itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hội khoe và đấu bò ở Bảo Lâm

Hội khoe và đấu bò ở Bảo Lâm

Lễ trao giải, bìa trái là ông Hoàng Văn

Của, người đoạt giải nhất toàn hội thi.

Từ bao đời nay, miền đất chon von sườn với những vách đá dựng trời, với dòng sông Gâm xanh màu nước hến, tãi toẽ chảy như nét bút lông ướt sũng, vừa xanh của rêu, vừa trắng của đá và thác ấy vẫn rất nổi tiếng với giống bò quý và bí quyết nuôi bò danh bất hư truyền.

Thương lái cả nước đổ về đây mua bò. Nghị quyết của Đảng bộ huyện có ghi một dòng chắc nịch: "Đến năm 2010, "huyện ta" sẽ đạt chỉ tiêu mỗi nhân khẩu sở hữu một con bò, 51.000 dân là năm phảy một vạn bò". Những trận rét lịch sử cuối năm 2007 làm nhiều tỉnh của miền Bắc, nhiều huyện của tỉnh nhà Cao Bằng phải lao đao - nhưng nhờ tài chăm sóc, huấn luyện bò của bà con ở đỉnh trời Pác Miều này, đàn bò và giống bò quý hầu như không bị hao khuyết nhiều.

Hơn thế, tôi và bạn đang có mặt ở một hội thi truyền thống: Hội khoe bò và cuộc chiến giữa các "võ sĩ" là bò mộng. Một trận thư hùng thực sự diễn ra ở huyện Bảo Lâm, tỉnh địa đầu Cao Bằng.

"Tua mò giò pỏ khỏ" và hội lễ khoe bò

Vào ngày cuối cùng của năm 2007, tôi có tham gia các bản tin trực tiếp chương trình "Vì người nghèo" của VTV cùng đồng chí Nguyễn Thị Nương - Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Câu nói của bà làm ai cũng giật mình thú vị, muốn ghi chép lại ngay. "Tua mò giò pỏ khỏ", tiếng của người Tày Cao Bằng, có nghĩa con bò có thể di dời cái khó nhọc của người dân đi nơi khác, để cho cái sung túc sinh sôi.

Từ tâm thức trân trọng con bò đó, đàn bò của Cao Bằng, đặc biệt là hai huyện xa xôi nhất tỉnh Bảo Lâm - Bảo Lạc đã phát triển đến kỷ lục. Con bò được yêu quý đến độ, nó là đồ trang sức, là biểu trưng sức mạnh và sự giàu có cho "thân chủ", khi mà cứ mỗi kỳ chợ phiên, các "tráng binh bò" của bản lại tháp tùng ông chủ xuống núi. Người đàn ông Tày, Sán Chỉ, Mông, Dao, tay dắt vợ, tay dắt bò ưỡn ngực ra chợ, buộc bò một góc rồi hỉ hả ăn thắng cố, uống rượu ngô.

Không bán, không mua bò, chỉ là dắt bò đi khoe thôi. Người say mê bò nổi tiếng là anh Hoàng Văn Nó, ở xã Thạch Lâm, trong tay có tới hơn 300 con bò. Nếu anh ta dắt đủ bò của mình đi khoe ở thị trấn Pác Miều, thì chắc chắn phố huyện tiêu điều ấy sẽ... tắc đường.

Đường vào xa và ổ khủng long nhất tỉnh, huyện Bảo Lâm cách tỉnh hơn 200km, nhưng để lóc cóc xe hai cầu vào đến huyện lỵ này còn mất nhiều thời gian hơn cái việc từ địa đầu Cao Bằng về đến thủ đô Hà Nội. Trong khi cả huyện chưa có một con phố nào treo biển chỉ dẫn hay tên phố, thì "Chợ bò Bảo Lâm" được cắm biển xanh chữ trắng trang trọng, có cả mũi tên chỉ xuống chợ. Giữa chợ là la liệt cọc gỗ dài bóng mướt để phiên lại phiên bà con đem bò đến hoặc là khoe, hoặc là mua bán.

