itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tầm nhìn "người láng giềng"

Tầm nhìn "người láng giềng"

Khi đi khảo sát một số tuyến đường ở hai tỉnh miền núi Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thêm mỗi cây số, cảm nhận đến với chúng tôi ngày càng sinh động: Quốc lộ của họ hiện đại, phố phường thì xanh, sạch, đẹp thể hiện rõ sự quy hoạch bài bản và có tầm.

Quốc lộ: Hiện đại

Khi rời khỏi cửa khẩu Hà Khẩu đi Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), chiếc xe chở cả đoàn do Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam tổ chức có 24 người, cứ vèo vèo lượn trên những đường cua chạy trên sườn núi cao chót vót đua cùng mây gió. Uốn lượn quanh núi non trùng điệp cộng với cái lạnh buốt tới hoang vắng khiến con đường cũng trở nên huyền ảo.

Hầu như tất cả mọi người trên xe đều háo hức thưởng thức cảnh mây núi chập chờn và sâu thẳm dưới chân núi ẩn hiện vài ba túp lều trông hư ảo và thoát tục. Nhưng chỉ sau dăm lần chiếc ôtô cứ ào ào vào cua như chực lao xuống vực thì nhiều thành viên nhắm nghiền mắt... niệm Phật.

Sau hai tiếng rưỡi đồng hồ văng bên này, nhào bên kia bởi những cú cua "điệu nghệ" cũng là lúc đã đi gần hết đoạn núi hiểm trở, xe tạm dừng để mua xăng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Và dù cái lạnh thấu xương của mùa đông mới ập đến cũng không khiến các nhà báo quan tâm bằng việc thổ lộ rất thật về... cái sợ (mà bình thường ai cũng muốn giấu).

Tuy nhiên, khi lý giải về sự lỳ đáng sợ của lái xe khi cứ phăng phăng chạy mà không cần những gương lồi ở con đường rất nhiều khúc cua tay áo này, có người cho rằng, vì đường của họ đủ rộng và mép đường phía vực đều được kè chắc chắn, chứ nếu trông nó như sắp lở ở đường núi của mình thì có mà... tài thánh.

Còn các nhà ngoại giao ở 6 đại sứ quán ở Việt Nam, trong đó có 2 vị đại sứ của Canada và Phần Lan, tôi đoán rằng họ chưa có dịp được đi hoặc có đi thì cũng rất ít trên những con đường hiểm trở như thế này, nhưng hình như họ - những nhà ngoại giao chuyên nghiệp - quen giấu cảm xúc của mình - nên chỉ xoa tay cười cười không tỏ thái độ gì đặc biệt.

Những tưởng với đường trên núi cao thế này là khá lắm rồi, nhưng những cán bộ tỉnh Vân Nam đi cùng với chúng tôi từ cửa khẩu cho biết, đoạn đường núi từ Hà Khẩu đến Mông Tự dài 170km là cung đường cuối cùng sẽ được nâng cấp, làm mới, còn lại cả đoạn đường từ Mông Tự về Côn Minh dài 310km đã được hoàn thiện.

Và quả thật, chạy suốt cung đường còn lại, đoàn xe của chúng tôi lại được hai xe cảnh sát dẫn đường vượt qua cả đèn đỏ chạy tốc độ rất cao nhưng lướt rất êm, không hề có cảm giác bị xóc.

Gần như cả quốc lộ này đều có dải phân cách giữa hai làn đường, rộng từ 1- 2 mét có cây cao lúp xúp ngang đầu người, được chăm sóc, tỉa tót khá chu đáo. Tiếp đó, nhờ cùng đi khảo sát thực địa với ADB cung đường từ Nam Ninh đến Quế Châu (dài 180km), chúng tôi mới thấy được nhiều điều..." lạ".

Thứ nhất, tuyến đường này (cũng như tuyến đường Hà Khẩu - Côn Minh và Vân Nam - Bằng Tường mà chúng tôi được đi) tiến độ công trình đều hoàn toàn đúng với lịch trình. Có lẽ đây là điều rất bình thường với họ, nhưng những nhà báo Việt Nam lại thấy... là lạ.

Thứ hai, dù hiện các tuyến đường này mật độ xe cộ qua lại còn rất ít và là tỉnh miền núi, nhưng họ vẫn làm tới 4 làn xe ôtô và hai làn đường dành riêng cho xe thô sơ với dải phân cách rộng ở giữa đều có hoa và cây. Còn với chúng ta, dường như đường nào được làm mới hoặc nâng cấp là quá tải ngay.

Hơn nửa diện tích của khuôn viên khách sạn
Côn Minh (TP.Côn Minh) được dành cho
vườn hoa và bãi đỗ xe.

