itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / NATO trước ngã ba đường!

NATO trước ngã ba đường!

Ảnh minh họa.(AP)

Một loạt vấn đề hóc búa vẫn đang chờ đợi NATO giải quyết khi các thành viên của tổ chức này tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Bucharest (Romania), bình luận của tờ Wall Street.

TT Bush đang thực hiện chuyến công du kéo dài một tuần tại châu Âu và được chào đón nhiệt tình. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng tốt hơn hết là hãy sẵn sàng phá vỡ chuyến công du tiễn biệt chiến thuật ngoại giao cứng rắn, đặc biệt là về vấn đề NATO, hoặc bỏ lại công việc dở dang cho người kế nhiệm.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ kéo dài 3 ngày ở Bucharest, dự kiến khai mạc tối 2/4. Washington đã nỗ lực để hội nghị này tổ chức ở thủ đô của Romania nhằm nêu bật vai trò của NATO trong khối Xô viết cũ. Romania là một trong 7 quốc gia mới gia nhập liên minh trong thời gian Bush nắm quyền.

Tuy nhiên, tiệc mời dành cho ba thành viên tương lai NATO đến từ khu vực Balkans gồm Croatia, Albania và Macedonia đang có nguy cơ bị Hy Lạp phá hỏng. Chính phủ Hy Lạp cho rằng nước láng giềng Macedonia phải đổi tên, hoặc sẽ không được phép gia nhập NATO. Cuộc tranh cãi về tên gọi giữa Macedonia và Hy Lạp đe dọa sự ổn định của khu vực, vốn đã bị khuấy đảo bởi những tác động từ việc Kosovo tuyên bố độc lập. Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo khác của NATO cần tìm ra một giải pháp tốt đẹp cho vấn đề này.

Hội nghị ở Bucharest dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề liệu Ukraine và Grudia có thuộc về phương Tây hay không. Theo đó, bước đi đầu tiên sẽ là đưa ra kế hoạch hành động dành cho những nước muốn trở thành thành viên (MAP) trước khi có thể gia nhập NATO.

Việc đưa ra MAP sẽ khởi động một quá trình dài khó dự đoán kết quả. Macedonia, Albania và Croatia đã có MAP từ một thập niên trước. Hôm 1/4, tại Kiev, ông Bush nói: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Ukraine và Grudia nên được trao MAP", đồng thời tuyên bố Nga "sẽ không thể phủ quyết".

Tuy nhiên, các dấu hiệu gần đây lại cho thấy những tình tiết mới. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Moscow hôm 8/3, Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đã phản đối mạnh mẽ việc NATO mở cửa đón nhận Ukraine và Grudia. Khoảng 10 thành viên khác trong NATO cũng về phe Thủ tướng Đức. Ukraine hiện vẫn đang chia rẽ về vấn đề gia nhập NATO, trong khi nền dân chủ ở Grudia vẫn chưa ổn định sau bầu cử sớm và bạo động đường phố hồi mùa đông năm ngoái. Và tại sao - vì lý do thực sự gì - khiến cho nước Nga tức giận?

Tờ Wall Street nhận định, sự cự tuyệt ở Bucharest sẽ rất nguy hiểm đối với Ukraine và Grudia nói riêng và với NATO lẫn châu Âu nói chung. Một dấu hiệu tích cực từ NATO sẽ là cách tốt nhất chỉ hướng cho hai quốc gia hướng về phương Tây. NATO đã đóng một vai trò cố vấn bất ngờ nhưng vô cùng quan trọng trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, bắt đầu từ lúc tổ chức này mời Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech gia nhập liên minh. NATO cũng có thể làm điều tương tự với Grudia và Ukraine.

Một phần khác trong Hội nghị Bucharest là việc Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, dự định công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội Pháp ở Afghanistan, hưởng ứng lời kêu gọi của Canada và NATO trong việc củng cố lực lượng tại phía nam quốc gia này. Mỹ, Anh và Canada hiện đang dẫn dắt cuộc chiến chống Taliban, trong khi Đức, Ý và Tây Ban Nha lại tin chắc rằng công việc hiện nay ở Afghanistan chỉ là tái thiết. Hội nghị thượng đỉnh lần này là dịp tốt để liên minh xem xét các nhiệm vụ tại đây.

NATO tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mới - Đông Âu, Balkans, Afghanistan, nhưng đồng thời cũng được tận hưởng sự ủng hộ từ chính phủ mới của Pháp.

Tuy nhiên, một lần nữa, tại Bucharest, liên minh NATO lại đứng ở ngã ba đường. Và, ông Bush lại có cơ hội nhích dần về hướng đi đúng.

Hoài Linh / VietNamNet