itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Thịt già thành thịt tơ

Thịt già thành thịt tơ

Nhiều nơi dùng “bột mềm” để ướp thịt trước khi nấu - Ảnh: N.C.T.

Một số nhân viên phụ bếp nói họ thường thấy người ta dùng “bột mềm” để ướp thịt trước khi nấu. Họ thắc mắc đó là bột gì, có hại cho sức khỏe không?

Thứ bột mềm mà họ hỏi là “danh từ nóng” được giới nấu bếp truyền miệng không biết từ bao giờ.

Bột mềm này chính là xút (NaOH) hay còn gọi là bột soda, dùng trong công nghiệp sản xuất xà bông, dệt nhuộm, công nghiệp tẩy rửa... tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm vì đó là hóa chất công nghiệp, rất độc hại cho sức khỏe.

Những nơi làm ăn bất chính dùng bột này ướp thịt để làm mềm thịt trước khi nấu, mục đích là biến thịt già thành thịt non, làm giảm thời gian đun nấu để tiết kiệm gas, tránh hao hụt thịt nhằm lợi nhuận cao. Chỉ cần 500 đồng là có thể biến 1kg thịt già thành thịt non, mềm (heo già, heo nái thành heo tơ) chỉ trong vòng năm phút, và lợi nhuận kép chưa từng thấy. Ví dụ: ngoài mức lợi nhuận giá heo tơ gấp hai lần heo nái, họ còn lợi về gas do không phải đun lâu vì đã có bột làm mềm trước đó, thịt thì không bị hao hụt vì thời gian nấu quá nhanh, chưa kịp teo đi.

Thứ bột mềm này được bán rộng rãi ở chợ hóa chất Kim Biên.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì không có cách nào phát hiện được thịt có bị ướp bột mềm hay không. Chúng ta ăn ít nhất một lần loại thịt này mới phát hiện được. Nếu người ta ướp nhiều thì sau khi ăn, môi và lưỡi của bạn có cảm giác tê tê, nặng, khó chịu, nôn nao, có thể môi bị tím hơn mọi ngày. Nếu nhẹ thì có cảm giác khó chịu trong miệng như lạt miệng, cảm giác khát nước hoặc có cảm giác khó chịu mơ hồ ở miệng, không rõ vị trí nào. Bình thường triệu chứng này dễ bị bỏ qua và như vậy các bạn đã hấp thụ một lượng hóa chất độc hại đáng kể, mỗi ngày một ít để một thời gian dài sau sẽ bị biến chứng thành bệnh ung thư hay bệnh mãn tính nan giải khác không có thuốc chữa.

Những nơi có thể sử dụng bột mềm thường là những nơi sử dụng nguồn nguyên liệu rẻ tiền, giá cơm thấp. Cũng không loại trừ các nơi bán cơm giá cao hơn. Nếu bạn đã ăn ở đâu mà có triệu chứng như mô tả trên thì đừng bao giờ ghé vào quán đó nữa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

BS TRẦN VĂN KÝ (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN)