itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / “Hội nhập Đông- Tây”’- Một Việt Nam giữa lòng châu Âu

“Hội nhập Đông- Tây”’- Một Việt Nam giữa lòng châu Âu

Bà Đào Liên Hương

Hình ảnh một đất nước Việt Nam hiện đại quyến rũ và năng động sẽ được tái hiện giữa thủ đô Luân Đôn trong một triển lãm mang tên: “Hội nhập Đông - Tây”.

Đây là một trong những hoạt động văn hoá rất được chờ đợi nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến ba nước châu Âu từ ngày 3 đến 10 tháng 3 năm 2008. Bà Đào Liên Hương - Giám đốc Công ty Quốc Anh - đơn vị tổ chức triển lãm đã cho biết, “Hội nhập Đông Tây” không chỉ đem lại một góc nhìn khiêm tốn về sự thăng hoa của nền nghệ thuật hội hoạ Việt Nam trong những thập kỷ gần đây mà hơn thế nó là sự phản ánh trung thực về sự hội nhập giữa hai nền văn hoá lớn Đông và Tậy”

PV: Từ ý tưởng nào khiến các nhà tổ chức đặt tên cho triển lãm là “Hội nhập Đông- Tây”, thưa bà?

Bà Đào Liên Hương (ĐLH): Cách đây không lâu, khi thăm lại đất nước Malaysia, tôi đã thật ngạc nhiên trước sự thay đổi kỳ diệu của đất nước này. Sự thay đổi trước hết đến từ tài năng của những nhà quảng cáo, marketing… tài giỏi của Malaysia trong một chiến lược tiếp thị hình ảnh đất nước dài hơi do Nhà nước tài trợ. Họ đã rất thành công trong việc xây dựng một Malaysia quyến rũ với những phong tục, cảnh quan truyền thống và một Malaysia hội nhập, phát triển với một nền kinh tế năng động, những trung tâm mua sắm, giải trí hàng đầu của Đông Nam Á. TS Limkokwing - Hiệu trưởng ĐH Marketing hàng đầu của Malaysia đã đưa lại cho tôi một ý tưởng sâu sắc về sự hội nhập Đông - Tây giống như hai mặt của một đồng tiền, mỗi mặt có một ý nghĩa khác nhau. Và chính sự khác biệt này nếu biết kết hợp sẽ tạo nên những giá trị phong phú, đa dạng lôi cuốn.
Việt Nam với những nét đặc trưng của nền văn minh phương Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Trong đó phải kể đến hội họa, một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu nhất phản ánh sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

PV: Các họa sĩ Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Phạm An Hải và Nguyễn Tuấn Cường… dường như là những tên tuổi còn ít được biết đến ở trong nước… Liệu những tác phẩm của những họa sĩ này có đủ sức nặng làm “tỏa sáng” văn hóa Việt Nam giữa một thủ đô châu Âu vốn rất giàu bản sắc văn hóa?

ĐLH: Sự lựa chọn của chúng tôi được chuẩn bị rất kỹ càng và hoàn toàn có cơ sở.

Ngoài hoạ sỹ trẻ Nguyễn Tuấn Cường những hoạ sỹ khác đều đã từng nhiều lần tham gia các cuộc triển lãm lớn kể cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện quốc gia.

Tranh của Nguyễn Thanh Bình luôn hấp dẫn người xem bởi nét độc đáo của các đề tài lẫn phong cách thể hiện. Các thiếu nữ Việt Nam trong tranh của anh với mầu trắng tinh khiết của tà áo dài trên nền vàng nhạt đổ màu, đôi lúc được anh phá cách bằng nét cọ đỏ thắm ẩn hiện trong quả táo, chiếc túi hoặc bông hoa… Dạo quanh các phòng tranh Tràng Tiền hoặc Hàng Gai, bạn sẽ gặp các cô gái Việt Nam của Thanh Bình ẩn hiện trên các ô cửa sổ nhìn ra đường. Dường như các phòng tranh này đều ngầm khoe rằng: tôi có bức của Thanh Bình đây.

