Vị đắng ngọt trong cuộc chia tay giữa Bush-Putin
Hôm qua (6/4) là lần gặp mặt cuối cùng giữa ông George W Bush và ông Vladimir Putin trên cương vị nhà lãnh đạo của hai cường quốc từng là kẻ thù thời Chiến tranh lạnh nhưng hai vị tổng thống này dường như lại là những người bạn thân thiết của nhau.
Cuộc gặp gỡ trên được xem là cuộc chia tay giữa ông Bush và Putin. Tuy nhiên, do nhiều bất đồng sâu sắc giữa Nga và Mỹ nên nhiều người tự hỏi không biết liệu cuộc chia tay giữa hai nhà lãnh đạo trên sẽ có vị đắng hay vị ngọt?
Tình bạn thân thiết - vị ngọt của cuộc chia tay
Lần đầu tiên họ gặp nhau, Tổng thống George Bush đã tuyên bố ông hiểu đuợc tâm hồn của Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Rõ ràng ông Bush thấy thích những gì ông nhìn thấy được từ con người của Putin.
"Tôi nhìn vào mắt người đàn ông đó," Tổng thống Bush nói về cuộc gặp với Putin năm 2001. "Tôi nhận thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin... Tôi sẽ không mời Putin đến trang trại của tôi nếu tôi không tin tưởng vào ông ấy."
7 năm qua, tình cảm tốt đẹp giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin dường như không hề thay đổi. Trên bậc cửa ngôi nhà nông thôn của Tổng thống Nga hôm 5/4, ông Putin đã đón chào vợ chồng Tổng thống Bush bằng một cái ôm chặt và tặng một bó hoa màu hồng thật đẹp cho Đệ nhất phu nhân nước Mỹ.
Tối đó, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc đi dạo dọc bờ biển phía Nam của Nga. Tổng thống Bush dường như rất buồn về cuộc chia tay sắp tới giữa họ.
"Đây sẽ không phải là cuộc gặp gỡ cuối cùng về mặt cá nhân giữa chúng tôi mà chỉ là cuộc gặp gỡ cuối cùng trên cương vị nhà lãnh đạo giữa hai nước Nga-Mỹ. Và đó là cuộc chia tay có chút gì đó lưu luyến," ông Bush cho biết sau cuộc gặp giữa hai vị tổng thống.
Tuy nhiên, trong khi hai nhà lãnh đạo dường như thật sự yêu quý nhau thì giữa họ còn tồn tại rất nhiều bất đồng lớn không thể giải quyết được.
Bất đồng về lá chắn tên lửa - vị đắng của cuộc chia tay
Tổng thống Bush và Tổng thống Putin đã không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc giữa họ về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Hai nhà lãnh đạo đã kết thúc cuộc chia tay mà không đạt được bước đột phát nào trong việc giải quyết bất đồng lớn đã chia rẽ Mỹ-Nga trong suốt thời gian qua.
"Thái độ cơ bản của chúng tôi đối với kế hoạch của Mỹ vẫn không thay đổi," Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp báo với Tổng thống Bush tại khu nghỉ Sochi bên bờ Biển Đen. "Rõ ràng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm," ông Bush phát biểu. Bất chấp bế tắc trên, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí Moscow và Washington sẽ cùng nhau hợp tác chặt chẽ trong tương lai về lá chắn tên lửa cũng như các vấn đề khó khăn khác.
Ông Putin tuyên bố không có giải pháp đột phá nào nhưng cho biết “những tiến bộ nhất định đã đạt được” trong cuộc tranh cãi kéo dài về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tổng thống Putin đang nói đến những nhượng bộ của Mỹ trong việc giải toả bớt những lo ngại của Nga.
Mỹ sẽ “thuyết phục các chuyên gia rằng hệ thống đó không nhằm vào Nga," Tổng thống Bush phát biểu tại một cuộc họp báo sau những cuộc hội đàm giữa ông với Putin.
Hai vòng đàm phán giữa các nhà ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Nga-Mỹ đều thất bại trong việc đạt được bước đột phá trong kế hoạch lá chắn tên lửa bao gồm 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và trạm radar ở CH Czech.
Washington luôn khẳng định hệ thống này sẽ ngăn cản những cuộc tấn công tên lửa tiềm năng từ Iran nhưng Moscow cho rằng lá chắn tên lửa đó là mối đe doạ đối với an ninh nước Nga.
Tổng thống Bush cam kết sẽ chia sẻ công nghệ và thông tin về hệ thống lá chắn tên lửa với Nga để tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã kêu gọi Washington làm nhiều việc hơn để giải toả những nghi ngờ cho Nga. Ông Putin cũng bày tỏ sự vui mừng khi những lo ngại của Nga “được lắng nghe trong những cuộc đàm phán Nga-Mỹ và trong cuộc gặp gỡ ngày hôm qua.
Các nhà phân tích địa phương cho rằng Moscow có thể mong đợi hoặc là trì hoãn kế hoạch của Mỹ đến khi chính quyền mới ở nước này được thành lập trong vài tháng tới hoặc là sẽ hạ thấp công nghệ của hệ thống để giúp Nga giảm lo ngại.
Hải Yến / VnMedia
Tin đã đăng
- NATO trước ngã ba đường!
- Những tỷ phú đói ăn ở Zimbabwe
- Giá gạo tăng, nhiều quốc gia chuyển đổi cây trồng
- Năm năm sau cuộc chiến tranh của mỹ tại Iraq: Hòa giải dân tộc - chìa khóa ổn định đất nước
- Khủng hoảng chính trị tại Serbia, lỗi tại ai?
- 'Nước Nga sẽ vẫn cứng rắn'
- Người Mỹ giàu và nghèo
- Pakistan: Chính phủ mới đứng giữa ngã ba đường
- Công lý sẽ chiến thắng
- Phía sau câu chuyện Kosovo độc lập