itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Sơn Lộ bịt bùng...

Sơn Lộ bịt bùng...

Mỗi lần đau yếu, người bản Tày vẫn cặm cụi lội rừng đi lấy lá lẩu, rễ cây về ngâm rượu uống cho gân cốt được như cây lim cây nghiến của hoang rậm.

Bà Nông Thị Lợi, 65 tuổi, đi chăn bò, cũng nhân thể nhặt hạt trẩu và bới rễ cây rừng về ngâm rượu uống để trị bệnh đau lưng. Và cút rượu của bà đã khiến 6 người đàn ông ra đi, để lại 6 người vợ trẻ, gần 20 đứa con côi cút và nỗi kinh hoàng vĩnh viễn.

Cút rượu "uống" 6 mạng người

Bản Tuồng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc nằm cách tỉnh lỵ Cao Bằng gần 150km đường núi non. Đúng như cái tên Sơn Lộ (nghĩa là đường núi non), đường vào xã cuồn cuộn từng khoanh tròn giữa mịt mù mây núi, như con mãng xà trắng - đỏ giữa các đỉnh núi xanh rì. Chúng tôi đi mãi, đến khi lau lách mờ dần, bóng tối bịt bùng ụp xuống những bờ rào đá hộc và thưa thớt vài căn nhà sàn ềm ệp trong sương, thì gặp mấy người cầm đèn pin giọng lơ lớ: "Bản Tuồng đây vớ!".

Tôi và anh Hùng, PV Đài PTTH tỉnh Cao Bằng cùng chợn rợn khi được ông Ma Văn Thướng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lộ dẫn đến trước căn nhà đã diễn ra cảnh chết chóc thảm thương. Căn nhà giờ đã bỏ hoang. Chủ nhà, con trai bà Lợi đã chết, bà Lợi cũng quá hãi hùng, bỏ đi lên rông núi xa tít khác, sống với người con dâu thứ hai. Người con dâu này, có chồng tên là Cẩm cũng bị chết trong vụ uống rượu lá cây do bà Lợi đào bới mang về kia!

Nỗi đau quá lớn. Bà Nông Thị Lợi ngồi cùng tôi, trước ngọn đèn dầu và bếp lửa bập bùng trên sàn nhà, gương mặt thật thà của bà như tượng đồng chết lặng. "Hai con trai tôi đã chết, lại thêm 4 người hàng xóm chết. Càng nhìn vợ con chúng nó, tôi lại càng hận là tôi đi lấy lá cây thau đứt đoóc, lại lấy nhầm rễ cây lá ngón. Sao tôi lại nhầm như thế được chứ? Cán bộ à, tôi cũng đã uống rượu độc mà không chết được!".

Phó Chủ tịch Thướng dịch từ tiếng Tày cho tôi nghe. Rồi anh thêm: Từ khi vụ việc xảy ra, lúc nào bà Lợi cũng đòi tự tử, để được nằm cùng hai con bà và những người hàng xóm ngoài thung lũng kia. Cơ quan công an đã tiến hành điều tra, thực nghiệm hiện trường và đưa ra kết luận: Việc lấy cây "đoạn trường thảo" (uống vào đứt ruột mà chết - cây lá ngón) của bà Lợi là một sự nhầm lẫn thật sự. Việc mình vẫn khoẻ mạnh, không vướng một mảy may vào chuyện lao lý lại càng làm nỗi ám ảnh về sự nhẫm lẫn chết nhiều người của bà Lợi lớn mãi lên.

Ngồi bên hai người con dâu goá chồng và hai chục đứa cháu chắt mồ côi cha vì chai rượu độc của mình, bà Lợi chỉ biết chắp tay trước ngực và nói miên man. Bà nói đều đều, dai dẳng, dường như mê sảng. Đó là vào ngày 12.11.2007, hôm ấy là ngày chợ phiên Pù Mò của Sơn Lộ. Chợ về, bà đi chăn bò, nhặt hạt trẩu, nhân tiện lấy cây thuốc về để uống. Bà vẫn làm như thế, cả xã này nhiều người vẫn làm như thế, hễ ốm đau là gọi thầy mo và tự đi lấy cây thuốc về uống. Khi bà uống thử rượu, thấy choáng váng, hai hàm răng cứng lại, bà ú ớ kêu cứu. Bấy giờ anh Nông Văn Thiên, SN 1966, con trai bà, vừa đi ăn cưới ở xã bên về.