Tranh của hoạ sỹ Dũng mang nét man mác của đất trời. Trong tranh, đất trời, cây cối, sương khói như hoà quyện, con người chỉ như một nét chấm nhỏ trong cái mênh mông sương khói đó. Mầu sắc của anh cũng rất tiết kiệm, chỉ một tông màu, hoặc vàng nhạt hoặc xanh nhạt, nhưng dưới cây cọ tài tình của anh cũng đủ cuốn hút mọi con mắt nhìn. Đề tài của anh cũng tiết kiệm như màu sắc; một cái cây, một rặng tre, một cánh đồng, một ông sư, một đàn chim…

Đơn giản, đẹp, bí ẩn, đấy chính là tranh của Hồng Việt Dũng. Gần đây nhất, hai bức tranh của Hồng Việt Dũng cũng đã được Nhà đấu giá nổi tiếng Sotherby của Anh đưa vào chương trình đấu giá. Sau chuyến đi Anh này, anh lại lập tức có mặt ở Mỹ để tham gia một cuộc triển lãm khác.

Nét đặc trưng nhất cho vẻ đẹp phương Đông của cuộc triển lãm lần này là những bức sơn mài của Bùi Hữu Hùng. Tranh của Hùng có vẻ đẹp huyền bí của các thiếu nữ cung đình Huế cổ xưa, với tà áo dài cổ, màu sắc cổ, nét mặt buồn cổ đối lập với những chiếc khung tranh đẹp lộng lẫy và nặng khủng khiếp. Tranh của anh ít khi xuất hiện lâu ở Việt Nam vì chúng đều nhanh chóng được đưa ra nước ngoài. Tranh anh vẽ cầu kỳ: đường nét, mầu sắc, kiểu cách, cho nên chắc anh không thể vẽ nhanh được. Để có một bức tranh hoàn thiện đến vậy, anh đã phải mất rất nhiều công sức, phủ nhiều lớp sơn mài lên nhau vào tranh của mình.

Sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã có một bức tranh hoành tráng của anh về đề tài Lạc Long Quân và Âu Cơ, cao 2,5m và dài 6m. Bức tranh luôn là niềm tự hào về văn hoá Việt và tài năng của các hoạ sỹ Việt Nam bên cạnh nền văn hoá kỳ vỹ của Âu Châu. Đứng trước tranh anh, ta như thấy tự hào hơn cho nền văn hoá Việt – nền văn hoá mang đậm nét Phương Đông, với chất sơn Việt, màu sắc Việt, vẽ về đề tài rất Việt. Nhìn tranh anh, họ sẽ không thể lẫn được đây là tranh Trung Quốc, Thái lan... lại càng không thể lẫn được là tranh Âu Châu.

Lần này anh sẽ trình làng hai thể loại sơn mài: trên gỗ và trên toan, Tôi đang mong ngóng được ngắm tranh sơn mài của anh trên toan, chắc chắn phải đặc biệt và lạ lùng lắm. Anh vẫn cố giữ bí mật cho đến phút chót, để đến tận Luân Đôn mới mở ra cho mọi người xem.

PV: Ngoài những nét vẽ truyền thống, sự hiện đại và hội nhập như thông điệp của buổi triễn lãm còn thể hiện ở những điểm nào, thưa bà?

