itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nước mắt của đá!

Nước mắt của đá!

Tang thương ở mỏ đá Rú Mốc

Trưa tháng ba, nắng như thiêu như đốt. Theo con đường đất đỏ bụi mù ngoằn ngoèo dẫn vào bãi khai thác đá ở xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cách TPHCM hơn tám mươi cây số, chúng tôi dừng lại trước đám ruộng toàn đá đào nham nhở dò hỏi đường.

Người đàn ông nhỏ thó, xương da quắt queo, nhướng cặp mắt trũng sâu, xởi lởi nói: “Đúng nơi đây rồi. Các cô đi đường xa mệt vào nhà em uống chén trà nghỉ chân một lát”. Gương mặt anh ốm nhách, nhễ nhại mồ hôi. Trên người anh khoác chiếc áo sơ mi cũ sờn như miếng giẻ lau bám đầy bụi đất. Chiếc áo tuềnh toàng, tơi tả như chính cuộc sống túng khó triền miên của anh bên cạnh trái đồi đá.

ĐẬP ĐÁ Ở XÓM NGHÈO

Anh tên Cường, 36 tuổi, sống bằng nghề đập đá gần chục năm rồi. Trước đây, anh làm cho bãi bà Thu, bà Nhàn. Cứ chẻ một khối đá dăm loại 5x7 và chất lên xe, được chủ trả 30 ngàn đồng. Dạo này anh thôi không làm thuê nữa mà cặm cụi đào xới trên sào ruộng lổn nhổn đá cuội nhà mình. Mỗi ngày anh cũng kiếm được năm sáu chục ngàn gởi lên cho vợ nuôi đứa con trai thứ hai chín tuổi bị ung thư xương đang điều trị ở Bệnh viên Ung Bướu.

Nhà anh Cường gần bãi đá của bà Thu. Nghe đâu bà đã mua đứt vùng đất này, ngày ngày thuê máy cạp sục sạo, đào xới đá. Những người nghèo, thất nghiệp như anh được thuê đục, đẽo những tảng to như trái núi thành đá các loại 20x30, 20x40 (đá làm móng), đá dăm loại 5x7... bỏ mối cho nhà thầu xây dựng. Ở vùng đất khô cằn, heo hút này, có hơn chục gia đình người Châu Ro cũng bám vào nghề đập đá để kiếm cái ăn quanh năm.

Mùa nắng ở đây nước nôi khan hiếm. Cả xóm chỉ có một cái giếng sâu hút, rộng hoác miệng nằm sát quả đồi đá dùng chung cho việc sinh hoạt, ăn uống, tưới tiêu. Có lúc giếng cạn ráo, nhà nhà đổ xô đi mua nước.

Cứ một bể loại 450 lít phải trả ba mươi ngàn. Trụ điện chôn lừng lững đầu xóm đã nhiều năm thế nhưng tối đến, dân ở đây vẫn phải chịu cảnh tù mù với đèn dầu. Để tiết kiệm, có người đốt cả lốp xe lủng để thắp sáng.

Cỏ cây khô cháy, gió hanh hao thốc từng cơn từ bãi đất trống vào trong xóm. Thằng nhỏ hai tuổi con trai anh Cường ốm như con nhái đang chúi mũi vọc cát bên hè. Thỉnh thoảng, nó đưa bàn tay đen xỉn quẹt vội hàng nước mũi nhầy nhụa chảy lòng thòng ra hai bên gò má lấm lem đất cát.

Nó thập thò chỏm đầu loe ngoe khét nắng ngoài mép cửa, trố đôi mắt thèm thuồng nhìn chúng tôi uống chai Number One cha nó mua đãi khách. Rồi nó chạy ù tới, bấu chặt bàn tay cáu bẩn vào ống quần nửa cao nửa thấp của cha rên ư ử vòi vĩnh. Anh Cường nạt: “Con uống rồi, của mấy cô, không được đòi”.

Chúng tôi đi quanh quả đồi lở loét bị máy xúc cạp nham nhở. Anh Cường bảo: “Ngày xưa ở đây đá cao ngút như ngọn le, đục khoét, đào xới mãi bây giờ nó trũng như đám ruộng hoang”. Có gần chục người loay hoay mồi lỗ. Họ quai búa, phá đá. Bụi, dăm văng tung tóe. Một thanh niên đang cặm cụi đẽo mồi lỗ, bị một miểng đá văng trúng đầu gối, ngồi ôm giò nhăn nhó, xuýt xoa.

Ngoài bộ đồ phong phanh trên người và cái mũ vải lụp xụp che nắng, dân đập đá không có bất cứ món đồ bảo hộ lao động nào. Nguy cơ chột mắt, què giò, gãy tay, nhiễm bệnh phổi silic là rất cao. Chứng phổi silic là căn bệnh đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây tử vong hoặc gây xơ hóa phổi. Đến nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị.

