itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Mảnh đất của những 'quái thai'

Mảnh đất của những 'quái thai'

Trẻ em ở bản Co Muông đang bị đe

doạ bởi mỏ phóng xạ.

Từ nhiều năm nay người dân ở bản Màu, bản Co Muông xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và cả Đồn biên phòng 277 đóng trên địa bàn sống trong sự hoang mang, sợ hãi: Chết sớm, bệnh trọng, tàn tật, trì độn...

Bản Co Muông nằm thu mình cạnh con suối Nậm Xe. Đây là vùng đất có nhiều ruộng, nước nôi lại thuận tiện nên dân cư tập trung đông đúc. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây ở bản có nhiều người mắc những chứng bệnh quái ác. Chúng tôi có mặt vừa kịp để đưa ông Lò Văn Sừ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Vợ ông vẫn chưa qua cơn đau kinh hoàng khi gặp chúng tôi: "Con ma rừng hại ông ấy! Cũng giống nhiều người trước đây bị chết: Con ma rừng vào bụng, bụng sưng to mà chết". Nghe tình hình, các bác sĩ quân y và chúng tôi đều hiểu đó là bệnh ung thư gan, nhưng để giải thích được thật khó vì dấu ấn kinh hoàng của “con ma rừng” đang in đậm nơi đây.

Căn nhà của chị Lò Thị Ít xập xệ nằm cuối bản, bốn bề thông thốc gió lùa. Những ngày vừa qua, sau đợt rét đậm, cả nhà không có gì ăn, chị phải vào rừng kiếm củ mài, củ sắn để mẹ con rau cháo qua ngày. Lý Văn Chính, đứa con trai của chị cũng đã lớn nhưng dường như nó không hiểu nỗi phiền muộn trong lòng người mẹ. Chính cứ thơ thẩn ngoài sân mà ú ớ mấy câu vô nghĩa. Thấy có khách lạ đến bản, Mò Văn Páo nhà ở kế bên, chân đi cà nhắc cũng sang chơi đùa với Chính.

Năm nay Páo 30 tuổi, cũng ngơ ngơ, và đã lấy được vợ, nhưng mấy năm chung sống rồi mà chưa có con. Cùng tuổi nhưng Páo gọi tôi là chú xưng cháu, trên tay cầm con nhái có ba chân dí vào mặt tôi như muốn cho tôi để làm quen.

Chị Ít giằng lấy con nhái dị dạng ném đi rồi nạt: "Bẩn! Ra chơi với thằng Chính để cán bộ làm việc". Ở bản Co Muông còn có nhiều người mắc bệnh này như Vàng Thị Cỏ, Lý Văn Mán, Lý Thị Mỳ... Chị Ít cho biết: "Mấy đứa này chả biết làm gì nên thường chơi với nhau". Về con nhái, chị Ít bảo: "Khối! Nhái ba chân, cá hai đuôi trên này hay gặp lắm. Mà anh nhìn con chó đang đùa với thằng Chính kìa, lúc mới sinh có hai cái đuôi, sau bị người ta chặt mất thành ra cụt đuôi". Ra vậy, điều này lý giải cho sự ngạc nhiên của tôi khi thấy hàng loạt con chó của Đồn biên phòng 277 đều không có đuôi.

Rời bản Co Muông, chúng tôi đến bản Màu cũng có nhiều người mắc bệnh lạ. Hai bản này có trên 500 nhân khẩu với gần 100 hộ dân. Trước đây, hai bản có chung tên là bản Mỏ, nhưng vừa được tách ra. Anh Vàng Văn Chiềng - Trưởng bản Màu, tiếp chúng tôi bằng một giọng buồn vì chính con trai và đứa cháu ruột của anh cũng bị dị tật bẩm sinh.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng cho biết, vào mùa hè cả bản thường bị đau đầu, đau ngực. Khi ốm đau, người dân thường đến Đồn biên phòng 277 xin thuốc. Vì thế, chuyện "cháy" thuốc thường diễn ra ở Đồn. Còn đối với những người không phải là dân bản địa mà mới chuyển đến định cư tại khu vực này như các chiến sỹ biên phòng hay thầy cô giáo thì số người có con bị dị tật bẩm sinh không phải là hiếm.

Theo anh Hoàng Duy Luyến, Chính trị viên Đồn biên phòng 277, anh mới vào đây hơn 2 tháng mà chưa một đêm nào ngủ ngon. Không riêng gì anh Luyến mà rất nhiều chiến sỹ khác ở Đồn cũng bị ảnh hưởng. Hai vợ chồng một chiến sỹ (xin được giấu tên) sau khi chuyển đến Đồn biên phòng này đã sinh ra người con dị tật, ruột ở ngoài bụng nên tử vong ngay sau sinh. Còn con của một chiến sỹ khác thì bị bệnh máu trắng... Theo các chiến sỹ ở Đồn biên phòng, bất kỳ một người nào lần đầu tiên đến Đồn mà ngủ lại, sáng dậy cũng kêu đau đầu và người thường lả đi. Mùa đông mức độ ảnh hưởng còn nhẹ, chứ mùa hè không khí oi nồng, hễ mở cửa sổ ra là có một mùi rất lạ.

Con suối thơ mộng Nậm Xe bất chợt hiện ra trắng loá mắt dưới cái nắng mùa xuân. Bên dưới dòng nước vẫn rì rào chảy là những hòn đá trắng hếu nằm lô nhô như đống sọ người. Cách đây hơn 5 thế kỷ, trong lần đi thực địa, Nguyễn Trãi đã từng viết trong cuốn Dư địa chí về mảnh đất này, đại ý rằng: Đây là vùng đất hiếm. Nước suối có thể đổi màu 5 lần/ngày, mắt nhìn thẳng không thể thấy.

