itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Sản phẩm hàng hóa: Sẽ được dán nhãn sinh thái

Sản phẩm hàng hóa: Sẽ được dán nhãn sinh thái

Dự kiến từ năm 2009, nhãn sinh thái sản phẩm hàng hóa sẽ được áp dụng thí điểm, và đến năm 2011 sẽ mở rộng trên toàn quốc. Theo lộ trình, 10% các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và 50% hàng hóa tiêu dùng nội địa được cấp nhãn sinh thái vào năm 2020. Đây là thông tin đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố.

Nhãn sinh thái là gì?

Từ những năm 1990, người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng từ các nước châu Âu và Mỹ đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề môi trường khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, và họ bắt đầu đặt ra yêu cầu về các sản phẩm mang tính “thân thiện với môi trường”. Chính nhu cầu này đã thúc đẩy các nhà sản xuất chú tâm đến việc tạo ra các sản phẩm “xanh” và dấy lên làn sóng nhãn sinh thái trên toàn thế giới.

Nhãn sinh thái được gọi là là nhãn xanh, nhãn môi trường. Đây được coi là các nhãn mác của sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường hơn so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại. Nhãn sinh thái chính là sự công bố bằng lời hoặc ký hiệu hay sơ đồ nhằm chỉ rõ các thuộc tính môi trường của sản phẩm và dịch vụ. Qua nhãn sinh thái, người tiêu dùng và khách hàng có nhiều thông tin hơn về các tác động của sản phẩm hoặc dịch vụ đối với môi trường, sức khoẻ con người và họ ngày càng có nhận thức cao hơn đối với những vấn đề môi trường. Mục đích của nhãn sinh thái là khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường gắn với lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp.

Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, có thể chia nhãn sinh thái thành 3 loại: Loại I (ISO 14024) là chương trình tự nguyện, dựa trên đa tiêu chí của bên thứ ba nhằm cấp chứng nhận uỷ quyền sử dụng nhãn môi tr­ường cho các sản phẩm thể hiện đ­ược sự thân thiện với môi trư­ờng nói chung theo loại hình cụ thể dựa trên việc xem xét chu trình sống của sản phẩm. Loại II (ISO 14021) là sự tự công bố về môi tr­ường mang tính chất thông tin. Loại III (ISO 14025) là ch­ương trình tự nguyện đ­ược l­ượng hoá bằng các dữ liệu về sản phẩm với các loại chỉ tiêu do bên thứ ba có trình độ chuyên môn về sản phẩm định trư­ớc và dựa trên sự đánh giá chu trình sống của sản phẩm và đ­ợc một bên thứ ba có trình độ chuyên môn khác xác nhận.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn

Trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm hàng hoá xuất khẩu (có nhu cầu) và 50% hàng hoá tiêu dùng nội địa (thuộc đối tượng cấp nhãn) của Việt Nam sẽ đựơc ghi nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn ISO 14024. Đây là cơ sở và định hướng quan trọng để các doanh nghiệp phấn đấu vì một nền sản xuất sạch và cho ra đời các sản phẩm hàng hoá an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại Việt Nam đã xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi tr­ường và có những sản phẩm, dịch vụ có nhu cầu đ­ược cấp nhãn sinh thái để quảng bá cho các nỗ lực bảo vệ môi tr­ường của mình. Trong tư­ơng lai, nhu cầu công bố các thông tin về môi tr­ường của sản phẩm đối với ng­ười tiêu dùng cũng như­ của các bên liên quan ngày càng tăng, do vậy, việc thiết kế, xây dựng và thực hiện chương trình cấp nhãn sinh thái là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp và xã hội.Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc phấn đấu để đạt nhãn sinh thái còn khá mới mẻ và chưa thực sự được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay Việt Nam mới chỉ có 5% sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ là có đủ tiêu chuẩn dán nhãn sinh thái và chưa có tổ chức đánh giá và cấp nhãn sinh thái, mà mới chỉ có các chương trình nghiên cứu và mô hình đề xuất về lý thuyết. Hiện tại thị trường Việt Nam chủ yếu chỉ có các sản phẩm mang tính nhãn sinh thái kiểu II do nhà sản xuất và dịch vụ đưa ra như: rau sạch, thịt sạch, tủ lạnh không sử dụng khí CFC… nhưng chưa được cộng đồng thừa nhận và tin tưởng.

Hiện Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn nhãn sinh thái chung nên nhiều khi sản phẩm của nước ta vào thị trường một nước nào đó cũng bị rào cản này gây khó khăn. Để sản phẩm của mình đủ tiêu chuẩn được dán nhãn sinh thái, phải đổi mới công nghệ, đầu tư vốn... duy trì quy trình sản xuất cũng như sản phẩm đầu ra đáp ứng đủ các tiêu chuẩn môi trường. Mặc dù khó khăn nhưng chắc chắn việc thực hiện dán nhãn sinh thái sẽ tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi sản phẩm có nhãn sinh thái thì người tiêu dùng sẽ yên tâm mua hàng hơn.
Hòa Nam (Báo Công Thương)