Nông Thị Định, 23 tuổi, vợ nạn nhân Hoàng Văn Tấn cùng 2 đứa con thơ.

Anh Thiên là Đảng viên, trưởng bản, cho người đi gọi mọi người đến cứu chữa. Người trong bản Tuồng đến rất đông, có cả thầy lang của bản là anh Nông Văn Phẩm, có cả bà bói đến tìm "ma" tên là Ma Thị Tiếp cùng đến trị bệnh cho bà Lợi.
Khi bà Lợi ngủ thiếp đi, có vẻ như tính mạng đã không bị nguy kịch, đêm cũng bịt bùng khuya quá, thì mọi người lục tục ai về nhà nấy. Số đàn ông thân thiết còn lại vừa đủ ngồi quanh một cái bàn gỗ trong căn nhà trình đất của anh Thiên. Anh Thiên bèn mang chai rượu nhỏ ra cảm ơn mọi người đã đêm khuya vất vả cứu chữa mẹ anh. Mỗi người một chén rượu. Uống xong, 3 người nằm rên rẩm, sùi bọt mép.

Anh Thiên hãi quá, mới đi gọi anh Long, là Đảng viên, nằm trong Ban Chấp hành Đảng uỷ, phụ trách văn hoá xã Sơn Lộ đến. Anh Thiên gào lên: "Anh Long cứu mọi người đi, nếu họ chết hết thì tôi sẽ chết đến "tận cùng" rồi, họ chết ở nhà tôi, tội tôi to lắm. Rượu này có độc rồi". Mọi người đi gọi chị Nông Thị Bé từ trạm y tế Sơn Lộ vào. Vợ anh Thiên, chị Nông Thị Nhiêu, cũng tham gia cứu chữa cho từng người. Không ai để ý đến người sống dai nhất, khoẻ nhất là anh Thiên. Khi kiểm tra kỹ, 5 người đã tắt thở, mọi người quay lại thì cũng thấy anh Thiên nằm chết. Khi pháp y mổ các tử thi, thì anh Thiên bị nát các phủ tạng nhiều nhất, có thể là vì anh khoẻ nhất, cuồng quẫy và tìm cách cứu 5 người còn lại nhiệt tình nhất.

6 người tử vong vì rượu độc do bà Lợi ngâm gồm: Nông Văn Thiên, Nông Văn Cẩm (2 con trai bà Lợi); anh Hoàng Văn Phẩm (đã có vợ và 3 con); Hoàng Văn Tấn (có vợ và 2 con); Nông Văn Huyên (có vợ và 2 con); Hoàng Văn Canh (có vợ và 2 con).

Phía sau 7 ly rượu độc

Đêm Sơn Lộ bịt bùng, vẫn trên nhà sàn, bà Lợi rót nước lá mời tôi uống. Thú thật, tôi chỉ dám đưa chén nước lên làm phép, bởi nỗi ám ảnh quá lớn. Lại nhớ, cả tuần làm việc ở Cao Bằng, đi đâu cũng được mời rượu lá lẩu, rễ cây, có khi rượu đen, có khi đỏ đọc, có khi chát đắng, có khi sậm ngọt, bất giác tôi rùng mình ớn lạnh.

Liên tục ở Cao Bằng có nhiều vụ ngộ độc nấm, có khi chết cả nhà, có khi những chuyện vớ vẩn người ta cũng nhai lá ngón chết, ngần ấy chưa đủ làm bài học sao? Ngay tại Sơn Lộ, tháng 4.2007, trong đám cưới nhà anh Nông Văn Vinh, đã có tới hơn 90 người cùng bị ngộ độc. Tất cả được khiêng lên Bảo Lạc, nằm chật ních các giường bệnh. Không tìm rõ nguyên nhân thì tạm hiểu là vì thức ăn ôi thiu, nhưng có ai dám chắc nguyên nhân không là vì một thứ lá lẩu ma mãnh nào đó của rừng?

