itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Người khai sinh tranh rễ cây Việt

Người khai sinh tranh rễ cây Việt

Tranh gỗ làm từ gốc rễ cây góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian của Việt Nam

Từ những gốc rễ xù xì, ải mục tưởng chừng như bỏ đi hoặc chỉ có thể dùng làm củi đun nấu, một người nông dân đã nảy sinh ý tưởng biến nó thành những bức tranh gỗ hết sức sinh động.

Những bức tranh ấy không chỉ có con người, có cỏ cây hoa lá hay phản ánh rất chi tiết về lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một nhân vật lịch sử… mà còn đạt được những giá trị mỹ thuật.

Người nông dân ấy là Nguyễn Văn Viện (sinh năm 1957), thôn Khúc Toại, xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam khai sinh ra dòng tranh gỗ làm từ gốc rễ cây, góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian của Việt Nam.Với những đóng góp của mình, ông đã được phong tặng là Nghệ nhân dân gian.

Tạo ra dòng tranh mới chỉ vì tiếc gỗ thừa

Thôn Khúc Toại thuộc xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vốn có truyền thống làm đồ mộc từ rất lâu đời. Theo các bậc cao niên trong làng thì xưa kia vùng này là nơi tập kết, giao lưu buôn bán gỗ từ vùng thượng nguồn như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... xuôi về. Nhìn những bộ gốc rễ to lớn, xù xì trôi lững lờ theo các bè gỗ từ thượng nguồn chảy về trên dòng Ngũ Huyện Khê mà không ai đoái hoài, cậu bé Viện thấy tiếc nuối cho bao công sức của “thiên nhiên” đã tạo ra chúng. Trong số những bộ gốc rễ ấy, có không ít là của những cây gỗ quý mà phải mất hàng chục năm mới tạo nên.

Bức tranh gỗ mang tên "Tướng sĩ một lòng" được thể hiện sinh động bằng các loại gỗ quý

Vốn có chút năng khiếu, lại khéo tay hay làm nên lúc đầu cậu bé Viện nhặt những bộ gốc rễ đó về rồi một mình loay hoay cưa, đục, gọt, đẽo làm ra nào xe ô tô, nào búp bê cho các em chơi. Làm bạn với những gốc cây, rễ cây được một thời gian dài, đến một ngày, cậu chợt nhận ra gỗ từ rễ, gốc cây có màu sắc rất sinh động, lại có nhiều vân, độ ánh rất cao, có mùi thơm... mà loại gỗ từ thân cây khó có thể có được.

Sau bao ngày trăn trở, nghĩ suy, quyết “không thể dùng những loại gỗ này để làm những thứ đồ chơi bình thường ấy được”, chàng thanh niên Nguyễn Văn Viện đã nghĩ ra một ý tưởng táo bạo là làm tranh từ gốc rễ của cây. Nói là làm, bắt đầu từ năm 1986 anh Viện bắt đầu mày mò làm tranh gỗ. Những bức tranh đầu tiên do chính anh làm nên là những bức tranh nho nhỏ về phong cảnh thôn quê, trường lớp, về hội Lim... với những đường nét, hình hài rất ngộ nghĩnh. Những bức tranh ấy được bố mẹ nâng niu, đặc cách cho anh treo ở phòng khách của nhà. Khách khứa bố mẹ đến chơi, ngắm nghía những bức tranh ấy đã không ngớt lời khen ngợi.

Anh Nguyễn Văn Viện bên những tác phẩm của mình

Những lời khen ngợi của người lớn là nguồn động viên khiến anh Viện không quản khó khăn, mày mò, sáng tạo ra nhiều bức tranh mới lạ, độc đáo hơn. Những bức tranh ngày cứ nhiều thêm và mặc dù nhà đông con, rất nghèo nhưng anh Viện nhất quyết không chịu bán tranh mà chỉ tặng cho những ai thật sự yêu thích nó.

Anh Viện còn nhớ: “Thời đó, tôi rất thích làm tranh về chân dung Bác Hồ nhưng làm tranh chân dung cực khó. Tôi lại đang mới bắt đầu tập tành làm tranh nên càng khó hơn. Nhiều đêm liền, tôi ngồi thức trắng cả đêm để vẽ cho được chân dung của Bác. Đến khi vẽ xong thì phải mất hàng tháng trời lặn lội khắp nơi để tìm được nguồn gỗ có màu sắc gần giống với làn da của Bác để làm. Phải gần hai tháng trời, tôi mới hoàn thành được bức tranh về chân dung Bác Hồ khổ 40x50cm. Tôi đã mừng rơi nước mắt khi ước mơ làm được một bức tranh về Bác đã thực hiện được... Bức tranh này sau khi làm xong, có người đến nhà chơi thấy đẹp liền đòi mua nhưng tôi không bán. Họ trả với giá rất cao, số tiền đó tương đương với một cái xe máy chứ không phải ít”.

