itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Nghệ thuật và thương mại không có ranh giới

Nghệ thuật và thương mại không có ranh giới

Đạo diễn Trần Duy Hinh

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đang trên đà khởi sắc, tuy nhiên, để tạo được bước đột phá chẳng phải ngày một ngày hai. Và để hiểu hơn về tình hình điện ảnh Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, NSƯT, đạo diễn Trần Duy Hinh, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu điện ảnh.

Là một người nghiên cứu điện ảnh lâu năm, ông có thể cho biết vì sao điện ảnh Việt Nam hiện nay không hấp dẫn người xem?

Phim Việt Nam hiện thời chưa hấp dẫn người xem - điều này đúng nhưng đấy là nhìn một cách tổng thể chứ không phải tất cả đều không hấp dẫn người xem. Nói về điều này thì chúng ta phải quay lại thời kỳ ngày xưa. Tức là khoảng từ những năm 1980 đến năm 1990 đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, các ngành nghệ thuật không thể thịnh vượng được và đương nhiên trong đó có điện ảnh. Vì vậy phải tìm cách để cứu mình, tức tìm hướng nuôi điện ảnh và người ta đã chủ trương làm phim vidéo - thu và chiếu ngay chứ không phải làm hậu kỳ dẫn đến việc làm vội và làm ẩu. Chính từ đây nhiều người đã bị hỏng tay nghề.

Theo ông, những yếu tố chính nào làm cho điện ảnh nước ta tụt dốc mạnh như thế?

Rất nhiều yếu tố dẫn đến sự tụt dốc của điện ảnh mà nổi bật lên là những yếu tố sau:

Thứ nhất là kịch bản chưa có gì độc đáo. Chúng ta đều biết, muốn thực hiện một bộ phim thì yếu tố kịch bản phải đứng đầu. Một kịch bản hay sẽ tạo cho người xem sự hứng thú để theo dõi.

Thứ hai do diễn xuất của diễn viên quá kém. Diễn viên của chúng ta chưa phân biệt được giữa sân khấu và điện ảnh. Ngay cả hai “lò” đào tạo diễn viên lớn cho cả nước là Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (TPHCM) và Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) đều đặt mục tiêu Sân khấu rồi mới đến Điện ảnh. Tất nhiên, một diễn viên giỏi là một diễn viên biết phân biệt giữa sân khấu và điện ảnh nhưng những người thuộc tuýp này ở nước ta không nhiều. Ngoài ra diễn viên chạy sô quá nhiều, ngày đóng phim, tối diễn kịch thì lấy đâu ra sức lực và khả năng sáng tạo nữa, nhiều bộ phim cứ để cho diễn viên nói nhát gừng làm người xem rất bực mình- vì sao? Vì rất đơn giản họ không thuộc thoại, phải chờ người nhắc thoại, có khi người nhắc thoại cũng quên nên phải chờ hơi lâu và thế là diễn không biểu cảm. Sự nhầm lẫn chết người này đã tạo nên những bộ phim kém chất lượng, những bộ phim không thật. Và có một thực tế đáng buồn là diễn viên của chúng ta đã kém về diễn xuất lại rất thích “khoe”: chân dài, cơ thể… nói chung họ muốn cho cả thiên hạ biết là mình đẹp chứ không phải cho người xem thấy khả năng diễn xuất của mình.

Thứ ba là sự dễ dãi của đạo diễn. Có những cái bài bản các đạo diễn của chúng ta lại làm tắt. Kịch bản phân cảnh không ưng ý mà thời gian đã hết nên khi ra trường quay lúng túng, mỗi người mỗi ý dẫn đến bị động ở trường quay là một điều thường gặp ở các đạo diễn Việt Nam. Một kịch bản phân cảnh thành công mà đạo diễn ưng ý là bộ phim đã thắng lợi 50% rồi đấy! Sự dễ dãi của đạo diễn kéo theo rất nhiều thứ như lời thoại, âm nhạc, hóa trang, phục trang. Chúng ta đều biết, thoại của điện ảnh là văn chương, nó là ngôn ngữ của nghệ thuật. Phục trang là hơi thở thời đại nhưng chúng ta chưa làm được. Đội ngũ hóa trang không chuyên nghiệp dẫn đến lộ nhân vật quá. Vì vừa nhìn thấy nhân vật người xem đóan ngay được nghề nghiệp của họ thì còn gì hấp dẫn. Âm nhạc- do đạo diễn không hiểu biết nên phó mặc cho nhạc sỹ nên không khớp với từng trường đoạn trong phim.

Và yếu tố thứ tư là quay phim. Cảnh quay trong phim Việt Nam rỗng, hờ và dẫn đến lộ cái giả. Các cảnh quay chưa tạo được tính độc đáo, đã thế rất hay bắt chước của nước ngoài.

Yếu tố cuối cùng- có thể xem là yếu tố chính đấy là các nhà làm phim của chúng ta không tâm huyết với nghề. Làm bất kỳ nghề nào cũng cần chữ tâm. Khi chữ tâm với nghề không có thử hỏi đạt được thành quả không?