PV LĐ thăm bà Nông Thị Lợi cùng vợ và các con
của hai nạn nhân Thiên, Cẩm (hai con trai bà Lợi).
Người ở bìa phải ảnh là ông Thướng - Phó
Chủ tịch UBND xã Sơn Lộ.

Khi tôi có mặt, khoảng 100 ngày đã trôi qua, nhưng nỗi hãi hùng vẫn vẹn nguyên. Cái đám tang tập thể ấy là sự kiện khủng khiếp, nó thu hút hàng nghìn người, khiến đường vào bản Tuồng bị tắc nghẽn. Các tiểu đội dân quân và bà con của 5 xóm gần 200 người được huy động, phục vụ đám tang tập thể. Trước đó, bà Lợi được lực lượng công an yêu cầu dẫn lên đồi, tìm đúng chỗ bà đã đào rễ cây độc về gây nên cái chết tập thể. Hoá ra, bà đã đào đúng khu gốc cây thau đứt đoóc, chỉ có điều, tuổi già mắt mờ, bà bới dính rễ của một cây khác: Rễ cây lá ngón.

Những ly tán, sự xáo trộn quá lớn sau vụ ngộ độc đang được đặt ra. Cán bộ xã liên tục phải báo cáo tình hình, các cuộc họp của huyện liên tục yêu cầu xã phải chấn chỉnh tình hình ngộ độc "tày đình" với hơn 100 nạn nhân chỉ trong chưa đầy 1 năm. Xóm mất Đảng viên, trưởng xóm. 6 gia đình bị mất lao động chính. Ngôi nhà có 6 tử thi của anh Thiên đã bị bỏ hoang hoàn toàn. Vợ con anh ly tán. Bà Lợi ngày nào cũng đòi tự tử, khiến con cháu và cán bộ hết sức đau đầu.

Đến thắp nhang cho anh Hoàng Văn Tấn, nạn nhân trong vụ ngộ độc này, ai cũng phải rớt nước mắt. Vợ anh, chị Nông Thị Định, 23 tuổi, mới học hết lớp 4, ngồi trong bóng tối căn nhà không cửa. Hai đứa trẻ mồ côi chân đất, áo mỏng trong giá rét. Giữa nhà là ngọn đèn dầu leo lét, bé như hạt đỗ. Trên bàn thờ, bức ảnh còn lại của anh Tấn, khi đang ngồi trên xe đạp đứng ở bìa núi dốc dác, trẻ măng.

Bên cạnh là thẻ đoàn viên, anh được kết nạp đoàn trong quân đội. Nhà mất đi lao động chính, chị Định và hai con chỉ biết trông vào ít đất trồng lúa. Bữa cơm dọn ra chỉ có rau và cơm, các con thèm thịt lắm, thì phiên chợ đến, chị Định xách hai đon lúa ra chợ đổi lấy ít mỡ lợn. "Từ ngày chồng chết, em chưa được cầm đồng tiền, chỉ đem lúa đổi lấy mớ (mỡ) về ăn là xong" - Định nói. Tương lai của 6 người vợ trẻ và hơn chục đứa bé mồ côi sẽ ra sao?

Không chỉ Sơn Lộ hay Cao Bằng, mà trên cả nước, cả ở những "quán rượu dân tộc" ngay tại Hà Nội - Sài Gòn, cánh đàn ông vẫn có "mốt" uống rễ cây, lá lẩu. Ai dám chắc là sự thiếu hiểu biết và niềm tin mù quáng vào thần dược núi rừng lại chẳng làm cho nhiều người bị chết dần mòn vì độc tố?

Đỗ Doãn Hoàng / Laodong