itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Ông chủ người Hoa

Ông chủ người Hoa

Tại các nước người Hoa được nhận vào định cư như Mỹ, Úc, Canada... nhiều người gầy dựng cơ nghiệp từ từ con số không.

Các đợt vượt biên giai đoạn sau 1975 đã đưa nhiều chục ngàn người Việt gốc Hoa phân tán khắp nơi trên thế giới.

Thể chế thay đổi tại miền Nam, và chính sách 'cải tạo công thương' sau đó, đã làm nhiều người Hoa lo sợ. Họ tìm cách thoát khỏi Việt Nam.

Một số người ra đi mang theo vàng và nữ trang. Nhưng quả là khó giấu khi gặp cướp biển. Phần lớn người Hoa ra đi với hai bàn tay trắng.

Dù tài sản không có, tiền bạc không nhiều, tiếng Anh không biết, nhưng với sự cần cù, bền bỉ, lập hội giúp nhau, và quản lý theo kiểu gia đình trị, người Hoa lại thành công một lần nữa, nơi đất khách quê người. Giống như trước đây họ từng có trong tay nhiều cơ sở kinh doanh quan trọng tại miền Nam Việt Nam.

Bài viết này phân tích mô hình kinh doanh của người Hoa và các yếu tố giúp họ thành công, kể từ sau năm 1979, khi các hạt giống ‘người Việt gốc Hoa’ được 'gieo rắc' khắp năm châu.

Người hoa có chí hướng kinh doanh và rất thành công trong nghề bán lẻ

Cần cù

Trần Dũ Hùng là một doanh nhân người Việt gốc Hoa ở Sydney. Anh bắt đầu buôn bán từ lúc 10 tuổi, ban đầu chỉ là phụ giúp bà nội với tiệm tạp hóa. Khi sang Úc anh đi giao thuốc lá, sau đó anh mở sạp bán hàng tại chợ cuối tuần.

Và một năm sau mở tiệm tạp hóa, mỹ phẩm tại một trung tâm buôn bán của người Việt. Theo anh, khi kinh doanh người Hoa thường bắt đầu từ một vài món hàng rất nhỏ, sau đó mới mở rộng ra. Và đặc tính đầu tiên của họ là cần cù, tận tụy với công việc:

“Cái chính là họ cần cù, ít tiêu xài, ít khi ganh đua về ăn chơi. Những ông chủ người Hoa khác sẽ xem anh làm việc có uy tín và có cần cù không. Nếu không, họ sẽ không giúp vốn cho anh để mở rộng kinh doanh.”

Mạc Hưng Chiêu là giám đốc công ty kinh doanh nội thất A Plus Furniture tại Tân Tây Lan. Cũng là người Hoa vượt biên, ông bắt đầu ‘vào nghề’ bằng công việc tài xế giao hàng. Bốn năm sau ông mở tiệm. Ông thừa nhận đa số chủ người Hoa có có hai đức tính: cần cù và giữ uy tín. Ông gọi đó là lý do khiến họ dễ thành công.

“Bà nội tôi ở bên Mỹ hiện đang có trong tay một khu shopping lớn, và gầy dựng nó bằng nghề bán bánh bò. Ban đầu bà bưng từng khay bánh bò đi bán. Cần cù dành dụm năm này qua năm khác, để về sau bán những thứ khác lớn hơn.”

Ông Chiêu thừa nhận đó là cái tính hay. “Các sắc dân khác ít khi họ làm như vậy, họ chờ để đủ vốn liếng mới bắt đầu sự nghiệp.”

Chữ tín

Còn bà Thái Phụng Long chủ cửa hàng bán đồ gia dụng StarBeauty ở Sydney nói đến sự hỗ trợ nhau trong giới thương gia người Hoa, dành cho những người mới mở tiệm. Và chữ tín trong kinh doanh:

“Khi kinh doanh người Hoa trọng chữ tín. Khi ai đó mở shop, thường những người Hoa kinh doanh ở shop lớn hơn chở hàng lại cho anh, không cần anh phải năn nỉ gì hết. Họ mang hàng đến cho anh bán.”

“Khi anh bán xong, anh mới trả tiền.”

Bà Phụng Long giải thích một số người Việt kinh doanh khó thành công vì khi mở cửa tiệm, muốn mua hàng hóa của người khác, thường phải trả tiền trước rồi mới được giao hàng, vốn liếng ban đầu đã khá nặng, cho nên khó thành công.

Các tiệm của người Hoa, dù mới mở, hay đã hoạt động, thường mua hàng của nhau. Qua đó họ có thể hỗ trợ nhau về giá, tín dụng, và nguồn hàng. Và cùng hợp sức nhau để tồn tại, khi thịnh cũng như trong cơn suy.

“Người Hoa họ trọng chữ tín, khi họ hứa bán cho anh với giá, chẳng hạn 5 đồng một ký, ngày mai cái hàng đó lên 6 đồng, họ vẫn bán cho anh 5 đồng”, ông Dũ Hùng, chủ tiệm tạp hóa tại Bankstown nói.

“Lý do người Hoa thành công là khi họ buôn bán ế ẩm, người cung cấp hàng không đòi tiền liền của anh. Họ để đó và đôi khi còn giúp vốn cho anh để sống qua giai đoạn khó khăn. Lỡ mà anh lỗ hẳn, họ bỏ luôn. Đó là cái rất là hay. Họ không phân biệt người Quảng, người Tiều, hay Phúc kiến.”

Người Hoa có lối giúp đỡ nhau riêng khi mở shop để dựa vào nhau .

