà mình là cả nghệ thuật. Thượng tá Trịnh Lương Vượng, Trưởng đảo Song Tử Tây hồ hởi cho biết, những năm gần đây, cùng với nỗ lực của toàn đảo, được sự quan tâm, hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và ủng hộ từ đất liền cho nên đời sống cán bộ chiến sĩ trên đảo được cải thiện đáng kể.

Lo đủ tiêu chuẩn cho anh em không còn là nỗi lo thường trực, nhưng để có Tết thật xôm tụ, kế hoạch tăng gia sản xuất đã triển khai từ giữa năm. Tết năm nay, đảo chuẩn bị năm con bò, bảy con lợn và tự túc 100 kg gạo nếp để liên hoan, gói bánh chưng.

Ngày chia tay đồng đội về quê đón Tết, một con lợn được ngả thịt để liên hoan. Chứng kiến không khí đón Tết tại đảo Ðá Thị, Ðá Nam và Ðá Lớn mới thấy Tết ở đảo chìm rôm rả không kém, mặc dù rau xanh không nhiều, điều kiện tăng gia còn khó khăn nhưng cũng cố gắng nuôi lợn phục vụ Tết.

Thịt lợn ở đảo vốn là thực phẩm sạch, không thuốc tăng trọng, thức ăn chủ yếu là cơm thừa, cá, rau già. Bánh chưng ở đảo dù không có mầu xanh của lá dong nhưng lại rền và xanh đậm đà của lá bàng vuông, lá dừa.

Trình độ chế biến món ăn của lính đảo chẳng kém những người nấu bếp giỏi. Tại đảo Ðá Lớn, bộ đội làm món giò đặc sản là "giò cá" với nguyên liệu sẵn có từ những loài cá bắt được quanh đảo. Chỉ sau một hồi giã nhỏ, với ít gia vị là tiêu, rau thơm, sau đó gói và hấp, giò cá thơm lừng chẳng kém các loại giò trong đất liền. Cuộc thi chấm cỗ trong ngày liên hoan cuối năm, ai cũng hăng hái mong làm món ăn thật ngon, bày thật đẹp.

Những căn phòng đón Tết được trang trí trông lộng lẫy hẳn lên với sắc xuân của những cành mai giấy cắt tỉa sinh động y như thật, những bông hoa được làm bằng san hô, ốc bên cạnh bánh, kẹo, hạt dưa, bia... và câu đối "Ðất nước vào Xuân mừng thắng lợi, hải đảo đón Tết súng chắc tay".

Tết đến, xuân về, bộ đội trên quần đảo Trường Sa lại trải lòng mình qua những lá thư, cầu nối tình cảm giữa đất liền với hậu phương. Những tấm thiệp, quà Tết, lời chúc chất chứa tình thương từ đất liền là những món quà tinh thần vô giá.

Họ mải miết đọc thư, say mê ngắm hình người thân và thầm gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình. Lời chúc nào cũng dạt dào tình cảm, thỏa nỗi nhớ mong, thông báo nơi hậu phương luôn đảm đang, chu đáo để đảo xa luôn vững tin, yên tâm công tác, đạt nhiều thành công, hẹn những mùa Xuân mới tràn ngập niềm vui và ngày sum họp không xa.

Có lẽ nhớ nhà nhất và háo hức được đón Tết ngoài đảo nhất là những chàng lính mới ra đảo đợt này. Ai cũng muốn khám phá xem Tết ở đảo ra sao. Nguyễn Văn Quân ở thị trấn Ngô Ðồng, Giao Thủy, Nam Ðịnh, mới ra đảo Song Tử Tây được tám tháng, hào hứng kể cho tôi dự định Tết này sẽ tập cắt tiết gà và gói bánh chưng.

Ðối với Thiếu úy Ðào Văn Tám, dư âm Tết năm trước vẫn còn trong cuốn nhật ký đầy cảm động. Tám ra đảo đúng lúc vợ mới sinh con được bảy ngày. Anh kể chuyện đón Tết ấm cúng ngoài đảo và bộc bạch những lời yêu thương và động viên vợ: "Hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách khi không có anh bên cạnh, mình nhé".

Ở dải đất miền trung Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh; chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, vợ anh Tám nghe được những lời tâm tình từ đáy lòng anh hẳn cũng ấm lại. Ðối với các chiến sĩ về quê ăn Tết năm nay thì niềm hạnh phúc xen lẫn bồn chồn đến khó tả. Nhiều người chưa báo tin về gia đình vì muốn dành cho người thân và gia đình sự bất ngờ.

