itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Đọc Tiếng Hót Vành Khuyên của Tiểu Thu

Đọc Tiếng Hót Vành Khuyên của Tiểu Thu

Tiểu Thu cây bút quen thuộc viết rất nhiều truyện ngắn mà độc giả khắp nơi đã đều đặn thưởng thức với lời văn bình dị rất tự nhiên của cô. Đọc văn Tiểu Thu ta thấy mình đi thật sát với đời sống. Cái đời sống lắm nỗi đau cũng như không thiếu hạnh phúc nầy một lần nữa được Tiểu Thu cống hiến bạn đọc trong tập truyện ngắn vừa xuất bản: TIẾNG HÓT VÀNH KHUYÊN.

Một quyển tiểu thuyết gồm 11 truyện ngắn, và mỗi truyện có một nét riêng của nó, làm ta thích thú theo dõi, như: Cô Nam Kỳ Đáng Yêu, Thằng Lượm, Mình ơi!, Thoáng Hương Xưa, Dưới Cội Sung Già, Dấu Ấn Cuộc Đời, Đời Còn Có Nhau, Tiếng Hót Vành Khuyên, Hạnh Phúc Nơi Nào, Đời Vẫn Đẹp, Chờ Mùa Xuân Tới.

Cô Nam Kỳ Đáng Yêu dưới ngòi bút của Tiểu Thu cho độc giả chia sẻ được cái ấm cúng của một gia đình người Nam miền quê trong những sinh họat thường nhật, quanh mâm cơm hằng ngày, rồi khi năm hết Tết đến quanh nồi bánh tét đêm giao thừa. Đời sống họ mộc mạc nhưng tình của họ đậm đà. Câu chuyện vây quanh cuộc sống của gia đình một người mẹ góa nuôi 3 đứa con, một trai hai gái. Người anh cả lên Sài Gòn học và quen thân với một người bạn từ Hà Nội mà gia đình đã di cư vào Nam năm 1954. Theo bạn về nhà ăn Tết, anh Bắc kỳ đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng, anh đem lòng thương người em gái Nam kỳ của bạn mình. Nhưng rồi anh phải trở về lại Sài Gòn để học. Trước khi về Sài Gòn chàng trai Hà Nội hứa hẹn sang năm khi ra trường, khi công danh sự nghiệp yên ổn, sẽ đón cô Nam kỳ đáng yêu về chung sống.

Điểm đặc biệt của câu chuyện Cô Nam Kỳ Đáng Yêu là những mẫu chuyện do sự khác biệt về cách sống và ngôn ngữ giữa hai miền Nam Bắc, được Tiểu Thu đưa vào truyện. Với cái duyên dáng và dí dỏm đặc biệt trong văn Tiểu Thu, điển hình như câu chuyện người Bắc nấu phở và làm chả lụa được ”phao đồn” đến cái làng quê chân chất dễ tin của người mẹ cô Nam Kỳ trong truyện, cho ta những tràng cười không nén được khi đọc câu chuyện nầy.

Thằng Lượm là đứa trẻ 12 tuổi sống với cha mẹ nuôi, vì nghèo khó nên mẹ nó phải đi làm công cho Bà Hội Đồng. Cha nó say sưa suốt ngày nhưng vẫn biết đặt lờ mót lúa giúp mẹ nó một tay kiếm tiền sinh sống. Hai vợ chồng thím Tư vất vả cực nhọc mà vẫn nghèo nên tuy thằng Lượm học hành thông minh cũng phải cho nó nghỉ học giúp việc nhà. 12 năm sống với cha mẹ nuôi mà nó chẳng mảy may hay biết rằng mình là con nuôi của tía má nó, cho đến hôm uýnh lộn với thằng hàng xóm bị thằng nầy ”tàn nhẫn” phanh phui ra: -” Mầy là thằng con bị cha mẹ mầy dụt giữa đường, tía má mầy lượm về nuôi, nên mầy mới có cái tên là thằng Lượm”. Thì ra, hèn chi..! Đúng là tin trời sập! Thằng bé đau khổ vô cùng và kể từ đó thằng Lượm bắt đầu thắc mắc nghĩ về người mẹ ruột của nó và tự hỏi vì sao mẹ nó đành lòng bỏ nó và đem cho thím Tư nuôi.

Trời đã thương nó, hay vì đọan đời gian nan của nó đã mãn, khi cái gương mặt bảnh trai và tính tình năng động hiền hậu của nó đã gây chú ý đặc biệt ở người đàn bà giàu có sang trọng nhưng tính tình lại rất đôn hậu nhu mì, là bạn thân của con gái bà Hội Đồng. Nhờ nốt son bên vú trái của nó đã làm cho mẹ nó tìm lại được con mình. Câu chuyện phải nói là ”lâm ly bi đát” nhưng không màu mè, đọan kết tuy mùi mẫn như khi nghe ”hạ sáu câu”, nhưng với giọng văn trong sáng bình dị tự nhiên của Tiểu Thu thì cái mộc mạc của miền quê ngọt ngào đã cho ta nhiều thích thú.

Cái bất ngờ trong câu chuyện cũng như những oái oăm của cuộc đời khi cuộc tình của một cặp trai gái không môn đăng hộ đối được nhìn dưới cặp mắt khe khắt của người cha. Ông đã nhẫn tâm ép duyên con mình và quay lưng trước nỗi khổ đau của con gái. Khi con gái ông yêu một chàng trai trẻ tuy không giàu như người thanh niên được ông chọn cho con gái mình, nhưng là tình yêu đích thực nên nỗi đau đã đi theo cô gái suốt mười mấy năm dài đăng đẳng. Một lần nữa câu chuyện đã cho thấy sự thật hiển nhiên: Sống mà không có tình yêu thì cuộc sống của những tháng năm trong đời ta hòan tòan vô nghĩa! Không phải ai cũng có được diễm phúc tìm thấy được người thương mình và mình thương lại với trọn vẹn cả trái tim mình như câu chuyện kể trong sách nầy. Câu truyện cho ta cái xót xa bất mãn khi chân tình của đôi trai gái bị sự nghiệt ngã của một quan niệm một cái nhìn do lòng hạn hẹp thiếu hiểu biết của người cha phá vỡ. Nhưng có phá được không? Mời bạn đọc để thấy tình tiết của câu chuyện.

