itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Ông Ngọc ba ba

Ông Ngọc ba ba

Ông Ngọc sẽ tiếp tục phát triển đàn

ba ba từ vài chục con bố mẹ còn

sót lại sau lũ.

Nhiều người biết "ông Ngọc ba ba" ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng (Ðác Lắc) vì nhiều lẽ: ông là một trong những người nuôi trồng thủy sản đầu tiên trên cao nguyên này và ông cũng là người có máu làm ăn nhất trong thời buổi kinh tế thị trường.

Sau vài lần gặp gỡ và trò chuyện với ông, tôi đã hiểu ra nhiều điều lý thú về con người này.

Nhớ lại sau trận lũ xảy ra hồi đầu tháng 8-2007 bao nhiêu vốn liếng của vợ chồng ông đổ vào hồ nuôi ba ba, cá chình hoa... theo dòng nước cuốn đi, mà sắc mặt ông vẫn cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Ðến nỗi, phóng viên báo đài về đưa tin, viết bài, ông Ngọc nói vui: "Trời không thương, đành chịu. Còn lại vài chục con ba ba thương vợ chồng tôi nên ở lại, thì cũng bắt vài con lên nhấm nháp để nói chuyện thế sự cho vui!". Và trong bữa rượu "chan đầy nước mắt" ấy, tôi mới biết: Nếu trận lũ đáng nhớ trên, chỉ đến chậm hơn dăm bảy ngày nữa thì vợ chồng ông đã cầm chắc trong tay cả tỷ đồng từ số lượng ba ba, cá chình độ vài tấn đã đến thời kỳ xuất bán. Ðã mất mát thế rồi, ông phải "bồi thường" hợp đồng bị vỡ cho đối tác đã ký ngoài Hà Nội đến hai mươi triệu đồng. Tôi hỏi ra thì ông bảo: "Lũ cuốn hết, lấy đâu ra đủ số hàng mà người ta yêu cầu và thỏa thuận với mình trước đó. Cũng may họ hiểu do trời hại, nên cho tui khất đến kỳ sau mới tính...". Nói đến đây, ông cười lạc quan: "Kỳ sau cũng có nghĩa là một đến hai năm sau mới may ra hồi sức lại! Còn cái may ở đây, theo ý tôi là dù mất tiền tỷ, lại bị phạt... nhưng đổi lại, trong vốn kiến thức và kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nước ngọt của mình lại dày dạn thêm hơn trước rất nhiều".

Trong ánh nắng ấm áp buổi trưa của một ngày cuối năm Ðinh Hợi, tôi ngồi nghe ông Ngọc dốc hết tâm sự của mình về cái nghề được coi là mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Ông kể: Ngày ông rời chân cán bộ phong trào Nông trường cà-phê 49 (đứng chân trên địa bàn Krông Năng) cũng là cái đận mà cà-phê bắt đầu rớt giá thê thảm (cuối năm 2000, đầu năm 2001) nên Nhà nước và chính quyền địa phương có chủ trương đẩy mạnh công tác chuyển đổi và đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng để bà con nông dân mình không còn bị động và chịu nhiều thiệt thòi do rơi vào thế "độc canh" cây cà-phê như xưa nữa. Vậy là vợ chồng ông lặng lẽ và miệt mài be bờ, đắp đập trên vùng đầm lầy hoang hóa, rộng chừng năm sào ở phía mé Ðông (thuộc thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng bây giờ) để nuôi trồng thủy sản. Ðầu tiên, ông nuôi cá rô phi và một số loài cá đồng để tạo vốn lấy "ngắn nuôi dài"; đồng thời cũng để tích lũy kinh nghiệm cho việc xây dựng trang trại chuyên đặc sản ba ba, cá chình của mình sau này. Ðến năm 2003, ông Ngọc thêm một lần khăn gói về TP Hồ Chí Minh để học thêm kinh nghiệm nuôi ba ba, cá chình tại trại nuôi trồng thủy sản Hùng Tiến. Sau đó ông lại tiếp tục về huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để học thêm nghề từ bạn bè quen biết. Từ hai địa phương có tiếng về nghề nuôi ba ba này, ông mua hơn một nghìn con giống về và bắt đầu nuôi thả. Những lứa ba ba giống ra đời lần đầu tiên tại Ðác Lắc vào giữa năm 2004 được khách hàng trong vùng và tận cả Gia Lai, Lâm Ðồng đặt mua hết. Có số vốn kha khá trong tay, vợ chồng ông xây thêm hồ để nuôi ba ba thương phẩm cung cấp cho thị trường Tây Nguyên và Hà Nội. Nhớ lại những năm ăn nên làm ra đó (từ năm 2004 đến 2006), ông Ngọc trở nên phấn chấn hẳn: "Chú biết không, một năm hai chuyến đi bắc với khối lượng hàng khoảng dăm tạ ba ba thịt là tôi có trong tay vài trăm triệu đồng. Và khi có tiền, đầu óc tôi nghĩ xa hơn là hễ chỗ nào có hội nghị, hội thảo khoa học về nghề nuôi trồng thủy sản là tôi tìm mọi cách để tới dự và học hỏi. Từ Hà Nội, Móng Cái, Quảng Ninh, cho đến Hải Phòng, Huế... nơi nào có thông tin về mô hình nuôi trồng ba ba, cá chình là tui không bỏ qua cơ hội học tập và tích lũy thêm kiến thức". Có lẽ nhờ ham học hỏi và hiểu biết như vậy, nên ngồi nghe ông Ngọc nói chuyện nghề cứ như các chuyên gia đầu ngành giảng bài vậy. Từ chuyện cho ba ba đẻ, ấp trứng, chọn giống, rồi lúc nào thì xuống giống được, độ nông sâu, mặn ngọt của nước bao nhiêu... ông đều tường tận, chi ly.