Ông có vẻ đòi hỏi quá cao cho một nền điện ảnh còn quá trẻ như ở nước ta?

Bất kỳ một môn nghệ thuật nào cũng đòi hỏi cao và điện ảnh là cái đầu tiên, nó thể hiện tầm văn hóa của một đất nước. Điện ảnh không giống sân khấu, nếu như trên sân khấu người xem có thể chấp nhận tính ước lệ thì ở điện ảnh phải thực như chính cuộc sống của chúng ta.

Nhiều đạo diễn làm phim kêu kinh phí quá ít để thực hiện một bộ phim?

Thực tế kinh phí không phải là yếu tố làm cho bộ phim hay hay dở mà cái chính là chúng ta không tâm huyết. Anh không tâm huyết, anh không quan tâm đến đổi mới mà vứt cho anh mấy chục tỉ để làm một bộ phim cũng chả được gì. Khi nhà nước cắt bao cấp, đội ngũ làm phim đói khổ, vấn đề cơm áo gạo tiền đặt lên trên hết nên nhiều đạo diễn đã hợp tác với truyền hình để làm phim cho họ, hợp tác theo kiểu hai bên cùng có lợi nhưng khổ nỗi bên truyền hình cứ bớt xén kinh phí nên họ phải làm hời hợt cho có phim để chiếu còn chất lượng thì mặc kệ vì có người xem hay không chẳng ảnh hưởng đến ai, miễn là đến kỳ lại có phim chiếu là được. Ngày xưa thời chiến tranh và sau đó một thời gian, kinh phí đâu có mà vẫn xuất hiện những bộ phim hay tuyệt đỉnh đấy thôi, nhất là giai đoạn những năm cuối thập kỷ 70 đầu 80.

Nhưng đôi khi chế độ xã hội của chúng ta hạn chế sự sáng tạo trong nghề nghiệp của họ?

Không đúng. Tôi nói điều này nhé! Trước đây, khi chúng ta bị khủng hoảng kinh tế kéo theo rất nhiều ngành nghề khác cũng khủng hoảng. Và cũng vào thời điểm này nhà nhà làm phim, người người làm phim, những người chẳng biết gì cũng đi làm phim. Rất may là đại hội VI-1986 Đảng nêu đổi mới cho tất cả từ kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng cho đến văn hóa nghệ thuật. Trong đó có hai khẩu hiện về đối nội và đối ngoại đã làm thay đổi tất cả diện mạo của điện ảnh. Về đối ngoại “làm bạn với tất cả các nước, đồng thời khép lại quá khứ hướng tới tương lại” - điều này là ta làm theo truyền thống cha ông từ xa xưa đấy chứ! Và đối nội là “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật” - với những yếu tố đó đã xuất hiện hai bộ phim rất hay là “Cô gái trên sông” của Đạo diễn Đặng Nhật Minh và “Tướng về hưu” của Đạo diễn Khắc Lợi. Như vậy không thể nói chế độ xã hội hạn chế sự sáng tạo của điện ảnh. Sau giai đoạn này hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ kéo theo nền kinh tế ở nhiều nước xã hội sụp đổ, đương nhiên trong đó có Việt Nam. Nhà nước chủ trương cắt sạch mọi thứ bao cấp là để kéo tất cả các ngành nghề khác nữa chứ không chỉ một mình điện ảnh. Tuy nhiên bây giờ thi thoảng vẫn có những bộ phim được thực hiện dưới bàn tay tài trợ của nhà nước.

Nhưng những bộ phim nhà nước đặt hàng tốn kém hàng chục tỷ lại chỉ để phục vụ các dịp hiếu hỷ của đất nước?

Chúng ta nên nhớ rằng thời chiến tranh, những bản anh hùng ca là âm hưởng thúc giục chiến đấu, nó là truyền thống có từ ngày xưa. Bản thân điện ảnh thời kỳ này là hướng vào tập thể, coi trọng tập thể. Sau khi hòa bình người ta chú trọng đến cá nhân, chú ý đến quyền lợi cá nhân, tình cảm và hành động của cá nhân…Nhưng cái gì cũng phải sáng tạo chứ anh cứ đi mãi một đề tài thì sẽ gây sự nhàm chán. Đến con người qua thời gian cũng cần thay đổi huống hồ nghệ thuật. Nghệ thuật mà bị cũ mòn thì rất khó chấp nhận.

Và để đi tìm cái mới đã xuất hiện một loạt hãng phim tư nhân?

