itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Tháng ba về, nhớ tết bánh trôi

Tháng ba về, nhớ tết bánh trôi

Thời gian trôi như thoi đưa, cảm giác như vừa mới ra Tết Nguyên Đán chưa được bao lâu mà đã sắp tới ngày Tết Hàn thực (hay còn gọi là tết bánh trôi bánh chay) quê mình...

Vừa mới sáng, cha gọi điện bảo sắp tới có về ăn Tết Hàn thực không? Trả lời cha với giọng đầy tiếc nuối: con lại bận thi giữa học kì nên không về được. Vừa gác máy, con chợt hình dung cảnh một mình cha lại thui thủi vào bếp vừa nặn vừa luộc bánh trôi để ngày hôm sau đem ra cúng tổ tiên và đặt lên bàn thờ mẹ, lòng con không khỏi bùi ngùi…

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3.3 (âm lịch) hàng năm, đã trở thành một ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam theo phong tục cổ truyền. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên. Nhưng ngày nay, người ta dễ dàng mua được những đĩa bánh ngon mà không cần phải kì công vào bếp, ngày tết Hàn thực cũng chỉ còn tồn tại ở một số tỉnh miền bắc và ven ngoại thành Hà Nội.
Con vẫn bảo cha đừng bày vẽ làm gì cho mệt, nhưng cha nhất quyết không nghe. Cha nói rằng ngày rằm là ngày hương hồn những người đã khuất trở về nhà đoàn tụ cùng người thân và con cháu, dù ít dù nhiều cũng làm lấy vài đĩa bánh trôi gọi là lòng thành dâng lên tổ tiên. Và ít nhất cha cũng không muốn có sự thiếu vắng nguội lạnh trên bàn thờ mẹ vào những ngày như thế.
Ngày tết hàn thực quê mình chỉ làm bánh trôi chứ không có bánh chay hay nấu chè như nhiều nơi khác. Cách làm bánh trôi truyền thống cũng rất đơn giản, bánh làm bằng bột nếp nhào nặn với nước theo tỉ lệ vừa phải, có nhân bằng đường phên. Gạo làm bánh trôi được chọn từ giống nếp cái hoa vàng, giống lúa nếp dẻo thơm nổi tiếng. Trộn gạo theo công thức chín phần nếp một phần tẻ. Đường chọn làm nhân bánh trôi ngon phải là đường phên già, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm và có mùi hương thơm mát.
Bánh trôi không nặn to, ăn vừa nhanh ngán lại không bắt mắt. Nặn bánh xong xoa đều giữa hai lòng bàn tay, nặn xong chiếc nào thả luộc luôn chiếc ấy, có thế bánh mới tròn. Bánh nặn xong được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên thì vớt ra và ngâm trong nước đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Rắc thêm mấy hạt vừng đã rang thơm lên trên đĩa bánh trôi tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Những chiếc bánh trôi trắng ngần, điểm vài hạt vừng vàng đượm, xếp gọn gàng trong đĩa, là món quà giản dị cha vẫn dành cho các con trong ngày trở về vào tết bánh trôi.
Ngày mẹ còn sống, cả gia đình mình quây quần bên bếp lửa vừa nặn vừa luộc bánh trôi trong tiếng nổ của củi xoan lép bép. Mỗi khi làm xong mẹ thường ưu tiên cho con gái vài chiếc bánh để ăn thử trước, đó cũng là những kỉ niệm sẽ chẳng khi nào phai dấu trong lòng con! Chẳng cứ là tết Hàn thực người ta vẫn bán những gánh hàng bánh trôi trên phố, con vội lại mua một đĩa mang về cho vơi bớt nỗi nhớ về cha mẹ, quê hương…

Theo Lao Động