itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Thân hạc chín mươi vẫn chèo đò kiếm sống

Thân hạc chín mươi vẫn chèo đò kiếm sống

Một bà cụ đã 90 tuổi, gần cả cuộc đời làm nghề chèo đò. Đến khi, sức đã yếu tay run, không thể chèo đò được nữa, bà lại nhường công việc cho con dâu, năm nay cũng đã hơn 70 tuổi, làm việc thay mình. Từ nhiều năm nay, hai người đàn bà gần như là độc thân này vẫn dựa vào nghề chèo đò để kiếm sống và dựa vào nhau để tìm kiếm niềm an ủi.

Định mệnh “khó tránh”

Cụ Bao năm nay đã 94 tuổi. Cụ kể, từ đời cụ thân sinh đã làm nghề chài lưới và chở khách qua sông ở bến đò Sông Châu, nằm giữa xã Lam Hạ (huyện Phủ Lý, Hà Nam) này rồi. Vì vậy, đến đời cụ, làm nghề chèo đò cũng như một định mệnh, tránh cũng không được.

Cụ Bao có hai người con trai, một người đã hy sinh khi trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Người con trai thứ hai, cũng đi bộ đội nhưng còn trở về lành lặn với gia đình, sau đó cưới vợ là bà Chìa và đã sinh cả một đàn gồm 4 đứa cháu cho cụ Bao. Thế nhưng, chẳng biết anh con trai đi bộ đội chiến đấu ở những đâu và có bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học không mà những đứa trẻ sinh ra cứ bệnh tật và ngớ ngẩn. Rồi cả anh con trai cụ Bao cũng mất sau đó không lâu. Thế là gia đình cụ Bao đã không còn chỗ dựa, chỉ có những đứa trẻ nheo nhóc và hai người phụ nữ lam lũ kiếm sống ở bến sông.

Với đôi mắt đã kèm nhèm, cụ Bao ngước nhìn tôi, nhưng ngay lập tức, cụ lại cúi xuống như vừa gặp phải một luồng sáng mạnh khiến bà chói mắt. Sự thực thì bà đang khóc, vì bà không muốn một người xa lạ nhìn thấy một người đàn bà đã gần đất xa trời lại phải khóc. Cụ Bao nói: “Tội nghiệp. Số của nó - (ý chỉ bà Chìa, con dâu bà – PV) – là số khổ. Bị mồ côi từ nhỏ, đến khi lấy chồng, không được nhờ chồng, đã vậy lại còn phải ôm cả một gánh nặng”.

Rồi bà lại bảo, lúc nào bà cũng coi bà Chìa như con. Nhưng thương thì thương thế thôi, chứ không thể làm gì hơn cho cô con dâu được. Thành thử, trong ngôi nhà bé nhỏ, hai người phụ nữ cứ lầm lũi sống, lầm lũi chăm chút nhau từng tí một, chứ nhất định không có chuyện “mẹ chồng nàng dâu” như nhiều người vẫn nghĩ.

Đang trò chuyện với cụ Bao thì bà Chìa bước vào nhà, trên tay vẫn cầm mớ rau muống. Bà Chìa bảo, mớ rau muống này là của khách qua thuyền cho. Mà họ cho thì nhận, cũng là cái công mình chở khách qua sông thôi.

Từ khi bà Chìa về, ngôi nhà trở nên vui hẳn. Bà bảo, bà rất đông con, nhưng lớn lên, đứa khôn thì lấy được vợ, ra ở riêng, rồi kéo nhau đi làm ăn xa; đứa dại không lấy được vợ, cũng bỏ nhà đi “làm ăn” xa, nhưng làm ăn ở những đâu thì bà không biết. Có đứa, Tết cũng không trở về nhà nữa. Bà cũng chả còn sức để mà đi tìm chúng về. Cả đời bà đã bao giờ đi ra khỏi cái bến sông này đâu. Nói rồi, bà Chìa đi vo gạo nấu cơm. Tôi nhìn theo bóng bà Chìa. Dường như tất cả những khổ ải và vất vả cuộc đời của người đàn bà tuổi đã “thất thập cổ lai hy” này đều in trên cái bóng.

Lẽ ra, ở cái tuổi của mình, bà Chìa phải được con cháu phụng dưỡng, đằng này, bà vẫn phải làm tất cả những công việc nặng nhọc kiếm sống, lại vừa phải chăm sóc mẹ chồng cao tuổi. Mấy chục năm rồi còn gì. Bà Chìa nói: “Bà cụ đã cao tuổi lắm rồi, nhiều lúc hay lú lẫn lắm. Thế nhưng ở cái xã này, ai cũng biết bà cụ thương con dâu lắm”.

Cụ Bao và con dâu (bà Chìa) mấy chục năm
chia sẻ ngọt bùi

Bà Chìa kể, có lần bà bị ốm, con đò phải nằm ở bến đò cả tuần, đồ ăn trong nhà cũng hết, nhưng cụ Bao ngày nào cũng xin ở đâu đuợc bát cháo xương rất thơm về cho cô con dâu tẩm bổ. Lại có lần cả hai mẹ con cùng ốm, sợ nhà hết gạo ăn, bà Chìa phải “trốn” mẹ ra bến chèo đò. Nhưng khi cụ Bao biết được, đã tìm ra tận bến, nhất quyết đòi cô con dâu về nhà nghỉ đến khi nào hết bệnh mới được đi làm. Cũng may lần đó, nhiều khách đi đò không thấy bà cụ đã tìm đến biếu hộp sữa, tấm bánh nên hai mẹ con cũng sớm khỏi bệnh, trở lại với công việc của mình.