Một thung lũng tròn và rộng như "sân vận động quốc tế" với dòng suối hữu tình nuột nà chảy qua được dọn dẹp để làm "đấu trường sắc đẹp và cơ bắp" của họ hàng nhà bò. Phiếu chấm, thang điểm cả phần "khoe" lẫn phần "đấu" bò được ban hành, quy chế được phổ biến rộng rãi. Hơn hai chục triệu tiền tổ chức, giải thưởng được trao, có vòng nguyệt quế sặc sỡ vàng son, có phong bì tiền và cờ luân lưu với hình ảnh đôi bò lực lưỡng đang ở tư thế vờn nhau giữ miếng như bay lượn giữa không trung, như các chiến binh bò tót ở Tây Ban Nha vậy.

Anh Lưu - trưởng phòng Nông nghiệp và cô Tiềm - phó phòng Văn hóa huyện - chỉ đạo việc chấm giải "khoe bò". Một anh chàng nhanh nhẹn, cao to của huyện được tiến cử làm việc đo vòng eo, độ dài và thon của chân bò, độ đều của các núm vú bò. Vô cùng vất vả. Bởi, các cụ có câu "tức như bò đá", không có gì sợ bằng... bò đá. Đá hậu, đá ngang. Mấy lần, cái cậu đo ba vòng của bò cái bị bật ra khỏi "đấu trường sắc đẹp" vì bò đá.

Sau hai trận đấu, bò số 3 đã đoạt giải quán quân.

Một mục đích lớn nhất của hội thi là... vui xuân; nhưng ý nghĩa lớn nhất của giải thưởng lại là cổ xuý cho tình yêu thương, sự công phu và nghệ thuật chăm sóc bò. Nên màn thi cặp bò mẹ - con đẹp diễn ra rất xôm. Càng ngẫm, tôi lại càng thấy việc chấm giải khoe bò rất giống thi hoa hậu. Xin trích nguyên văn mẫu chấm điểm của Ban tổ chức như sau: "Phần thi thể hình. Toàn thân "cân đối, hình nêm, lông mượt, vú to, núm vú đều (10 điểm); ngực sâu, sườn nở, vai rộng, lưng phẳng và thẳng (10 điểm)"... Những con bò cái mắn đẻ, "đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con" nhất, cổ đeo lục lạc duyên dáng, sừng cong vênh điềm đạm ngắm khán giả. Đi cùng chị chàng là những chú bê con xinh xẻo, cổ đeo lục lạc, có chú bê trắng phấn như một nàng công chúa. Bà chủ mặc trang phục người Mông thậm chí còn đeo cả khèn cho chồng, tay cầm... mũ bảo hiểm tím thịm, bóng nhẫy. Sự hoà sắc giữa hội bò thật ấm áp, no đủ.

Kết quả hội khoe hàng trăm con bò nái nuôi con, giải nhất thuộc về cặp bò mẹ con mang mã số 04 của chủ bò Vừ Văn Vàng, xóm Piào, xã Mông Ân.

Một con bò không có đối thủ

Con bò nào cũng có đôi mắt to, hiền và ướt, có lẽ vì thế mà trong thần thoại Hy Lạp, thần Dớt tột đỉnh quyền năng đã biến người tình của mình thành một con bò cái dịu dàng đi trên bờ biển. Thông thường, trâu hay dữ dằn húc chết người, và trâu đã húc nhau thì nó có thể đuổi nhau vài cây số, sùi bọt mép "huyết chiến", dẫu rằng, đôi khi cặp sừng nhọn như song kiếm của nó cắm phập vào thân cây tươi không rút ra được (thay vì húc đối thủ). Bò, ở ngoài đồng ruộng rất hiền, có đánh nhau cũng chỉ hục hoặc tí rồi "dĩ hoà vi quý".

