itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Văn hoá rừng

Văn hoá rừng

(Đọc Rừng người Thượng, Henri Maitre, Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Nguyên Ngọc và Andrew Hardy biên tập, NXB Tri Thức và viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, 2008)

“Les Jungles Moi” là một trong những cuốn sách có giá trị địa lý, dân tộc học cao nhất từ di sản học thuật thời Pháp thuộc để lại vừa được dịch ra tiếng Việt bên cạnh những cuốn sách hồi ký, thư từ khám phá Tây Nguyên của bác sĩ A. Yersin và tư liệu điền dã của Dambo, Condominas…

Mọi xuất phát từ từ “tơmoi”, “kemoi” trong tiếng Mơ Nông để chỉ người lạ đối với người trong làng. Ban đầu không hề mang nghĩa khinh miệt.

Người Mọi chính thức được xuất hiện đầu tiên trên bản đồ “Vương quốc An Nam gồm các vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong” của những nhà truyền giáo Pháp vào năm 1645. Tấm bản đồ này ghi một câu vỏn vẹn: “Dân kẻ Mọi hoang dã sống trong các vùng núi này”. Trước đó, người Mọi chưa từng chính danh có mặt trên các bản đồ Đông Dương dù sức ảnh hưởng của những bộ tộc, vương quốc Mọi (và chịu tương tác) đối với lịch sử nhiều xáo trộn của vùng Đông Dương, đặc biệt là quá trình mở về phía nam của bờ cõi Việt Nam trong lịch sử.

Cuốn “Les Jungles Moi” là những nghiên cứu, ghi chép từ các cuộc thám sát và khám phá của Henri Maitre vào cuối thế kỷ 19, đầu 20.

Bìa sách "Rừng người Thượng"

Henry Maitre lập ra một bản đồ sống động vùng địa lý sinh sống của những tộc Mọi ở khu vực Nam Đông Dương. Hấp dẫn nhất là những trang đặc tả diện mạo của những vùng cao nguyên trung phần Việt Nam, Nam Trường Sơn hoang dại và bí ẩn của miền hơn thế kỷ trước hiện lên với một không khí, nguồn cảm hứng phiêu lưu mạnh mẽ.

Cùng với những khắc hoạ địa lý, những hệ sinh thái rất phong phú là các vùng quần cư đa dạng của con người vừa mạnh mẽ hoang dã, những bộ tộc, tiểu vương quốc với những biên giới luôn xáo động. Những chất liệu mà Maitre thu thập được trong cuốn sách này làm toát lên một tinh thần văn hoá khá chung của những tộc người cao nguyên trung phần Việt Nam – mà Dambo đã gọi rất hay: văn hoá rừng.

Tác giả đi sâu vào vùng không – thời gian để khảo sát nguồn gốc các tộc người, từ việc hình thành và “biến mất” của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1 đến 7, sự xung đột thường xuyên của vương quốc Champa, bị cuốn vào quỹ đạo của Champa với những “nước chư hầu” là các tiểu vương quốc Mọi và mặt khác, ông cũng khẳng định “ngay trong vùng ảnh hưởng của Champa vẫn có những phát triển hạt nhân của cái dòng tộc Mọi quan trọng, để lại cho chúng ta những hậu duệ mang đậm các yếu tố Chàm”…

Maitre khảo sát qua những thời kỳ các tiểu quốc Mọi trong một hợp bang rộng lớn đóng chặt và đề kháng sức ảnh hưởng của văn minh Hindou toả ra từ vương quốc Phù Nam, từ những tiểu quốc Mạ tồn tại qua nhiều thời kỳ giữa hai vương quốc mạnh nhất ở nam Đông Dương là Cambodge và Champa, đến những khoảng thời gian mà sức thống trị của người Chàm với Jarai, Radé còn khá nghiêm ngặt, từ những tiểu quốc Jarai với biểu tượng là các Sadet – thủ lĩnh phù thuỷ đầy bí ẩn cùng với người Mơ Nông với tâm tính cực kỳ hiếu động và ưa mạo hiểm đã từng tổ chức nhiều cuộc săn bắn, cướp phá và buôn bán nô lệ khét tiếng...

Cuốn sách là những tư liệu quý về quá trình nam tiến của người Việt, cụ thể là triều đình Huế – sự đụng độ khốc liệt khó tránh khỏi và chiến lược thu phục của người An Nam với những cư dân bản địa đến nay giới nghiên cứu dân tộc học Việt Nam còn ngần ngại đặt trong ngoặc kép của hai từ “nhạy cảm”.

Sách có hơn 100 trang ảnh tư liệu, hình vẽ và bản đồ giá trị. Phần III của cuốn sách, nhiều điểm Maitre sử dụng tư liệu khoa học qua các tài liệu của các nhà truyền giáo và những nhà nghiên cứu đi trước, nhiều phân tích khá sắc sảo và cung cấp cho độc giả một nguồn tư liệu tổng hợp giá trị.

Với những trách nhiệm thôi thúc, sự kiêu hãnh lẫn tinh thần phản biện khoa học sâu xa, Henry Maitre để lại cho chúng ta một công trình học thuật nhiều giá trị không thể bỏ qua.

Nguyễn Vĩnh Nguyên