itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Bà "Bao Công" của dân nghèo

Bà "Bao Công" của dân nghèo

Đã từng bị đánh trọng thương vì dám tố cáo kẻ xấu, bị “khủng bố”, chèn ép đủ đường nhưng bà vẫn không “ngán”.

Căn nhà nhỏ hai gian nằm lọt thỏm giữa những tán cây, nép mình bên đồi Dốc Miếu của bà suốt ngày rộn tiếng cười đùa của người già, con trẻ ghé chơi. Họ là những nông dân bị ức hiếp hay những người đến nhờ bà làm giúp lá đơn, giấy khai sinh hay chỉ là ngồi tán chuyện “tư vấn pháp luật”. Lâu lâu lại có vài người đồng đội ghé thăm, ôn lại chuyện công đồn, diệt Mỹ ngày xưa.

Dũng sĩ diệt Mỹ tuổi 17

“Trước đây tôi là chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, sau chuyển ngành về làm quản kho lương thực tỉnh. Tôi phải nghỉ việc nửa chừng để về quê chăm sóc mẹ già ốm nặng. Có bao nhiêu tiền tôi lo thuốc men cho mẹ nhưng bà vẫn không qua khỏi. Mẹ mất, tôi quyết định ở nhà hương khói cho bà. Rồi công việc đồng áng, việc làng, việc xã, chuyện kiện cáo nó cứ quấn riết lấy tôi” - bà Liễu bắt đầu câu chuyện.

Mới 14 tuổi, bà đã tham gia lực lượng du kích xã. Lên 18, bà đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gio Lễ, rồi làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội công đồn giặc. Bà được phong Dũng sĩ diệt Mỹ năm 17 tuổi vì đã có công lớn trong bốn trận công đồn Cồn Tiên-Dốc Miếu. “Đã hơn 40 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày chúng tôi vây hãm tiêu diệt địch ở đồi Dốc Miếu.

Đúng ngày 18-3-1967, tôi được giao nhiệm vụ làm giao liên trực tiếp tham gia trận đánh quan trọng này. Hơn bốn giờ giằng co, chiến đấu hết sức ác liệt, chúng tôi đã tiêu diệt gọn hơn 1.000 tên địch, bọn chúng bỏ đồn chạy mất dạng... - bà Liễu nhớ lại.

Trong những năm tháng làm giao liên, cô du kích xinh đẹp, gan dạ vùng Cồn Tiên-Dốc Miếu đã phải lòng anh đại úy đẹp trai Trương Công Hải (quê Cửa Việt). Tình yêu của đôi trai gái vừa chớm nở thì nghiệt ngã giáng xuống đầu bà. Anh Hải hy sinh trong một trận công đồn.

Từ đó, bà ở vậy thờ người yêu, nhất quyết không lấy chồng mặc dù có rất nhiều người ngấp nghé muốn gắn bó cuộc đời với bà. “Chúng tôi cùng chiến đấu trên một mặt trận, cùng ăn, ở trong hầm hào và yêu nhau từ lúc nào không biết.

Hàng ngày, bà Liễu vẫn tự lo cơm nước cho mình.

Anh ấy hứa sau này chiến tranh kết thúc, anh ấy sẽ đưa tôi về thăm biển Cửa Tùng quê anh và chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới, rồi sinh con. Con chúng tôi sẽ không phải chịu cảnh tang thương, bom đạn. Nó sẽ là những thủy thủ vượt biển khơi, là những công nhân trên công trường xây dựng.

Thế nhưng lời hẹn ước đó đã mãi mãi không thành. Bao nhiêu năm nay, tôi đi tìm mẹ anh mà không được. Năm ngoái tôi mới biết được địa chỉ nhà anh qua một người bạn chiến đấu cũ, tôi tìm về thăm thì mẹ anh Hải vừa mới qua đời...” - bà Liễu ngậm ngùi kể.

Bà “Bao Công” của dân nghèo

Ròng rã suốt 30 năm đi đòi công lý cho thiên hạ, bà đã giúp bao nhiêu người đòi lại được công bằng bà cũng không còn nhớ nữa. Việc nhỏ, việc lớn gì trong làng, ngoài xã, người nào bị ức hiếp, bất công, rồi cán bộ cậy thế làm càn bà đều tháo gỡ.

Bà không quên được cái ngày đầu tiên, một cô gái chân ướt chân ráo mới bước về quê đã dám lên gặp chủ tịch huyện để khiếu kiện đòi lại đất công cho người dân làng.

Bà kể: “Năm 1978, quê tui nghèo khổ lắm, đất đai thì quý hơn vàng, bom mìn xâm lấn hết đất đai, nhiều người đã chết thảm vì vướng mìn trong khai khẩn. Dân làng Hà Trung cậy thế có cán bộ xã ủng hộ nên hành hung và chiếm bảy mẫu ruộng của dân làng Hà Thượng.

Không có ruộng để làm nên dân Hà Thượng càng nghèo đói, kéo nhau lên xã kiện cáo trong mấy năm trời nhưng chính quyền xã “bó tay”, không phân xử. Lúc đó, tôi làm đơn kiện, lên gặp chủ tịch huyện tố cáo làng Hà Trung cướp đất. Ngay sau đó, chủ tịch huyện đã đích thân về xã giải quyết và bảy mẫu ruộng được trả về với người dân làng Hà Thượng. Bà con mừng ghê lắm!”.

