itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Tiến sĩ "săn" muỗi

Tiến sĩ "săn" muỗi

Hoàng Kim Phúc

Nếu chỉ gặp lần đầu, Hoàng Kim Phúc chẳng có gì ấn tượng hơn những thanh niên cùng tuổi khác. Vầng trán cao, kính cận dày cộp sáng lấp loáng sau mái tóc xõa trên trán... Thế nhưng nếu nói về những chặng đường anh đã vượt qua thì không phải chàng trai nào ở cùng lứa tuổi cũng có thể làm được.

Năm 1991 khi tốt nghiệp khoa Sinh Trường đại học Tổng hợp một cách xuất sắc, Hoàng Kim Phúc được giữ lại trường làm cán bộ nghiên cứu và giảng dạy.

Sáu năm tiếp theo là cả một quá trình học tập miệt mài để bảo vệ thành công học vị thạc sĩ tại trường, trở thành giảng viên chính và hoàn thành đề tài nghiên cứu "Nghiên cứu loài ẩn hình gây bệnh sốt rét ở Việt Nam".

Từ sự thiết thực cũng như chất lượng được thể hiện qua công trình khoa học này, Tổ chức Y tế thế giới WHO quyết định cấp học bổng để Phúc có thể triển khai kết quả nghiên cứu ở một bậc cao học.

Và đến tháng 9-2000, với việc công bố kết quả cuối cùng về phân tích "sinh học cao phân tử", khẳng định loài thứ năm là ẩn hình của loài muỗi Minimus, Hoàng Kim Phúc đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Liverpool School of Tropical and Medecin - trường Y học nhiệt đới hàng đầu thế giới.

"Thực ra phát hiện không có gì là mới. Trong lịch sử nghiên cứu bệnh sốt rét Việt Nam, cố Giáo sư Ðặng Văn Ngữ cũng từng đã chú ý tới sự phân bố khá rộng của một loài muỗi sinh sống ở độ cao 20 - 1.000 m so với mực nước biển..."- Phúc đã mở đầu câu chuyện về thành quả nghiên cứu khoa học của mình một cách giản dị như vậy.

Ðiều không phải ai cũng biết là 30 năm sau ghi nhận của cố Giáo sư Văn ngữ Hoàng Kim Phúc và các cộng sự của anh đã tiếp nối phát hiện đó và chứng minh được rằng: Thực ra ở độ cao này không phải chỉ có một loài mà có tới nhiều loài luân phiên suốt từ thấp đến cao. Chúng có thể giống nhau về hình dạng nhưng lại khác nhau hoàn toàn về đặc điểm di truyền. Và Minimus- một trong hai loài muỗi gây bệnh sốt rét, hoàn toàn không chỉ có "phức" là bốn loài ẩn hình như xác định trước đó của các nhà khoa học trên thế giới. Còn có nhiều "phức" của Minimus với những đặc điểm rất khác biệt trong quá trình truyền sốt rét.

Ðể đưa ra những kết luận ngắn gọn này Hoàng Kim Phúc cùng các đồng sự đã phải lặn lội hằng năm trời trên mọi miền thuộc địa. Ở đâu có muỗi là các anh có mặt. Lúc ở bắc, khi vào nam, thoắt lại thấy trèo đèo lội suối tại những vùng cao Tây Bắc len lỏi vào những bản làng, heo hút nhất. Thậm chí phải lặn lội tới những "thủ đô sốt rét" ở Trung Lào, ở biên giới Cam-pu-chia, Thái-lan. Có những nơi phải đi tới hai lần, quay về rồi quay trở lại, cốt sao để có được một tiêu bản muỗi. Bắt được muỗi cái có trứng phải đem về nuôi cho đẻ, rồi lại hồi hộp theo dõi từ lúc còn là ấu trùng khi thành muỗi con. Sau đó lại làm nhiễm sắc thể để tìm ra sự khác nhau về diện mạo bên ngoài của ADN ở từng loài khác nhau. Phần thân muỗi cũng được chạy điện tìm czim và phân tích cấu trúc ADN...

Mục đích là để tìm được những bằng chứng khoa học xác đáng về những phức khác nhau của loài muỗi Minimus.

Sự kiên trì đã đem lại kết quả lớn. Sau những lần kiểm nghiệm về mức độ nhiễm sắc thể, lại giao phối, en-zin cũng là tập quán sinh thái tại nơi sinh trưởng của Minimus, Hoàng Kim Phúc đã tìm ra được phức thứ năm ở phía bắc Việt Nam, khác hẳn với bốn phức mà các nhà khoa học đã phát hiện được trước đó. Phát hiện này đã chứng minh cho sự biến dạng của Minimus vốn có một cấu trúc rất phức tạp. Chúng có thể tách ra thành nhiều phức, có loài thích nghi với đồng bằng, loài thích nghi với miền núi, có loài truyền bệnh trực tiếp vào người, nhưng có loài lại trung gian qua trâu bò. Và vì thế diện mạo bệnh tật sốt rét trên thực tế cũng rất khác nhau, sốt rét ở miền nam khác sốt rét miền bắc...

Kết quả nghiên cứu này có một ý nghĩa thật đặc biệt trong nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt rét - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp tại Việt Nam. Ðiều này cũng có nghĩa là trong tương lai, các biện pháp can thiệp dập tắt ổ dịch phải đa dạng, mỗi vùng một phương cách chứ không thể đại trà một công thức như hiện nay chúng ta vẫn đang làm. Và đây sẽ không chỉ là kinh nghiệm của riêng Việt Nam mà có thể ứng dụng tại tất cả những vùng sốt rét ở Ðông Dương.

Chúng tôi hỏi Hoàng Kim Phúc:

- "Săn" xong muỗi rồi, Phúc sẽ tiếp tục làm gì?

Phúc cười:

- Lại tiếp tục "săn" thêm muỗi thôi. Ðể có thể hoàn toàn đẩy lùi bệnh sốt rét tại Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Mà chúng tôi chỉ mới đi được một chặng đường.

- Cụ thể kế hoạch trong năm mới này sẽ là gì?

- Tôi sẽ đi tới một số bản làng xa xôi mà mình chưa tới được ở vùng núi phía bắc, Tây Nguyên, tới vùng đồng bằng sông Cửu Long- nơi mà sau trận lũ vừa qua đang tiềm ẩn những nguy cơ của bệnh sốt rét. Và với mong muốn sẽ có được điều kiện nghiên cứu thuận tiện hơn. Có thiết bị hiện đại thời gian- nghiên cứu chắc sẽ rút ngắn đi rất nhiều...

Trở thành tiến sĩ ở tuổi 30, và có lẽ cũng là tiến sĩ về muỗi trẻ nhất Việt Nam, thành công của Hoàng Kim Phúc đã đưa ra một cách nhìn về thế hệ thanh niên Việt Nam. Không chỉ là thế hệ băng mình trong bom đạn, dám cống hiến cả tuổi xanh mà sức lực cho sự độc lập tự do của Tổ quốc, họ còn là người sẽ làm rạng rỡ đất nước bằng cả vốn tri thức và trí tuệ uyên bác. Ðiều này chắc chắn không chỉ là dự báo, bởi ai đó đã từng nói rằng tuổi trẻ luôn gắn liền với mùa xuân.

Theo Nguyễn Ðình (Nhân Dân)