Nhưng, những nhận định phổ quát trên trở nên sai hoàn toàn, khi bạn có mặt tại hội đấu bò Bảo Lâm. Khi đã gí mũi hai con bò đực vào nhau, quất một roi vào mông một chú, lập tức cuộc chiến xảy ra. Chúng vờn, giữ miếng, rống lên thị uy, ưỡn ngực vạm vỡ để phô trương thanh thế. Rồi những bước nhảy như vũ nữ bốn chân. Có cặp bò vàng ruộm, có cặp bò đen nhức, cơ bắp cuồn cuộn, những vũ điệu "chém giết" kinh thiên được trình diễn. Có khi, đôi bò đánh nhau đến độ một con rách toạc da bụng, một con rơi xuống vũng nước, bốn chân chổng cả lên trời, con kia vẫn tiếp tục truy sát. Có con bị lăn trên sườn dốc thung lũng như... hòn bi, vẫn đứng dậy "chiến" tiếp. Có khi, cặp bò đuổi nhau đến độ, vó của chúng nện xuống dòng mương, nước bay sáng loá một góc rừng, khán giả hò reo đinh tai nhức óc.

Ông La Văn Chúc - người khu 1, thị trấn Pác Miều - dắt con bò đen tuyền ra sân, chỉ ba vòng quần thảo, ông và bò đã hãnh diện nhận phần thắng, khi bò đối thủ chạy tuột về phía những căn nhà sàn trên đỉnh núi. Dắt bò ra suối uống nước, ông Chúc xót xa: "Tôi phải sát ngô, sát sắn chăm bò nó mới sống qua được trận rét vừa rồi, nhưng nó hao mất 30kg thịt, chú ạ". Bà Hoàng Thị Sỹ - người Na Quang - mặc áo Mông, đeo khèn Mông, dắt theo một con bò lừng lững xung trận. Bò của bà đã thắng qua suốt hai vòng loại. Tiếng hò reo dậy đất.

Nhưng, đến lượt con bò số 3 (cũng là con đoạt giải nhất) lừng lững ra sân bãi theo tiếng loa gọi dồn của ban tổ chức thì một tình huống không có trong sự tưởng tượng của bất kỳ ai xảy ra. Bò của ông Hoàng A Của dữ như bò tót, vai u mấu lên như lạc đà, con bò đực này nặng 1,6 tấn.

Chàng bò cứ cao lênh khênh, vểnh sừng đứng nhìn bốn phía, đôi chân thúc xuống đất như đe doạ ai đó khiến ông chủ gầy phải khốn khổ giữ dây thừng. Quả nhiên, con bò nào vào sân cũng chỉ biết đứng nhìn rồi đi thụt lùi. Có con bò rất to, xông vào ngửi bò số 3 xong, lập tức cậu lao thẳng về phía khán giả như chuẩn bị tàn sát người xem. Hàng nghìn người ù té, xéo lên nhau chạy tán loạn. Không, cậu ta bỏ chạy lên rông núi. Mọi người phỏng đoán, chỉ có bò của ông Giàng, một con bò lai Sind dễ chừng nặng gần 2 tấn may ra "chơi" được bò mộng số 3.

Nhưng, quy chế của ban tổ chức không cho phép bò dự án đấu với bò truyền thống của người Bảo Lâm. Sau vài trận đấu làm vì, chỉ hai hiệp, không còn bò nào đến dự thi không bỏ chạy. Bò đực mang "áo số 3" đã chiến thắng. Chủ bò, ông Hoàng A Của, xóm Mạy Rại, thị trấn Pác Miều lên nhận giải nhất, tấm vải hồng điều phủ lên ngực ông in hình đôi bò dữ dằn như bò tót đang trong vũ điệu hạ gục nhau.

Ông Của năm nay 45 tuổi, là một người nuôi bò giỏi nổi tiếng trong vùng, bò qua tay ông, ăn cám, cháo, chăn thả ở vùng cỏ bổ dưỡng bí truyền khiến cho các lái buôn vùng Bắc Mê, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) mê tít. Họ săn lùng bò của ông như lùng... cá anh vũ trên sông Gâm. Ông Của bảo tôi: "Con bò chọi khoẻ, phải có cặp sừng nhọn, vát lên và khum vào với nhau. Nuôi bò chọi, tốt nhất nên nuôi cái con bò xấu trai. Bọn đẹp trai toàn là ăn hại. Bò xấu trai và phải béo, béo thì sẽ húc nhau giỏi".

