itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / FED sắp 'hết đạn'

FED sắp 'hết đạn'

Ông Ben Bernanke, Chủ tịch FED, và Henry Paulson, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đang ngồi tại hai chiếc ghế nóng nhất trong Chính phủ Mỹ. Ảnh: swamppolitics.com.

Cắt giảm lãi suất cùng một số quyết sách khác của Cục Dự trữ Liên bang (FED) có lẽ là chưa đủ để dựng dậy hệ thống tài chính bết bát của Mỹ. Nhiều người đang đặt câu hỏi, nếu những việc làm của FED không phát huy hiệu quả, Ben Bernanke và các đồng sự sẽ làm gì tiếp theo.

FED rõ ràng đang làm tất cả những gì có thể để cứu thị trường tài chính. Đầu tiên là bơm 85 tỷ đôla cứu AIG, dùng 700 tỷ mua lại nợ xấu ngân hàng, khẩn cấp cắt giảm lãi suất từ 2% xuống còn 1,5%.

Vào thứ ba, FED tiết lộ kế hoạch cho các Tập đoàn hàng đầu vay số tiền lên tới 1.300 tỷ đôla thông qua việc mua lại các phiếu chi thương nghiệp, và nợ ngắn hạn. Ngân hàng Trung ương tuyên bố tăng gấp đôi hạn mức đấu giá cho vay kỳ hạn, một chương trình FED tạo ra vào năm ngoái nhằm cho ngân hàng mượn tiền với kỳ hạn 85 ngày một lần, lên mức 300 tỷ đôla. Dự kiến con số này vào cuối năm sẽ được nâng lên thành 900 tỷ đôla.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, hành động của FED là chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất trong 25 năm trở lại đây, thậm chí kể từ cuộc đại khủng hoảng 1930. Có vẻ như, FED cùng các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều biết cần phải làm gì để ngăn chặn nỗi sợ đang ngày một lan nhanh trong khối tài chính, ngân hàng.

Tuy nhiên, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke vào thứ ba đã nói rằng: "Để hỗ trợ phát triển cũng như giảm rủi ro sụt giá, việc ổn định thị trường tài chính là mục tiêu tối cần thiết". Ông khẳng định: "FED sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ có thể để cải thiện hoạt động và tính thanh khoản của thị trường (tài chính)".

Từ đó, các chuyên gia đoán rằng, sau lần cắt giảm lãi suất vừa qua, FED sẽ còn rất ít lựa chọn. Sau đây là một số gợi ý cho Ben Bernanke.

Tiếp tục cắt giảm lãi suất

Theo như số liệu về các hợp đồng lãi suất trong tương lai, 84% các nhà đầu tư đánh cược rằng sẽ có thêm một lần cắt giảm lãi suất nữa vào lần họp tiếp theo của FED và ngày 29/10. Và lần này, con số sẽ là 1,25%.

Không ít người tin rằng, sẽ không có lãi suất dưới 1% như đã từng có vào năm 2003 và 2004, do việc vay vốn quá dễ dàng sẽ lại tạo ra một bong bóng bất động sản khác.

Tuy nhiên, phe phản đối lại lập luận, tại Nhật thậm chí lãi suất chỉ là 0,5%, thế nên sẽ là hợp lý nếu FED điều chỉnh lãi suất xuống mức này, hoặc thậm chí 0% nếu căn cứ theo tình hình hiện tại.

Đóng vai trò trung gian thúc đẩy thị trường

Bill Gross, Giám đốc Đầu tư tại Nhà Quản lý Trái phiếu hàng đầu Pimco, cho rằng, bước đi tiếp theo của FED sẽ là xóa bỏ các hàng rào giao dịch của các loại công cụ tài chính khác nhau như nợ vay đã thế chấp, hay hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi. Các giao dịch này thường được thực hiện giữa hai hãng hơn là trong thị trường mở.

Ông Gross đánh giá, FED sẽ đóng vai trò của một ngân hàng để đảm bảo giao dịch giữa các tổ chức được thông suốt.

Bảo trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một chuyên gia khác cho biết, ngoài việc cứu các định chế tài chính lớn, FED có thể cũng sẽ cho các công ty cỡ vừa và nhỏ vay trở lại. Cụ thể, tổ chức này sẽ mua lại từ nhà băng các khoản nợ ký quỹ của các công ty nhỏ . FED sẽ bảo lãnh nếu các khoản nợ trên trở thành nợ xấu.

Điều chỉnh này sẽ giúp các ngân hàng không cần tăng vốn nếu xuất hiện nợ xấu, từ đó giúp họ tự tin hơn trong việc cho vay.

Tuy nhiên, ông Tom Schlesinger, Giám đốc Điều hành tại Financial Markets Center, thừa nhận, FED và Chính phủ còn quá ít lựa chọn để giải quyết khủng hoảng tài chính. Với việc giá nhà sụt giảm cùng nạn thất nghiệp gia tăng, suy thoái có thể là kết cục duy nhất cho kinh tế Mỹ.

Các biện pháp hỗ trợ dẫu không đạt hiệu quả như ý muốn, vẫn có tác động tích cực, ngăn chặn sự sụt đổ hoàn toàn của nền kinh tế, ông Lyle Gramley, Nhà kinh tế tại Stanford Group, bình luận.

Trương Định (Theo CNN,VNE)