itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hậu duệ nghề lân

Hậu duệ nghề lân

Tết đến, hậu duệ đời thứ ba của Hồng Hạnh Hiên – một lò sản xuất đầu lân – sư – rồng nổi danh nhất Sài Gòn từ trước đến nay – đang bận bịu tối ngày với các đơn đặt hàng trong nước và cả từ Canada, Mỹ, Úc…

Thương hiệu Hồng Hạnh Hiên do ông Trương Tôn sáng lập – người được xem là làm đầu lân đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, truyền đến đời con là Trương Văn (tên thường gọi Sò Chứng Tham), nay được người cháu Trương Quốc Tôn (A.Chúng) nối nghiệp. 36 tuổi đời, A.Chúng làm không xuể để cung cấp đầu lân – sư – rồng cao cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. đầu năm làm đơn đặt hàng nước ngoài, giữa năm làm cho tết trung thu, cuối năm cho tết nguyên đán và nguyên tiêu.

Trong thế giới lân – sư – rồng, A.Chúng tự tin cho biết: “Tay nghề của mình được thụ hưởng trọn vẹn từ tổ tiên, tất cả các kỹ thuật khó nhất trong nghề lân mình đều làm được. Nếu so nghề với thế giới, chỉ có riêng giới làm đầu lân – sư – rồng ở Malaysia là đáng nể vì họ thường xuyên đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới để thể hiện lên các trang phục và hình dáng bên ngoài của lân – sư – rồng. Riêng với Việt Nam, Trung Quốc, và các nước có người Hoa sinh sống, tay nghề của mình không hề thua kém bất kỳ lò lân nào”.

Các lò lân lớn của Sài Gòn như Nhơn Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường… cũng thường tìm đến A.Chúng đặt làm các đầu lân – sư – rồng để đi biểu diễn. Và trong các chuyến du đấu quốc tế của lân – sư – rồng Việt Nam, A.Chúng cho biết trong số đó cũng có nhiều sản phẩm xuất phát từ đôi bàn tay của anh. Trong bộ môn lân – sư – rồng, A.Chúng nói: “Mình thích làm rồng nhất, vì hình tượng con rồng có thể cách điệu qua nét vẽ, qua cách uốn sừng, mỏ tuỳ theo cảm hứng sao cho rồng đạt độ uy phong, mạnh mẽ nhưng không mất đi vẻ đẹp uyển chuyển, linh động vốn có của nghệ thuật biểu diễn múa rồng”. Thể hiện một đầu rồng rất khó, bởi có đến hơn 100 chi tiết và mối nối, các chi tiết và đầu mối này được đánh các số thứ tự và ký hiệu riêng biệt mà chỉ mình A.Chúng hiểu.

Một sản phẩm lân – sư – rồng, từ khâu chọn nguyên liệu, uốn khung, lên hình, căng vải, vẽ màu, in, may trang phục… đều do một mình A.Chúng làm để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh. Và sản phẩm đó có mặt trong những lò lân của

Sài Gòn, khi ra tận miền Trung, miền Bắc, và vươn ra cả thế giới. Vẫn theo truyền thống từ cha ông để lại, lò sản xuất do A.Chúng chủ trì chỉ chọn làm hàng cao cấp, hàng đặt của những lò lân uy tín, cần một đầu lân – sư – rồng chuẩn mực cho những tháng ngày đi biểu diễn dịp tân niên, nguyên tiêu, lễ hội đình đám. Tuyệt đối không làm hàng chợ, không chạy theo số lượng sản phẩm, vì vậy từ bao đời nay, những sản phẩm từ thương hiệu Hồng Hạnh Hiên luôn đứng vững trong thế giới lân – sư – rồng trong nước và quốc tế.

Ở căn nhà nhỏ là xưởng làm đồ lân bên Bến Bình Đông, quận 8, không biển hiệu, không quảng cáo, nhưng giới lân – sư – rồng ai cũng biết hậu duệ của Trương Tôn để tìm đến đặt hàng. Những ngày cuối năm, đơn đặt hàng khắp nơi dày cộp, chỉ mình A.Chúng làm đến độ không đủ thời gian ngủ. anh cho biết: “Phải ráng làm để giữ uy tín mà ông nội và ba tạo dựng, không thuê người phụ việc, vì nghề này không thể truyền ra ngoài cho người khác được”.

Theo SGTT