Muốn tránh bệnh phải đeo khẩu trang loại phòng chống cúm gà, bởi nó có thể lọc được 95% bụi hô hấp; loại khẩu trang thông thường không có tác dụng do kích cỡ lọc bụi của nó quá lớn. Vậy mà ngày này qua tháng nọ, dân làm đá vẫn trơ mặt hít thứ chất độc hại ấy vào người.

MÁU RƠI TRÊN ĐÁ

Tôi nhìn họ ái ngại hỏi: “Sao không đeo kính?”. Một anh độ hai bảy tuổi cười nhe chiếc răng khểnh, nói cụt: “Đeo một lát bụi bám trên kính, mờ mắt, không khéo lại đập nhầm búa tạ vào tay thì chết dở. Ở đây đui mắt, đứt cuống họng là chuyện thường ngày cô ơi”.

Giọng anh tưng tửng, dửng dưng như thể chừng nào mình bị xui hẵng hay, còn bây giờ phải lo kiếm cái gì đó nhét vào mồm ba đứa nhỏ ở nhà cho chúng khỏi réo khóc vì đói. Chứ anh nào quên chuyện của Tưởng, 33 tuổi, làm cùng bãi với anh.

Cách đây ba năm, trong lúc chêm nêm chẻ đá, cái dùi Tưởng đang dùng đập đá bị mẻ một miếng sắt bằng ngón tay cái, văng ngay vào mắt khiến Tưởng rú lên ôm mặt vật vã. Đám người đập đá đưa anh đi cấp cứu, nhưng một con mắt của anh bị tổn thương quá sâu phải múc bỏ. Sau sự cố đó, Tưởng bỏ luôn bãi đá, bây giờ người ta chẳng biết anh đi đâu, làm gì.

Tôi lôi máy ảnh ra, đứng xa xa bấm anh Long vài tấm. Những miểng sắc nhọn từ khối đá anh đang “mồi” như đạn lạc cứ bay vèo vèo về phía tôi. Thấy tôi hốt hoảng, anh dừng tay, chui vào tấm bạt che nắng, ngả lưng một lát. Ngoài trời, nắng dường như bớt gay gắt. Tôi nhìn đống đá chất chồng, sừng sững như quả đồi bị đục khoét nham nhở, chợt rùng mình liên tưởng tới vụ cả quả núi đá sập trong mỏ đá Rú Mốc tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào buổi chiều định mệnh tháng 12 năm ngoái.

Bảy người lao động nghèo bị chôn sống dưới lớp đá vô hồn, để lại nỗi đau xé lòng cho người thân. Chứng kiến cảnh tượng tang tóc: những phụ nữ rũ rượi, vạ vật cào bới đất tìm xác chồng trong nỗi tuyệt vọng, nhiều ông mắt dại đi, giọng khản đặc khóc tìm vợ, những đứa bé mặt sưng húp cứ rưng rức gào tìm cha... nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Húp sâu ngụm trà đắng nghét, anh Long khề khà kể như kéo tôi về thực tại: “Tôi từng là tài xế xe tải, chở hàng cũng “ngon ăn” lắm, nhưng hay bị CSGT bắn tốc độ, treo bằng riết nản quá nên giải nghệ. Bây giờ chui vào đây kiếm cháo”. Anh bảo ngày trước ở đây móc đá kiểu hàm ếch, nhiều người đã mất mạng, trong đó có anh Định bốn mươi tuổi, ở cùng phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh với anh. Buổi trưa, dân đập đá thường chợp mắt ngoài lán.

Không biết ai xui khiến mà bữa đó anh Định lại xách gô cơm chui vào hầm ăn. Được một lát thì tiếng sập hầm ầm ầm như xé toạc cái yên ắng đáng sợ của vùng quê heo hút. Mọi người choàng tỉnh, miệng ú ớ gọi thằng Định đâu rồi! Tội nghiệp, anh Định ngậm mớ cơm trắng trong mồm chưa kịp nuốt đã bị chôn vùi dưới mấy lớp đất đá. Bây giờ, thầu bãi không cho đào kiểu hàm ếch nữa, nguy hiểm lắm.

Anh Long bảo nghề đập đá tuy cơ cực, sứt đầu mẻ trán như cơm bữa, nhưng được cái giờ giấc thoải mái, tự do, không ai nặng nhẹ gì mình, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Cái lý sự cùn của anh xem ra hữu hiệu như liều thuốc trấn an tâm lý.

Anh bảo trời kêu ai nấy dạ chứ lo lo sợ sợ né việc thì lấy gì mà ăn. Tôi biết nghề đập đá thu nhập ít ỏi, nhưng người lao động nghèo đã phải đổ vào đá không chỉ mồ hôi, máu, mà cả sinh mạng mình.

Theo CATP