Nỗi đau tay chèo

Gần cả cuộc đời làm nghề chèo đò, cụ Bao cũng không còn nhớ mình đã chở bao nhiêu khách nữa. Mà chuyện đó thì ngay cả hồi còn minh mẫn nhất, cụ cũng không thể thống kê được. Cụ bảo ngày trước dân nghèo, chèo đò mỗi ngày chỉ kiếm được vài hào, có khi chỉ là vài mớ rau. Bây giờ, dân đã khá hơn, nhiều người họ đã mua được xe máy, họ phóng vù trên đường cái quan rồi qua sông bằng cây cầu lớn mà nhà nước mới xây cách đây mấy năm. Thế nhưng, không phải vì thế mà cụ mất nghề. Cụ vẫn còn rất nhiều khách, mà khách của cụ cũng toàn là người nghèo và các cháu học sinh thôi. Mà người nghèo và học sinh thì không có xe máy. Họ không thể đi bộ hàng chục cây số để qua sông trên cây cầu được, thành thử chiếc thuyền của cụ vẫn là phương tiện duy nhất giúp họ qua sông.

“Mà cái cái nghề chèo đò bây giờ khổ hơn ngày xưa bác ạ”, cụ Bao nói, “ngày xưa sông không có bèo, chứ bây giờ, nhiều lúc bèo tây ở đâu trôi đến, giăng kín cả sông, chèo thuyền vất vả lắm. Nhưng mỗi lần, mình cũng chỉ lấy 500 đồng một lượt thôi. Còn đêm hôm thì tuỳ tâm khách, họ cho thế nào thì mình nhận”.

Rồi cụ Bao kể, không ít lần, đêm hôm có người phải sang bên trạm xá cấp cứu. Nhưng chèo được một quãng thì bị một mảng bèo tây khổng lồ chặn đường. Con thuyền chết cứng ở giữa đám bèo. Thế là, cả người bệnh dù miệng vẫn kêu rên vì đau đớn, vẫn phải cùng người chèo thuyền dùng tay rẽ từng cánh bèo để mà qua sông. Lần khác, cách đây cũng khá lâu, giữa đêm cụ Bao phải trở một người phụ nữ đang chở dạ cùng chồng sang trạm xá để chờ sinh, nhưng sông có quá nhiều bèo, thuyền không thể đi được. Cuối cùng, người phụ nữ đã sinh hạ đứa con ngay trên thuyền của cụ. Cũng may cả đứa trẻ và người mẹ đều không sao vì có người đến kịp thời kéo thuyền vào bờ. Nhưng với cụ Bao thì đó là một chuyện nhớ đời, cứ cắn rứt cụ mãi. Sau vụ ấy, cụ sợ, dù có người van xin, cụ cũng cạch không dám chở người đi đẻ qua sông nữa.

Thế nhưng, tất cả những chuyện đó giờ đã là chuyện xưa cũ rồi. Đã hơn một năm nay, cụ đã nhường hoàn toàn tay chèo cho bà Chìa, con dâu của cụ rồi. Và bà Chìa, năm nay đã ngoài 70 tuổi lại bắt đầu với công việc vất vả và đầy bất trắc là nghề chèo đò.

6 giờ tối, mưa bắt đầu giăng kín cánh đồng trước ngôi nhà nhà cụ Bao. Ở trong nhà, cụ Bao bắt đầu lên cơn ho, những cơn ho của cụ thường xuất hiện theo giờ. Mỗi lần cơn ho xuất hiện, tôi đều có cảm giác cuống họng của cụ như chuẩn bị bị xé toang. Khi cơn ho của cụ Bao vừa ngớt cũng là lúc bà Chìa từ dưới bếp lúi húi bê nồi cơm lên nhà. Mâm cơm chỉ có một đĩa rau và bát cà muối.

Tôi định chào tạm biệt hai người chèo đò vào loại đặc biệt nhất Việt Nam này ra về thì bất chợt có tiếng gọi đò từ phía bên kia sông vọng tới. Bà Chìa lại lặng lẽ khoác áo mưa, rời khỏi gian lều ẩm mốc và xiêu vẹo đi ra bến. Tôi cũng theo bà Chìa ra bến sông. Mưa đã giăng kín mặt sông và khoảng không trước mặt. Con thuyền nhà cụ Bao vẫn dập dềnh trên mặt nước. Tôi thấy khuôn mặt gầy gò và chiếc lưng còng của bà Chìa bắt đầu run lên vì gió lạnh. Nhưng khi bước chân lên thuyền, đôi tay bà vẫn rắn chắc cầm lấy cây sào đầy vẻ tự tin. Và, trước khi dùng cây sào đẩy chiếc thuyền ra xa, bà Chìa còn quay lại, nói với tôi rằng: “Khi nào về đây, có muốn qua sông, hãy gọi “đò ơi!”, tôi sẽ có mặt”…

Theo Duy Hiệp - Đặng Phục / VNN