Bếp núc của một cuộc thư hùng

Hội thi đã thu hút gần 20 cặp bò của các xã trong huyện Bảo Lâm về "so găng", sau khi đã qua vòng sơ tuyển tại địa phương. Có người dắt bò đi suốt một ngày từ sáng hôm trước, đến tối về thị trấn "chủ tớ" ngủ nhờ, để sáng hôm sau dự hội. Người Bảo Lâm có câu: "Xa Yên Thổ/ Khổ Đức Hạnh/ Lạnh Đồng Mu/ Sương mù Lủng Pán". Bà con, dù ở vùng xa, sương mù hay vùng khổ sở đã đặt thành "thơ" kia, đều náo nức về dự hội bò. Bà con nhiệt tình đến mức, công văn về xã được cán bộ xã phổ biến nhầm ngày, từ độ rằm tháng giêng, anh Lưu - trưởng phòng Nông nghiệp huyện - đã phải tiếp hơn 50 con bò kéo đến trụ sở đòi... thi đấu. Phải mỏi tay, mỏi mồm giải thích, chủ bò và bò mới đi về, để đến đúng ngày đến dự thi tiếp.

Để có hội khoe và đấu bò cấp huyện quy mô như hiện nay, cán bộ văn hoá huyện phải sưu tầm tư liệu, gặp hàng chục người già ở các xã để hiểu về các hội khoe và đấu bò cấp xã vẫn thường diễn ra hàng năm; để xây dựng một quy chế, mô hình cấp huyện, tiến tới tổ chức thường niên. Giống bò thượng hạng của Bảo Lâm đã được Viện Nghiên cứu thức ăn bò ghi nhận là vào loại tốt nhất Việt Nam, càng khiến cán bộ huyện quyết tâm. Nghị quyết của huyện về việc mỗi người dân sở hữu một con bò đã khiến Bảo Lâm có nguy cơ đạt kỷ lục về độ đông của đàn bò (tính theo tỉ lệ dân cư) trên cả nước. Nhưng, khi con bò trở thành tài sản lớn, có con giá 15 triệu bà con chưa thèm bàn. Đem đi chọi, nhỡ nó chết, nhỡ nó bong sừng ốm đau, liệu có "quỹ bảo hiểm" cho bò không? Phòng Nông nghiệp lên hỏi lãnh đạo huyện, huyện bảo chưa có kinh phí làm bảo hiểm. Nhưng, nếu bò chết, lúc ấy sẽ có phương án đền bù, hỗ trợ cẩn thận, thế là bà con yên tâm lắm.

Nhìn cái cảnh ông Dinh, ông Giàng, hai lão nông hể hả xuống dự hội bò, thật sung túc. Mỗi ông, tay phải dắt con bò đực hung dữ nghênh ngang thách thức như con bò tót sắp nhảng chân vào "đấu trường La Mã"; tay trái dắt con bò cái (phía sau bò cái lẽo đẽo chú bò con xinh như trẻ thơ). Một hình ảnh vô cùng xúc động về cái sự chăm bẵm của bà con với con bò, "tua mò giò pỏ khỏ", cũng như sự tri ân của đàn bò cho cuộc sống lành lẽ của người vùng thượng du Bảo Lâm.

Phó Chủ tịch huyện Bảo Lâm trao giải thi đấu bò xong, ngồi nán lại giữa thung lũng khoe bò mà bấm đốt ngón tay, ơn trời, nếu không lở mồm long móng, không giá rét ma quỷ như năm vừa rồi, năm 2010, Bảo Lâm chắc chắn sẽ có hơn 50 nghìn con bò. Tôi ngỏ ý nghi ngờ về cái nghị quyết "một đầu dân một đầu bò" ấy, đồng chí quắc mắt: "Anh à, thì chúng tôi đang có những 13 nghìn bò trong độ tuổi sinh sản cơ mà".

Vâng, thì mùa xuân năm tới, hội khoe và đấu bò Bảo Lâm còn mở với quy mô lớn hơn, giải thưởng đậm hơn cơ mà.

Theo Đỗ Doãn Hoàng / Lao Động