ĐLH: Những bức tranh của Phạm An Hải, Phạm Luận sẽ thể hiện rõ điều này. Cùng xây dựng nguồn cảm hứng từ những hình ảnh lô xô của các khu phố cổ Hà Nội nhưng An Hải lại cho thấy một cái nhìn khác về sự vận động không ngừng của đời sống đô thị ngày nay. Những ô cửa sổ, những bức tường rêu phong, những mái nhà cổ kính thông qua hình thức biểu hiện trừu tượng đã đem lại cho người xem những phát hiện mới về thành phố, nơi mà mọi người dân Hà Nội vẫn ngỡ rằng mình quá rành rẽ và thân quen. Chính phong cách biểu hiện trừu tượng hoá nhập với cội nguồn rất Á đông của người nghệ sỹ đã tạo nên những bất ngờ thu hút người hâm mộ hội hoạ Việt Nam đến từ phương Tây.
Tranh của hoạ sỹ Phạm Luận mang đậm nét phố cổ Hà nội với bốn mùa hoa lá, màu sắc tươi sáng. Đấy là một lễ hội màu sắc nhảy múa trong lung linh nắng. Chói chang, sống động với đầy ắp sự sống: con người cây cối, đường phố, nhôn nhịp đi lại, buôn bán, xe cộ đủ loại, trên vỉa hè, dưới lòng đường, quần áo phơi, treo, bày bán… Có nghĩa là một bức tranh sống động của cuộc sống thực, không ảo tưởng, không nhạt nhoà, ào ào, tranh cướp nhau sống…
Biết bao người thầm ước có một bức tranh của Phạm Luận trong nhà để cuộc sống luôn tươi trẻ, để luôn mọi đựoc yêu và tri ân với đời. Thế nhưng bây giờ thì niềm mơ ước ấy cũng khó lắm. Có những ông chủ từ Mỹ, Anh sang đã đặt anh vẽ cho toàn bộ các phòng trong toà nhà văn phòng, khách sạn của mình.

PV: Được biết, điểm nhấn trong cuộc triển lãm lần này là một bộ sưu tầm các tác phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ của làng gốm Bát tràng. Mà những sản phẩm này đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam mang đi tặng nhân các chuyến đi thăm chính thức các quốc gia khác, hoặc tặng cho khách quý của Chính phủ khi đến thăm Việt Nam?

ĐLH: Đó là chiếc bình Thủ tướng ta đã tặng Tổng thống Nga Putin, chiếc thập tặng ngài Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Ba Lan, Nhật Hoàng; chiếc bình rượu men lam, gốc lấy từ nguồn tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đã được chế tác lại để tặng các nguyên thủ đến tham dự ASEM 5 tại Hà Nội, trong đó Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Nhật bản Kozumi đã gọi điện hỏi thăm khen đó là bình cổ thật hay chế tác mà đẹp thế!

Bộ bình chế tác lại các tác phẩm của các nghệ nhân gốm sứ Việt Nam thời Lý Trần, màu sắc tuyệt vời, nâu nhạt với những nét men hoa màu nâu sậm mà bản gốc được lấy từ đáy lòng hồ thuỷ điện sông Đà, nay đã trở thành báu vật quốc gia đang được lưu giữ ở Viện bảo tàng Lịch sử cũng được đặt tại triển lãm.

 

“Hội nhập Đông - Tây” được Gallary Sông Hồng và công ty Quốc Anh IEC kết hợp tổ chức. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5 – 14 tháng 3 năm 2008 tại Phòng triển lãm của Trường Đại học Limkokwing, Luân Đôn.

PV: Với sự đầu tư và chuẩn bị như vậy, bà có tin rằng triển lãm sẽ thực sự gây ấn tượng với khán giả châu Âu - những người vốn được coi là “khó tính” trong việc chọn lựa và thưởng thức các giá trị nghệ thuật?

ĐLH: Tôi hoàn toàn tin tưởng. Những bức tranh và đồ gốm công phu này sẽ được đặt ở một phòng triển lãm sang trọng, quy mô của ĐH Limkokwing ngay giữa thủ đô Luân Đôn. Nhưng đó chỉ là một yếu tố nhỏ. Quan trọng là, những tác phẩm nghệ thuật này sẽ làm nên sức hấp dẫn từ những giá trị độc đáo của nền văn hóa truyền thống Việt Nam lắng đọng trong nó. Mà ở phương Tây, nhất là tầng lớp trí thức, trung lưu… đang có xu hướng quay trở về với những giá trị tự nhiên rất gần gũi với văn hóa phương Đông. Tôi tin là triển lãm sẽ tạo được ấn tượng khó phai trong đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của những người dân được mệnh danh là thủ đô văn hóa châu Âu

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

P. Nguyễn / Vietimes