Ðến đầu năm 2007, trại ba ba của ông Ngọc đã thành danh trên vùng đất cao nguyên này. Và với ông, điều đó chưa là gì, bởi ông còn khát vọng là nuôi thành công cá chình tự nhiên và tự tin chờ một ngày nào đó sẽ thành công trong việc cho cá chình đẻ và tuyển chọn con giống nhằm cung cấp cho thị trường đang khát loại đặc sản này. Ấp ủ khát vọng ấy, ông Ngọc dốc toàn tâm lực vào việc nuôi cá chình thương phẩm và từng bước thí nghiệm tạo giống. Ông bảo, sông Krông Năng là một trong những con sông có giống cá chình hoa chất lượng nhất. Ông thuê người đánh bắt, thu gom con giống đem về nuôi. Sau vài tháng, đã có gần hai nghìn con giống được ông Ngọc nuôi thả trong trang trại của mình. Vừa kể, ông vừa tiếc hùi hụi: Sau gần sáu tháng chăm bẵm, số lượng cá chình của ông nuôi thả hầu như sống hết và tăng trưởng khá tốt, nhiều con đã nặng tới 5-6 kg. Ðến lúc ông tính chuyện mời bà con nông dân trong vùng tổ chức hội thảo ngay tại trang trại của mình để chuyển giao kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cho những ai có nhu cầu trước khi ông xuất bán. Không ngờ cơn lũ tai quái ập xuống, chỉ trong vòng ba mươi phút, mọi dự định và cả công sức, tiền của gia đình ông cuốn trôi theo dòng nước...

Bây giờ, ông Ngọc đang làm lại từ đầu với quyết tâm như xưa. Ông bảo: "Buông ra là chết, không những tiền bạc mà là niềm đam mê của mình nữa! Ở đây đâu phải mình tự chuốc lấy thất bại, mà do trời lấy đi thôi. Nhưng trời chỉ lấy đi của tôi cái trước mắt, chứ làm sao lấy đi kinh nghiệm, kiến thức và cả niềm đam mê của mình được! Vì thế tôi vẫn tiếp tục, lo gì không đến ngày thành công". Có điều làm ông bận lòng là đồng vốn giờ đây quá khó, không biết xoay xở ra sao. Sau trận lũ đến giờ, ông bắt tay nuôi cá rô phi được gần hai lứa. Chút tiền kiếm được khoảng 60-70 triệu đồng, ông ném vào ao được 1.400 con cá chình đang to bằng ngón chân. Còn ba ba thì ông hy vọng năm nay sẽ tiếp tục tạo giống từ vài chục con bố mẹ sót lại sau lũ. Ngồi tâm sự với tôi, ông Ngọc cứ băn khoăn với chọn lựa của mình rằng, bán căn nhà đi để tạo vốn, hay không biết chỗ nào cho ông được vay khoản tiền vài trăm triệu đồng để đẩy mạnh công việc làm ăn cho thỏa cái chí mà ông dày công gây dựng?

Theo NGUYỄN ÐÌNH (Nhân Dân)