itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hoạ sĩ của người âm

Hoạ sĩ của người âm

Ở làng Hoà Bình, xã Yên Nghĩa, Hà Tây có một người được dân làng gọi với cái tên trìu mến: Hoạ sỹ của người âm. Ông không vẽ tranh mà chỉ là người chuyên trang trí huyệt mộ. Người "hoạ sĩ" ấy là nông dân Văn Viết Chẫu.

Như hoạ sỹ chuyên nghiệp

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào một buổi chiều xuân giá rét, bên miệng huyệt của một người vừa mất. Giữa cánh đồng mênh mang, trong cái rét buốt của những cơn gió Đông bắc, ông ngồi đó, một mình, bên miệng huyệt, tay run run đưa từng nét bút chậm chạp.

Công việc của ông chỉ bắt đầu khi những trai làng làm xong phần việc hậu sự. Nếu nói đó là công việc của một người hoạ sỹ cũng chẳng sai, vì đôi tay ông đưa những nét khéo léo, điêu luyện chẳng kém mấy ông hoạ sỹ chuyên nghiệp. Và chỉ khi có một mình, ông mới có thể chú tâm vào công việc, như một người nghệ sỹ thực thụ cần một khoảng không yên tĩnh cho việc sáng tác vậy.

Bậc tam cấp ngôi mộ được gọt cẩn thận, quét dọn sạch sẽ. Ông dùng bẹ chuối non chẻ nhỏ như thanh tre, đóng xuống từng mép của bậc. Bậc cuối cùng là nơi được trang trí cẩn thận nhất. Ông chỉ dùng 4 màu: trắng, vàng, xanh, đỏ. Bốn góc bậc là bốn hình triện dài được vẽ bằng màu trắng. Phía đặt đầu quan tài là chữ Thọ, phía cuối là chữ Phúc. Bốn góc sát miệng huyệt vẽ bốn con bướm hoặc bốn con dơi.

Kỳ công nhất và cũng đẹp mắt nhất là hai con rồng dọc theo hai bên miệng huyệt. Người hoạ sỹ phải mất cả tiếng đồng hồ mới vẽ được một con rồng. Nét vẽ chỗ thanh, chỗ đậm, khi liền mạch, khi đứt quãng. Khó nhất là khi vẽ đầu rồng. Phải lựa thật khéo, đưa từng nét bút nhỏ, to, lúc điềm đạm, khi phóng khoáng... Hai mắt rồng được vẽ bằng màu xanh đậm. Khi hoà vào nền đất, nó tạo thành một màu xanh đen bóng...

Mỗi một huyệt được ông trang trí một cách khác nhau, tuỳ thuộc vào yêu cầu của gia chủ.

Ông bảo, huyệt mộ của người bên lương và người theo đạo được trang trí khác nhau. Với người theo đạo Thiên Chúa thì thay bằng vẽ rồng, phượng, ông trang trí hai bên là hai cây thánh giá, lọ hoa và vài cây nến.

Bột dùng để vẽ là loại bột màu mà mấy ông hoạ sỹ chuyên nghiệp vẫn dùng. Bởi trên nền đất, không phải vẽ bằng gì cũng được. Nếu vẽ bằng sơn, nét vẽ ướt át, sơn chảy loang lổ, màu cũng bị thâm hơn màu thật rất nhiều. Còn nếu dùng ve, bột ve thấm xuống đất, màu trở thành nhợt nhạt. Ông bảo phải dùng bột màu pha với rượu (bắt buộc có rượu thì bột mới tan) thì màu không bị bay. Khi rượu bay hơi, bột màu vẫn keo dính trên mặt đất chứ không bị hút xuống phía dưới. Màu vì thế mà cũng tươi và thật hơn. Theo ông màu ấy làm vơi đi phần nào sự chia cắt âm -dương.

"Khéo tay là để giúp người"

Sinh năm 1951, nay ông đã gần bước vào tuổi lục tuần. Bàn tay trang trí cho bao nhiêu ngôi mộ, chính ông cũng không nhớ nổi. Chỉ mang máng rằng cái lần đầu tiên ông làm công việc này là khi ông khoảng 20, 21 tuổi gì đó. Khi ấy, ông không vẽ trên nền đất như bây giờ mà chỉ vẽ trên giấy, cắt ra rồi đem dán ở huyệt mộ. Lâu dần, ông cũng học cách vẽ trực tiếp bên miệng huyệt để khung cảnh và màu sắc sinh động hơn.

"Hoạ sỹ" nông dân Văn Viết Chẫu.

Ngày trước, khi ông Chẫu chưa "vào nghề", trong làng cũng có vài người làm công việc này. Nhưng họ chỉ có thể vẽ được vài bông hoa đơn giản. Đến tay ông, ông thêm hoa, thêm bướm, thêm dơi… Một lần, nhìn đôi mành treo bên bàn thờ có hình hai con rồng, ông tự hỏi: "Tại sao mình không vẽ rồng nhỉ?". Nghĩ sao làm vậy, lần sau, ông đem chiếc mành ra bên miệng huyệt, cứ nhìn vào đó mà vẽ theo. Ngay lần đầu tiên ông đã thành công không ngờ.

Rồi với bản tính chịu khó tìm tòi, sáng tạo, ông lại muốn vẽ những thứ khác khó hơn, vẽ được rồng rồi ông lại học cách vẽ phượng...

Ông cười, bảo rằng trời cho ông khéo tay như thế là để giúp mọi người, chứ ông có được học qua trường lớp nào, chỉ là tự mày mò, bắt chước. "Người ta nói ai có hoa tay thường vẽ đẹp. Nhưng tôi tuyệt không có một hoa tay nào!", vừa nói ông vừa xoè bàn tay thô ráp của mình ra trước mặt.

Rồi ông "khoe": "Trí nhớ của tôi rất tốt. Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều hình đẹp, cố nhớ rồi về nhà tập vẽ. Nếu không có trí nhớ tốt thì làm sao vẽ theo được?".

Dân làng còn kể mãi chuyện ông Chẫu một đêm có thể đọc xong một cuốn truyện hàng mấy trăm trang. Sáng hôm sau ông có thể kể chính xác các tình tiết câu chuyện cho bà con nghe. Ông vẽ rồng, vẽ phượng lần đầu còn phải nhìn mẫu còn từ lần thứ hai trở đi là cứ nhắm mắt vào vẽ vẫn đâu ra đấy. Vì vậy, tất cả những hình ông nhìn thấy trên đường, gặp trong cuộc sống ông đều có thể nhớ được và vẽ lại bằng chính đôi tay thô mộc hàng ngày vẫn cầm cày cầm cuốc.

Gọi công việc của ông là "nghề" thì không đúng. Bởi, bao năm nay ông đều làm không công dù nhiều lúc phải bỏ việc của nhà mình để làm công việc lo hậu sự cho bà con làng xóm. Trong làng nhà nào có tang đều nhờ ông trang trí giúp với mong muốn làm cho người quá cố một "ngôi nhà" tươm tất. Với bất kỳ gia đình nào ông cũng tỷ mỉ kẻ vẽ làm cái công việc làm đẹp ấy không chút nề hà dù trời nắng hay mưa, oi bức hay giá rét!

Tiến Nguyên / VTC