itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Rừng thông vẫn cháy...

Rừng thông vẫn cháy...

Năm 2007, số vụ phá rừng ven tuyến đường 723 thuộc tỉnh Lâm Đồng là 136 vụ. Như vậy, cứ trung bình 3 ngày lại có 1 vụ phá rừng. Những loại rừng bị phá gồm cả rừng trồng, trừng tái sinh tự nhiên, với loại cây chủ yếu là thông 3 lá. Tuyến đường 723 trở thành điểm nóng của tình trạng phá rừng.

Ông Lê Quang Nghiệp, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: "Hình thức vi phạm chủ yếu là người dân ken các gốc cây, phạt hết phần vỏ vào đến phần gỗ, làm cho cây chết và sau đó chiếm đất sản xuất. Thường những vi phạm này được tiến hành ban đêm, khi không có cán bộ đi tuần tra".

Tuyến đường 723 nối Đà Lạt - Nha Trang đi qua các huyện Đa Sar, Đa Nhim và Đa Chair, huyện Lạc Dương, với chiều dài 51km. Đường thông tuyến, ngoài thuận tiện cho việc đi lại thì giá trị đất ven tuyến đường này cũng tăng cao, nhiều đối tượng nhân cơ hội này đã kiếm lợi từ rừng.

Không phải là không biết mình đang vi phạm Luật, nhưng đối với người dân sống dựa vào rừng thì việc phá rừng không thể không thực hiện. Đó là chưa kể, một số đối tượng có đất rừng đã chuyển nhượng cho các doanh nghiệp khai thác. Hết đất sản xuất, họ lại phá rừng ven tuyến đường mới. Tuyến đường mở ra càng thêm thuận lợi cho người dân đến khai phá những vùng rừng trước kia chưa thể đến.

Việc phá rừng càng diễn ra trầm trọng khi giá cà phê trên thị trường tăng cao nhất trong lịch sử 10 năm qua. Diện tích rừng bị phá đã lên đến 26ha với gần 7.000 cây thông. Những vườn ươm cà phê được dựng ngay trong rừng để... thuận tiện.

Anh Đơng Gur Long, thôn 5, xã Đa Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng nói: "Biết là Nhà nước cấm, nhưng không có đất phải phá rừng. Phá được bao nhiêu thì trồng bấy nhiêu".

Cũng theo ông Lê Quang Nghiệp: "Chúng tôi đã xử lý vi phạm và đến nay, việc phá rừng có hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn là việc cân bằng giữa đảm bảo đất sản xuất cho nông dân và bảo vệ rừng...".

Mặc dù ngành Kiểm lâm khẳng định rằng, đã hạn chế được tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, những đám khói vẫn bốc lên, hàng loạt rừng thông vẫn tiếp tục cháy. Lực lượng mỏng, nhận thức người dân thấp, năng lực quản lý của cán bộ địa phương kém... Nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho việc rừng bị tàn phá. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng khắc phục những điểm yếu này, số phận rừng thông vẫn tiếp tục nằm trong tay những kẻ lấy rừng trục lợi.

Theo VTV