Bang hội

Là cộng đồng di dân, khai xứ, mở mang bờ cõi, tính cách hội phường của người Hoa rất lớn. Và từ đó mọi người bắt đầu để ý đến vai trò của ông hội trưởng, hay ông trưởng bang.

Trong nhiều hoạt động kinh doanh của người Hoa người ta thấy xuất hiện hình bóng của ông bang này. Muốn được làm bang trưởng, theo bác sĩ Liêu Vĩnh Bình, chủ tịch Hội Thương gia Á Úc Thần Long, vị này phải tự bỏ tiền túi ra, để chứng minh khả năng cống hiến của mình.

“Trong cộng đồng người Hoa nếu anh muốn lên làm ông Bang trưởng, hay Hội trưởng, điều đầu tiên anh phải ‘cống nạp’ cho hội, đối với người Hoa là bằng tiền mặt.”

“Thời giá bây giờ là khoảng 30 ngàn đô la Úc mỗi một năm. Không phải mua quan bán chức gì, nhưng đó là cái để anh hết lòng đối với hội, anh thật tình mang tâm huyết và tiền bạc để giúp cho hội vững mạnh.”

Chuyện hội trưởng bỏ tiền túi ra giúp hội, theo ông Bình, rất khác với người Việt.

“Đối với người Việt khi làm hội trưởng họ hay nghĩ cống hiến của mình có được đền bù, được trả lương hay không. Một số người chỉ muốn đóng góp bằng thời gian thôi, coi đó là đủ rồi, không bỏ tiền ra làm chi.”

Ông Bình nói sinh hoạt chính của người Hoa tập trung ở bang hội. Ví dụ như Hội Tiều Châu, Hội Quảng Đông, tập hợp mang tính chất vùng miền, hay địa phương.

“Nhiều bang hội không có nội quy, hay điều luật gì hết. Ví dụ đối với Hội Tiều Châu, người không có tiền cũng được gia nhập hội, không nhất thiết phải là người của địa phương đó. Họ không có nội quy chặt chẽ như cộng đồng Việt Nam.”

“Nhưng họ có sự đoàn kết trong tinh thần khá chặt chẽ. Ví dụ Hội Tiều Châu, hai năm trước tổ chức cuộc họp hàng năm ở Singaporre. Tốn phí lên tới nhiều triệu đô la, và chúng được nhiều Hội Tiều Châu trên thế giới hỗ trợ. Họ giúp những người không đủ điều kiện, không có tiền đến tham dự.”

Theo bác sĩ Bình, cuộc gặp như vậy không phải là để mua bán giới thiệu sản phẩm. Chủ yếu là gặp gỡ và ăn chơi, nhưng tình cờ nếu có gì mua bán được, họ vẫn làm.

Gia đình

Ra nước ngoài, và cho đến bây giờ nhiều Việt gốc Hoa vẫn chọn kinh doanh là nghề để sống. Trong lĩnh vực bán lẻ, hay mở cửa tiệm bán tạp hóa, không ai có thể ‘đọ’ với người Hoa. Điều này được khẳng định tại các nước có đông người Hoa lập nghiệp sau năm 1975, như Mỹ, Canada, Pháp và Úc.

Khi kinh doanh người Hoa thường bắt đầu từ những thứ nhỏ và từ đó vươn lên

Bà Long Thái Phụng, chủ tiệm đồ gia dụng StarBeauty ở Sydney, nhắc đến sự đoàn kết trong gia đình như là yếu tố quan trọng khiến người Hoa thành công.

“Quan trọng nhất là họ cần cù. Họ làm với tính cách gia đình. Có nhiều tiệm tôi thấy cha, ông nội, hay người lớn tuổi trong gia đình, đứng ra kiểm soát hết mọi thứ.”

“Tiền bạc của những người con làm được đều gom về một nơi. Và từ đó người cha sẽ phân phối theo nhu cầu của từng đứa con. Chứ không phải con cả, hay con đầu thì được nhiều.”

“Tiền bạc của gia đình thường do người cha, hay người trưởng, quản lý. Khi một người con nào mở shop họ thảy hết vốn liếng vô trong đó. Khi ấy đồng vốn của họ giống như cái vốn cộng hưởng, nó rất mạnh, do vậy khi kinh doanh họ thường thành công.”

Một điểm nữa, theo ông Mạc Hưng Chiêu, chủ shop nội thất ở Tân Tây Lan, giúp tạo ra sự thành công của người Hoa trong kinh doanh là thái độ cần mẫn sớm ngày.

“Họ rất cần cù. Họ không nghĩ đến làm việc làm tám hay chín tiếng một ngày. Họ làm mười tiếng, mười một tiếng mà không than vãn.”

“Những người con trong gia đình đều phải tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, bất kể tuổi tác.”

Việt – Hoa khác biệt

Nhiều người Hoa vượt biên và định cư ở nước thứ ba cùng thời với người Việt. Không nản khó khăn, chẳng nề hà vốn liếng, nhiều người lao vào buôn bán và khá thành công. Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình là người có nhiều năm quan sát cách kinh doanh của hai cộng đồng Việt và Hoa.

"Người Hoa có đầy đủ tính chất của người làm thương mại. Đó là cần cù, tiết kiệm, không phải hơi thành công một tí là đã đi khoe toáng lên.”

“Nhiều người Hoa trước đây ở Việt Nam tôi thấy, có thể đang mặc cái áo rách nhưng họ có triệu triệu bạc trong tay.”

“Họ có thể đóng góp cho bang hội của họ cả triệu bạc nhưng mà họ vẫn mặc áo rách để buôn bán. Đó là những cái rất là hay. Họ không đi chơi tối, không vô quán xá để đốt tiền.”

HT (Tổng hợp)