Thứ ba, cả ba tuyến quốc lộ mà chúng tôi đi không thấy nhà nhà bám lấy đường như ở bên ta. Điều đó có nghĩa là đảm bảo tầm nhìn cho cánh lái xe. Và thứ nữa là, các tuyến cầu vượt ở tuyến đường chúng tôi đi khảo sát gần như là làm chỉ... chờ quy hoạch. Rất nhiều cầu vượt một phía đâm thẳng vào... núi, còn phía bên kia cũng để lửng, chẳng thấy đường dẫn cũng như nhà dân đâu. Còn chúng ta, nói nhiều đến việc làm đường cao tốc nhưng việc này dường như... quên!

Đô thị: Xanh, sạch, đẹp

Dù rất mệt mỏi vì suốt ngày ngồi trên ôtô, nhưng khi đi trên đường phố của Nam Ninh (Quảng Tây), chúng tôi cũng phải bật dậy vì những dải cây xanh mọc sum sê trên hè ở nhiều phố rất sạch và đẹp. Chắc chắn với những hàng cây xanh tốt như vậy, nắng hè cũng không thể rọi tới được khách bộ hành.

Không chỉ vậy, có nhiều "rừng cây" rộng tới hàng nghìn mét vuông án ngữ trước các cao ốc, tạo cảm giác rất dễ chịu. Chúng tôi mạnh dạn dùng chữ rừng cây không chỉ vì nó rộng mà bởi có nhiều cây to và có cả nhiều cây cổ thụ. Có khác rừng chăng là dưới những tán cây đó có những triền cỏ mềm mại, sạch sẽ. Và ngay khách sạn Côn Minh - nơi chúng tôi nghỉ, cũng thể hiện sự quy hoạch đô thị rất bài bản của họ.

Nếu chúng tôi ước chừng không nhầm, trong khuôn viên khách sạn 5 sao này có hơn nửa diện tích được dành để trồng hoa, cây xanh và để xe ôtô. Những ôtô đưa đón khách thì được đỗ trên mặt tiền khách sạn, còn tất cả phải đưa xuống gara được làm ngay dưới vườn hoa rất rộng này.

Cũng ở Côn Minh, có nhiều siêu thị không làm gara ngầm thì được xây lùi hẳn vào trong để dành cho ôtô đỗ ngay trên hè mà không lấn phần đường người đi bộ. Đặc biệt, chúng tôi đi khá nhiều phố, nhưng tịnh không thấy các quán xá lấn chiếm vỉa hè như ở bên ta; cũng như hầu như không thấy nhà dân có mặt tiền lao thẳng ra hè phố như ở đô thị của Việt Nam.

Cũng có những khu tập thể thấp tầng hướng mặt ra phố, nhưng lại bị những bức tường xây chắn ngay phía trước. Và để làm đẹp và mềm mại phố phường, những bức tường này hoặc được biến thành những bức phù điêu chạy dài; hoặc với những nơi đất còn rộng, họ trồng cỏ, cây cảnh xinh xắn leo theo "triền đê" cao dần lên cùng bức tường.

Về đêm, đường phố sáng lung linh bởi rất nhiều kiểu đèn đường cùng hoa văn được bố trí ở các bùng binh. Và nhiều phố bố trí toàn những đèn như những bông hoa chạy dài trông rất vui mắt. Dù nhiều cây cảnh, nhiều bãi trồng cây, trồng hoa và công trường nhưng đường phố của họ rất sạch.

Ngay cả những phố chúng tôi đi sát ngay những công trường đang làm cùng một lúc cả chục nhà cao tầng hay công trình đang làm ga xe lửa trung chuyển container rất lớn cũng không thấy bụi, chứ đừng nói gì đất vương vãi từng đống to đống nhỏ như đường phố bên ta.

Và nếu như ở Hà Nội, việc xây chiếc cầu vượt cho người đi bộ trông thô tới mức xấu xí, nhưng tiến độ triển khai chậm đến mức khó hình dung thì ở đây, cầu vượt cho người đi bộ vừa nhiều, vừa sạch và đẹp. Ngay trước cửa khách sạn Côn Minh là chiếc cầu vượt có 8 đường lên xuống chia đều cho 4 góc phố.

Ở các chân cầu vượt này đều có những giỏ hoa chạy dọc theo các bậc lên xuống trông rất dễ chịu. Còn trên lan can hướng về các tuyến đường của cầu đều được tận dụng để làm ápphích hay khẩu hiệu gì đó nhìn rất rõ và không thể bị mất chữ hay bị rách bươm như kiểu băngrôn chúng ta hay dùng.

Dù mới chỉ có 4 ngày đi ôtô liên tục bên Trung Quốc, nhưng khi về đến Lạng Sơn, bập vào hệ thống giao thông của mình, chúng tôi vẫn không tránh khỏi... chạnh lòng. Nhiều câu hỏi cứ ào ra: Tại sao họ quy hoạch tốt và triển khai được, còn chúng ta thì chưa? Phải chăng do tiềm lực kinh tế hay do ý chí , quyết tâm hoặc do tầm nhìn của chính chúng ta? Và đâu là nguyên nhân chính?

Vương Hà / Laodong