”Hắn cao lêu nghêu đầu tóc rũ rượi như cả đời chưa bao giờ biết trên cõi đời nầy có một thứ mang tên là cái lược” :Trích Thóang Hương Xưa. Đỏan truyện nói về sự cô đơn của con người. Cô đơn là mầm bệnh và theo tháng năm sự cô độc sẽ chiếm hữu và gậm nhấm dần tâm thức cho đến khi niềm cô đơn biến thành căn bệnh trầm kha khó chạy chữa. Cuộc đời con người tươi vui hay hủy diệt đều cho thấy có được do từ tác dụng và tác động của tình yêu. Sự cô độc đưa dần con người đến bên hố thẳm. Trong truyện nầy đã kể về sự đơn chiếc lẻ loi của người chồng đứng tuổi, sau khi cùng vợ về thăm quê nhà, rồi người vợ trong chuyến về thăm nầy đã chết tại Việt Nam, vì ”tăng xông” cao đứt mạch máu mà chết. Suốt một tháng trời ở Châu Đốc bà thèm quá nên rất ham ăn mắm. Ngày nầy qua ngày khác bà đã ăn đủ lọai mắm, nào là mắm kho, mắm chưng, mắm thái, bún mắm…đủ thứ đủ lọai cho ”đã thèm”! Mắm đầy rẫy muối nên với tình trạng sức khỏe của bà đã làm bà đứt mạch máu. Từ Châu Đốc đưa đến bệnh viện Sài Gòn thì bà chết. Người chồng sau khi lo xong tang ma chôn cất vợ tại quê nhà ông trở về lại xứ lạ quê người thui thủi một mình không còn vợ bên cạnh. Cái chuổi ngày ngồi nhìn tuyết rơi một mình nó da diết làm sao dưới ngòi bút của Tiểu Thu.

Tiểu Thu cũng cho thấy cái tình trạng say sưa của người dân da trắng tại xứ sở mà nhân vật cô Kim trong truyện đang cư ngụ và làm việc. ”Họ chẳng đi làm, ở không mãi cũng buồn, đành dùng rượu bia thuốc để giải sầu! Riết rồi giống như những xác chết biết đi! Kim muốn tát vào cái mặt phị ra vì thuốc lá và rượu của hắn cho đỡ tức, khi nhớ tới những người dân tội nghiệp trên cái xứ sở còm cõi vì chiến tranh của mình. Họ làm quần quật suốt ngày như trâu bò mà vẫn không đủ ăn. Xứ đã nghèo Trời còn hành tội, gởi xuống đủ thứ tai ương. Hết bão lụt tan nát nhà cửa, đến chuột bọ phá hại mùa màng …” (trích Thóang Hương Xưa).

Với công việc tại sở làm hiện thời, cô Kim trong truyện kể đã nghe và thấy được nhiều thảm trạng của con người, chung quy cũng do cô đơn, sự chi phối tiền bạc, lòng tham vô đáy, và sự thiếu tu tâm dưỡng tánh trong đời sống của một số người, đã đem lại biết bao đớn đau và khổ sở. Có người phải ngã qụy trước cuộc sống muôn mặt muôn hình vì phải một mình chống chọi với cuộc đời phức tạp khi đời họ thiếu sự mầu nhiệm của tình thương chân thật, tạo ấm áp trong tim, là nguồn năng lực mãnh liệt ta có được để sống hài hòa và đối đầu được với bao khó khăn đến với đời ta. Thế mới biết, con người bất hạnh nhất là con người thiếu tình thương và sự hiểu biết.

Với giọng văn hài hước dí dỏm ”rất nghệ thuật” Tiểu Thu không quên cho chúng ta những câu chuyện ”dở khóc dở cười”, như vụ ông già tía của một cặp vợ chồng trẻ, ”vén quần tưới cây” ngòai vườn nhà, bị hàng xóm ”mắt xanh mũi lỏ” điện thọai trình báo nên người ”bạn dân” (cảnh sát) đến nhà ”hỏi tội”. Chỉ nhẹ nhàng hỏi tội chứ chưa bị phạt vi cảnh nhưng ông gìa tức bực cho cái xứ ”tự do rất ư là mất tự do” nầy, bởi vì không được ”tự do tưới cây” ngòai vườn nhà mình, như ông thường làm ở quê nhà, nên ông nhất định khăn gói quả mướp ”hồi hương”.

Ngòi bút Tiểu Thu đơn giản bình dị đi sát với cuộc sống. Tiểu Thu viết không hoa mỹ, truyện của Tiểu Thu không có chất lãng mạn trử tình, nhưng lại có cái xuyến xao của một chân tình khi ta đọc đến và cảm nhận được ngay. Đọc Tiếng Hót Vành Khuyên ta cảm nhận được cái mát của ngọn gió sông Đồng Nai, cái trong sáng của tiếng hót chim vành khuyên một sáng trời xanh nắng ấm, và cả cái lạnh đầy tuyết giá ở xứ lạ quê người. Những cảm nhận đó len nhẹ vào lòng ta, để lại những ấm áp nhẹ nhàng của một cái tình đẹp, cũng như những ngậm ngùi cho thân phận làm người.

Theo Uyên Hạnh (Khoahoc.net)