Ít ai biết, để giành lại cho bà con làng Hà Thượng bảy mẫu ruộng, bà Liễu đã bị một số tay côn đồ làng Hà Trung chặn đường đánh trọng thương, phải nằm bệnh viện hơn một tuần liền. Bây giờ, những lúc trở trời, vết thương lại đau ê ẩm. Nhưng bà vẫn vui và nhớ mãi vì từ đó bà con làng Hà Thượng kiếm được bát cơm trên diện tích mà bà đã có công giành lại.

Để có thể giúp đỡ bà con lấy lại công bằng, bà phải tìm hiểu rất kỹ về luật pháp. Bà kiếm đủ “trọn gói” các bộ luật liên quan đến đất đai, khiếu nại và tố cáo... Hàng trăm điều luật bà thuộc vanh vách, nắm rõ tận tường.

“Tôi không tin kẻ xấu không bị trừng trị và quyền lợi của dân nghèo
không được bảo vệ” - bà Liễu tâm sự.

Bà cười, nói: “Bà con mình hiền lành, không am hiểu nhiều về luật pháp nên thường bị ức hiếp mà không biết làm răng. Có muốn kiện cáo chi cũng chịu. Mình phải tìm hiểu pháp luật, nắm rõ pháp luật thì mới giúp bà con được chứ!”. Không chỉ giúp dân khiếu nại, tố cáo kẻ xấu mà những vướng mắc của bà con dù nhỏ bà cũng giúp đỡ như làm giúp cái đơn, hướng dẫn các thủ tục hành chính, giúp làm chế độ chính sách, rồi khai sinh, khai tử...

Tố cáo cán bộ “ăn” đất

Chuyện tố cáo, phanh phui mấy tay cán bộ xã Gio Châu “ăn” đất công được xem là gay go nhất trong hành trình đi đòi công lý của bà. Bởi lẽ những người bị bà tố cáo đều là cán bộ lãnh đạo, người có chức, có quyền.

Lãnh đạo xã Gio Châu tự ý phân lô, cấp hàng chục lô đất cho cán bộ xã, sau đó cán bộ lấy đất được cấp bán lại 60-70 triệu đồng/lô, trong khi người dân nghèo địa phương không có đất làm nhà, phải trôi dạt đi nơi khác sinh sống. Việc lại đến tay bà, bà làm đơn khiếu nại gửi huyện, huyện bảo gửi tỉnh. Lên tỉnh, tỉnh lại bảo về huyện.

Bà “chạy” hơn hai năm trời nhưng không cơ quan nào đứng ra giải quyết khiếu nại cho dân.

Nhiều đêm bà phải thức trắng để tìm cách tháo gỡ giúp dân. Đùng một cái, bà lặng lẽ khăn gói đi ra trung ương khiếu kiện trước sự ngỡ ngàng của dân làng. “Hơn hai năm đi khiếu nại ở huyện, ở tỉnh mà không ai giải quyết nên tôi quyết ra Hà Nội một chuyến.

Tôi không tin kẻ xấu không bị trừng trị và quyền lợi của dân nghèo không được bảo vệ. Hơn một tuần “ăn chực, nằm chờ”, tôi may mắn được gặp Thủ tướng để trình bày bức xúc. Thủ tướng hứa sẽ xem xét, giải quyết sớm cho chúng tôi việc này. Vậy là chỉ một tháng sau, thanh tra huyện vào cuộc. Gần 1.000 m2 cấp cho 16 người sai nguyên tắc bị thu hồi, cán bộ xã bị kỷ luật”.

Suốt 30 năm bà “vác tù và hàng tổng” giúp dân đòi lại công bằng làm bà “quên” đi chuyện đời riêng tư của mình. Căn nhà tranh rách nát, xập xệ bao năm nay vẫn một mình bà sinh sống.

Rồi một ngày đầu năm 2005, có người bạn chiến đấu ghé thăm, tặng bà bảy triệu đồng để sửa lại căn nhà tránh mưa bão. Nghèo khó là vậy nhưng trong căn nhà cũ của bà luôn rộn tiếng cười đùa, khi thì hàng xóm đến chơi, nhờ tư vấn hoặc kêu oan, khiếu nại, khi khác thì khách qua đường nghe chuyện ghé thăm, hỏi thăm sức khỏe.

Gặp bà, người già, trẻ con trong thôn, ngoài xã đều vẫy tay chào, lúc ốm đau thì mọi người ríu rít hỏi thăm, lũ học trò thì tíu tít bắt chuyện. Với bà, dường như niềm vui là giành lại công bằng cho người khác.

 

Bà là Lê Thị Liễu (61 tuổi), người làng Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Người ta biết đến bà bởi bà đã có công lớn trong việc “lập lại trật tự” và sự công bằng cho dân nghèo, cho làng, cho xã. Nhiều người thường gọi bà là “bà thợ kiện”, vì suốt 30 năm nay bà làm “luật sư” không công bảo vệ quyền lợi cho người dân, là “Bao Công” của làng.

Theo Pháp luật TP.HCM