Đá ở suối không mọc được rêu - Lời lẽ trong Dư địa chí ngắn gọn, dễ hiểu tuy nhiên về chuyện nước suối thay màu 5 lần/ngày nhưng mắt nhìn thẳng không thể thấy được thì qua nhiều lần tư vấn tôi mới có được câu trả lời chuẩn xác: Bản chất nước là không màu sắc nhưng tuỳ theo tác động của phóng xạ vào hạt ánh sáng mà quang phổ (xuất hiện khi nhìn nghiêng mặt nước lúc ánh sáng mặt trời chiếu vào - như cầu vồng) có thể thay đổi độ đậm nhạt khác nhau.

Ông Chiềng, Trưởng bản Màu đích thân dẫn chúng tôi ra bờ suối Nậm Xe. Con suối từ bao đời nay tuôn chảy cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho bà con. Khi ra đến bờ suối, ông đột ngột quay lại hỏi chúng tôi: “Anh nhìn kỹ xem suối ở đây có gì khác so với các dòng suối khác ở Tây Bắc?". Câu hỏi quá bất ngờ của Trưởng bản khiến chúng tôi giật mình. Chưa kịp đưa ra nhận xét thì Trưởng bản đã cầm một hòn đá trắng hếu lên bảo: "Đá ở đây không bao giờ mọc rêu". Lúc này chúng tôi mới nhìn kỹ, cả bãi đá chạy dài qua bản không hề có một cọng rêu nào.

Theo lời kể và theo hồ sơ tài liệu đã thất lạc khá nhiều của UBND huyện, cách đây vài chục năm đã từng có các chuyên gia nước ngoài lên đây nghiên cứu. Có lệnh bảo mật nên mọi người cũng chỉ biết có mỏ khoáng sản gì đấy. Và họ bảo bà con không nên sống gần khu vực này. Song do bà con không biết cái chất đó nguy hiểm đến đâu, nên vẫn dựng nhà sống cạnh suối. Hơn nữa, quanh khu vực này có rất nhiều ruộng, nên việc bảo người dân chuyển đi nơi khác là không thể. Và cũng từ đó, số người mắc bệnh ác tính, các quái thai cứ lần lượt tăng lên cùng với sự kinh hoàng.

Cùng với thiếu uý Đỗ Văn Tài - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, chúng tôi vượt qua con suối bắt đầu leo núi. Ông Chiềng dẫn chúng tôi lên thăm chỗ mà các chuyên gia Tiệp Khắc (trước đây) từng khoan lỗ vào lòng núi để nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu xong, họ đã dùng nắp bê tông đậy lại.

Nhưng do người dân nơi đây quá nghèo, nên đập nắp bê tông để lấy sắt. Điều này khiến những lỗ khoan ở đây trông sâu hoắm và ngày càng trở nên nguy hiểm với dân bản. Anh Tài gật đầu đồng tình khi trưởng bản Chiềng cho biết: "Từ ngày nắp bê tông bị hở, người dân không dám đến gần. Vì chỉ cần đứng cách chỗ đó trăm mét thì lúc về nhà, người tự dưng cứ lịm đi". Chính vì lẽ đó mà những lỗ hang sâu hun hút này bị người dân tại đây coi là mầm mống của tai hoạ.

Trong báo cáo điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, khả năng ảnh hưởng và biện pháp khắc phục trên một số mỏ có chứa chất phóng xạ ở Lai Châu năm 2004 của các tác giả Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tự và cộng sự thuộc Liên đoàn Địa chất xạ hiếm, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chỉ ra vùng không an toàn phóng xạ tại xã Nậm Xe với diện tích 15,6km², đặc biệt là tại bản Màu và Đồn biên phòng 277.

Nghiên cứu trên đã chỉ ra hàm lượng urani, thozi... trong đất và nước tại Nậm Xe cực kì cao, nước uống nhiễm xạ vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Vì thế, người dân nơi đây thường mắc các bệnh tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, máu... cao hơn các vùng khác.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ nhiệm công trình trên đã về hưu hơn hai năm nay. Khi tiếp xúc với ông tại Hà Nội, ông cũng không ngờ việc di dân vẫn giậm chân tại chỗ. "Đây là một mỏ phóng xạ. Có lẽ kỹ thuật hồi những năm 70 không cho phép các chuyên gia nước ngoài khai thác, nhưng rõ ràng việc khoan thăm dò có xảy ra và việc rò rỉ nguồn phóng xạ này là có.

Chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo cho các cấp, ngành cần có quy hoạch cấp nước sinh hoạt cho người dân, không nên cấp đất canh tác và cho dân làm nhà trên các khu mỏ và vùng lân cận, nhất là bản Màu và Đồn biên phòng 277, người dân sống trong khu vực ô nhiễm cần phải được di chuyển nơi ở khác". Kết quả nghiên cứu được đưa ra cách đây đã 4 năm, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn chưa nhận được một khuyến cáo, giúp đỡ nào của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, thời gian vừa qua, một đoàn kỹ sư người Nhật đã 2 lần vào thăm dò để khai thác.

Về phía các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, họ có biết, nhưng lại rất thờ ơ trước thực trạng này. Chúng tôi tìm đến cơ quan chức năng của huyện Phong Thổ lại nhận được những câu trả lời rất vô cảm. Ông Phó Chủ tịch huyện bảo làm gì có chuyện đó, huyện không nắm được việc này vì dưới chưa báo cáo lên. Còn một lãnh đạo tỉnh Lai Châu lại nói tỉnh queo: Người dân sống hàng nghìn đời nay có sao đâu. Nếu bị gì thì họ đã chuyển đi từ lâu rồi.

Theo Nông Thôn Ngày Nay