Thực ra thì phim tư nhân đã bắt đầu xuất hiện từ cách đây hơn chục năm tức sau nghị định 48/CP do thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 17/7/1995. “Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế (kể cả của nước ngoài) liên doanh lien kết với các cơ sở điện ảnh để cải tạo, xây dựng hoặc tự bỏ vốn xây dựng quản lý rạp chiếu phim…cơ sở sản xuất phim được quyền tự phát hành bán hoặc ủy thác cho cơ sở phát hành phi, phát hành sản phẩm của mình đến các cơ sở chiếu phim và mạng lưới vidéo”… Từ năm đầu tiên của thiên niên kỷ XXI nhà nước khuyến khích tư nhân mở hãng phim riêng. Đến tháng 2/2004 đã có sáu hãng phim tư nhân xin đăng ký hoạt động song song với các hãng phim hiện có của nhà nước. Khi điện ảnh tụt dốc nhiều người trăn trở với nghề đi tìm hướng mới mong muốn tạo một diện mạo mới cho điện ảnh nhưng không phải ai cũng thành công. Trong hành trình đi tìm cái mới của mình cho điện ảnh, có thể coi Lê Hoàng là người tiên phong. Sau dòng phim mì ăn liền thì “Vị đắng tình yêu” của anh gây xôn xao dư luận một thời đấy chứ! Cha con Lý Huỳnh cũng tạo được một chút dấu ấn qua vài bộ phim mang hơi thở võ hiệp. Và sau đó mất khoảng mười năm điện ảnh chìm vào quên lãng, người xem đã mất dần kiên nhẫn chờ đợi thì bất ngờ Lê Hoàng (lại là Lê Hoàng) với cú đúp “Gái nhảy” đã tạo nên một bước đột phá mới cho điện ảnh Việt Nam, lần đầu tiên một bộ phim Việt Nam đánh bại rất nhiều bộ phim Mỹ và thu lãi hơn tám tỉ đồng- điều mà trước đến giờ chưa hề có. Hiệu ứng “Gái nhảy” đến mức đi đâu cũng nghe kể về phim, nhiều người chỉ cần nghe nói chiếu là sẵn sàng bỏ tiền ra xem. Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại đầy sáng tạo của anh. Điều đó có thể thấy thực ra người Việt Nam đâu có quay lưng với điện ảnh nước nhà mà bởi vì chúng ta không có đề tài hay phục vụ họ thôi. Như vậy có thể khẳng định một điều “những nhà điện ảnh chịu khó đi tìm thì nước ta đâu thiếu đề tài hay và người xem sẽ không quay lưng với điện ảnh của mình”.

Nhưng nhiều nhà phê bình điện ảnh nhận xét “Gái nhảy” là phim thương mại, phim rẻ tiền. Cá nhân ông đánh giá thế nào về nhận xét này?

Chẳng có ranh giới nào giữa phim thương mại và phim nghệ thuật cả. Đấy là bởi sự đố kỵ và không thừa nhận sự sáng tạo của người khác thôi. Nghệ thuật là sự tái tạo lại cuộc sống. trong phim thương mại phải có yếu tố nghệ thuật và ngược lại trong phim nghệ thuật cũng phải chứa đựng yếu tố thương mại mới mong kéo khách đến rạp nhưng tính thương mại trong phim yếu hơn nên cái gọi là nghệ thuật lại chả ma nào thèm để ý. Đừng bao giờ coi số đông là ngu dốt vì họ bỏ tiền ra xem họ cũng biết chứ. Tôi làm cho bạn thử xem thế nào - đó là một thành công rồi đấy! Và chính nhờ thành công này mà một loạt các hãng phim tư nhân đã chăng biển lên. Tiêu biểu Thiên Ngân với sự xuất hiện của một đạo diễn vừa tốt nghiệp - Vũ Ngọc Đãng cho bộ phim “Những cô gái chân dài”. Hãng phim Giải phóng không chịu thua, một lần nữa Lê Hoàng với “Nữ tướng cướp”.

Nhưng giữa hãng phim tư nhân và hãng phim nhà nước vẫn đang có sự phân biệt, bằng chứng là trong các cuộc liên hoan phim?

Luật điện ảnh đặt hãng tư nhân với hãng nhà nước ngang nhau để tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Đương nhiên muốn tạo được công bằng phải tạo được hành lang pháp lý và đó là lý do cuối năm 2006 luật điện ảnh thông qua, có hơn 30 hãng phim tư nhân đến đăng ký trong đó có mười hãng hoạt động rất sôi nổi.

Hiện nay hầu hết các phim đều manh nha yếu tố sex, ông thấy thế nào?

Thực ra đó chỉ là sự bắt chước cách làm phim của các nước phương Tây mà thôi. Đôi khi người ta muốn khoe thân thể đàn bà nhưng rất tiếc nó không phù hợp với hòan cảnh và thuần phong mỹ tục của nước ta, hơn nữa tay nghề non nên những cảnh sex trong phim Việt Nam rất giả tạo. Người Việt Nam khó chấp nhận cái kiểu tình dục trắng trợn như phương Tây được. Vì thế phim chỉ lôi kéo được một tầng lớp rất nhỏ chứ còn hầu hết người Việt Nam chúng ta xem những cảnh như vậy đều kịch liệt phản đối. Có một thời, cái cảnh tắm cứ xem phim nào cũng có, đến mức người ta phải gọi nó là “Hội chứng tắm”. Câu khách bằng kiểu ấy không ổn. Đó chính là cách làm sai lầm. Và đương nhiên, cái gì mà đi bắt chước thì đều hỏng. Nghệ thuật là sự tái tạo trên quan điểm thẩm mỹ của tất cả các ngành.

Tiểu Thúy