Trung úy Ðinh Trọng Hiển, đảo Ðá Lớn vui mừng bảo, Tết này, anh về thăm nhà ở xã Yên Phương, huyện Ý Yên, Nam Ðịnh. Ước mơ của hai vợ chồng sang năm mới sẽ có cậu con trai.

Còn chiến sĩ Phạm Văn Hùng ở Vụ Quang, Ðoan Hùng, Phú Thọ kể, bố đã mất, nhà chỉ có hai mẹ con, nên rất lo lắng cho sức khỏe của mẹ. Mỗi lần tàu ra đảo, mẹ thường gửi quần áo, thuốc men. Năm nay khi gặp lại cậu con trai sau hai năm xa cách, mẹ nghe tin con trai mới được chuyển chuyên nghiệp chắc hẳn sẽ rất vui.

Trong khi ở miền bắc lạnh giá bởi những cơn gió bấc thì ở quần đảo Trường Sa, trời hửng nắng và lòng người cũng ấm lên bởi hơi ấm tình người. Tình yêu, tình thương vô bờ bến nơi hậu phương và sự tận tụy, trung thành với Tổ quốc đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn và xa cách, nhớ nhung.

Những ai đã từng ăn Tết ở đảo mới thấy hết được không khí trẻ trung và rất "lính" của những chiến sĩ hải quân. Lời ca, tiếng hát và những trò vui không thể thiếu trong đêm giao thừa, ngày đầu Xuân.

Các phân đội, các cụm đua nhau chuẩn bị những tiết mục độc đáo nhất để tranh tài. Các hạt nhân văn nghệ ở các đảo chúng tôi có dịp tiếp xúc tài hoa chẳng kém những màn thể hiện trong chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ". Ðảo Song Tử Tây sắm cả một cây oóc-gan điện chơi cùng với dàn hợp xướng của những tay ghi-ta lính.

Những ngày này, Hoàng Hải Phong, Bí thư chi đoàn đảo bộ đảo Song Tử Tây tất bật hẳn khi chuẩn bị kịch bản dàn dựng chương trình văn nghệ "lính hát cho bộ đội nghe", chương trình thể thao thật hoành tráng, lôi cuốn, hấp dẫn nhất trong năm.

Những bài hát về quê hương, tình yêu, về mùa xuân, khát vọng tuổi trẻ và không thể thiếu những bài hát về biển, về mầu áo xanh chiến sĩ. Rồi những câu chuyện vui, những kỷ niệm sâu sắc khi hái hoa dân chủ, những bài thơ ấm tình quê hương và cả tiết mục ảo thuật "cây nhà lá vườn" độc đáo. Những năm gần đây, phong trào karaoke ở đảo phát triển mạnh vì đất liền gửi tặng nhiều bộ dàn karaoke và những ngày nghỉ, lễ, Tết anh em lại được luyện giọng "trổ tài". Tiếng hát làm vợi đi nỗi nhớ quê và hào hứng chờ đón năm mới, xuân mới vui tươi, đậm đà chiến công.

Những trận thi đấu thể thao bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, kéo co vẫn vang dội những tiếng reo hò cổ vũ. Tất cả như hòa tan trong tiếng cười, sự hồn nhiên rất lính.

Phút giao thừa thiêng liêng, cả đảo quây quần nghe lời chúc Tết đầu Xuân của Chủ tịch nước, lãnh đạo vùng và chỉ huy đảo tới cán bộ chiến sĩ và gia đình nhân dịp năm mới.

Cảm giác giao thừa ngoài đảo chủ yếu qua truyền hình, truyền thanh, những tiếng reo vui của anh em khi năm mới sang, khác hẳn ở đất liền hay chốn phồn hoa đô hội đông vui nườm nượp xe cộ, pháo hoa. Ngay cả lúc ấy, vẫn có chiến sĩ chắc tay súng không rời mục tiêu.

Chuẩn úy Hoàng Minh Dương, nhà ở đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) hai lần vinh dự canh gác đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới bồi hồi kể về cảm giác ấm áp, đậm tình đồng chí khi được chỉ huy đảo đến tận vọng gác chúc Tết. Dương khoe với tôi vừa báo tin mừng cho gia đình khi nhận được quyết định chính thức được phục vụ lâu dài trong lực lượng hải quân.

Những đêm liên hoan văn nghệ ở các đảo vui tươi nhưng đầy lưu luyến giữa người vào đất liền và người ở lại. Bất chợt, tiếng sáo du dương bài hát Về quê của nhạc sĩ Phó Ðức Phương vang lên, không chỉ chất chứa nỗi lòng của những người con xa quê, đó còn là tâm nguyện của bộ đội trên quần đảo Trường Sa luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Ðông.

Bài và ảnh: TUẤN ANH (Nhân Dân)