Công phu tranh rễ cây

Dù đã làm được rất nhiều bức tranh gỗ, được rất nhiều người khen ngợi nhưng chính anh Viện vẫn chưa bằng lòng với những bức tranh đó. Mỗi lần ngắm nghía lại bức tranh do chính mình làm nên, anh vẫn thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Những bức phác thảo đã cố gắng vẽ tỉ mỉ nhất, khuôn hình cũng đã cố gọt dũa theo đúng bản vẽ nhất, cách bố cục và trang trí tranh cũng được cẩn thận sắp đặt, vậy mà sao nhìn vào bức tranh vẫn thấy có một cái gì đó rất ngô nghê, chưa mang nhiều giá trị nghệ thuật. “Tôi đã trăn trở rất nhiều về điều đó. Tôi biết với con mắt của người bình thường thì bức tranh đó đẹp nhưng với tôi thì bức tranh đó vẫn chưa có tính thẩm mĩ lắm... bởi thế tôi đã quyết tâm phải đi học để có nhiều kiến thức hơn...”.

Bức tranh gỗ về cảnh Phố Hiến xưa - một trong những bức tranh được đánh giá là đạt đến đỉnh cao

Năm 1977, Nguyễn Văn Viện trúng tuyển vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu, nhưng cũng chỉ một năm sau, kinh tế gia đình sa sút, anh đành phải về quê phụ giúp bố mẹ xoay xở tiền gạo nuôi bảy đứa em ăn học. Ban ngày anh đi làm, ban đêm anh lại tự nghiên cứu giáo trình, tự thử nghiệm rồi rút ra kinh nghiệm. Sau nhiều lần như thế, kỹ nghệ làm tranh gỗ của anh ngày càng tiến bộ hẳn lên. Cho đến nay, anh không chỉ trở thành một “lão làng” trong việc làm tranh gỗ mà còn truyền nghề lại cho anh em, con cháu trong nhà.

Theo anh, để làm được tranh gỗ đòi hỏi người chơi phải có gu thẩm mĩ cao và có tính tỉ mẩn. Để làm được một bức tranh thật sự có giá trị nghệ thuật, trước hết phải nghiên cứu các tài liệu văn hóa, lịch sử liên quan đến chủ đề mình muốn thể hiện. Tiếp theo, phải tự mình trình bày vốn hiểu biết đó lên trên giấy thành một bức tranh phác thảo. Sau đó, phải cất công đi tìm những bộ gốc rễ của các loại cây gỗ có màu sắc tương ứng để tạo hình rồi mới lắp ghép.

Một bức tranh gỗ đạt tính mỹ thuật cao là phải giữ được màu sắc tự nhiên của gỗ, bố cục phải phù hợp với chủ đề, kỹ thuật ghép phải tỉ mỉ, cẩn thận. Trước đây, đích thân anh Viện phải lên tận các vùng rừng núi Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai... để thuê người dân tộc vào tận rừng sâu đào các gốc rễ của các loại cây gỗ cổ thụ, gỗ quý mà người khác đã khai thác phần thân. Sau đó, họ sẽ cưa xẻ tại chỗ và mang gỗ miếng về nhà để làm tranh, nhưng nay thì con trai lớn của anh đã thay cha làm được việc đó. Thường thì trong một bức tranh gỗ có rất nhiều màu sắc và mỗi màu sắc lại phải lấy từ một loại gỗ khác nhau. Nếu màu vàng lấy từ gỗ mít, gỗ vàng tâm; màu đen là gỗ mun, lim thì màu đỏ là gỗ trắc, màu trắng là gỗ xoan, bạch đàn, thông... Chính vì được làm từ nhiều loại gỗ quý, màu sắc tự nhiên nên bức tranh có độ bền rất cao, màu sắc không bao giờ bị phai.

Những người thợ đang tỉ mẩn cắt gỗ thành từng hình nhỏ để ghép tranh

Từ chỗ chỉ làm tranh như một thú chơi để thỏa lòng đam mê nghệ thuật, dần dà nhiều người thấy đẹp lại đến nhờ anh làm hộ một vài bức về treo trong nhà. Cái biệt danh “Viện tranh gỗ” cũng từ đó lan truyền khắp gần xa.

Hà Tùng Long