itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Hoa gạo ơi!

Hoa gạo ơi!

Cảm ơn hoa gạo, cảm ơn loài hoa dân dã, dung dị với những nắm bông nhỏ trắng tinh nhẹ như hơi thở, lại mang đến cho tôi nhiều đến thế, giàu có đến thế và "nặng nợ" đến thế. Cả con tim biết đập rộn ràng vì tình yêu, biết đập vì nghĩa đời rộng lớn. Cả tầm nghĩ và mắt nhìn xa hơn…

Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa có ba tháng. Mỗi tháng lại có một mùa hoa để người ta thương, người ta nhớ. Với tôi, tháng ba là mùa hoa gạo. Cho dù có ai đó gọi hoa bằng cái tên rất đẹp - hoa mộc miên - thì tôi vẫn chỉ thích được gọi loài hoa dân dã có mầu đỏ rực như lửa cháy khôn nguôi, với những cánh hoa dầy dặn, gợi cảm như đôi môi người đàn bà đang yêu, cũng bằng một cái tên giản dị, quê mùa đầy chất “ẩm thực”- hoa gạo.

Hay bởi tuổi thơ, nhà tôi ở gác hai của một căn nhà nằm trên con phố cũ nhìn ra đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và hồ Gươm. Trước cửa dẫn vào đền có những cây gạo lớn. Tôi biết đến bông gạo lần đầu tiên, ấy là khi một chiều, trời mùa hè đang nóng hầm hập chợt nổi giông. Những bông gạo trắng trước cửa đền bỗng bay rợp, khiến cho bầu trời chỉ mù mịt những đám bông nhẹ và trắng tinh như vô hình.

Mẹ chỉ cho tôi: “Bông gạo đấy con ạ. Bông của nó tốt lắm, làm gối rất êm mà lại mát, thấm mồ hôi!” Tôi kinh ngạc. Làm sao mà loại hoa đỏ thẫm, mập mạp, dân dã nhường kia lại dâng hiến cho đời thứ bông trắng trong, thanh khiết nhẹ nhàng nhường kia. Hoa vắt kiệt sức mình, hay đấy là “tâm hồn” hoa đã được thanh lọc, để chỉ mang đến cho đời những giấc ngủ, giấc mơ bình yên và dịu êm?

Từ đấy, mỗi lần đi học qua cửa đền, thấy những bông hoa gạo đỏ rụng bời bời trên vỉa hè bị ai đó vô tâm, vô tình dẫm nát, tôi thấy xót lắm. Từ đấy, bông gạo trắng tinh như có sức mê hoặc, dẫn dụ tôi. Vào mùa hè đang chang chang nắng, trời bỗng sầm sầm rồi nổi giông.

Từ ban - công nhìn ra phía đền, chỉ cần thấy một vài bông gạo bắt đầu bung nở, bay nhè nhẹ trên không trung, là tôi lén mẹ chạy ra đền Ngọc Sơn, đuổi theo nhặt những bông gạo trắng xốp như len, giữa có một cái hạt nhỏ và đen như hạt đỗ đen, lăn tròn trên mặt đất như có chân, rồi chạy thật nhanh về nhà trước bữa cơm chiều dọn ra.

Nguồn: ngôisao.net

Cả nhà tôi quây quần quanh mâm cơm trong cơn mưa sầm sập, và không khí oi nồng. Bữa cơm dạo đó chỉ rặt một loại gạo tồn kho, hạt gạo rời rạc, có khi còn thoảng mùi mốc. Thức ăn nhiều khi chỉ có bát canh mồng tơi rau đay nấu suông, một chút tép rang, lạc rang hoặc vài bìa đậu rán, cùng đĩa cà muối sổi chấm với nước mắm dầm ớt rõ cay, hôm nào tươi lắm mới có chút thịt rim mặn hoặc cá rán.

Vậy mà chúng tôi ăn thấy rất ngon. Vậy mà đứa trẻ là tôi vẫn có một cảm giác hạnh phúc ấm áp khó tả, dù mẹ tôi có khi suốt bữa cứ ca cẩm vì mua phải loại gạo mốc “chẳng có chút nhựa nào”. Rồi như vô tình, mẹ kể cho chúng tôi nghe bữa cơm của thợ gặt ngày mùa ra sao. Ấy là mẹ kể lại theo lời của bà ngoại, tức cụ ngoại tôi, chứ mẹ cũng là dân thành phố, sống ở thành phố từ nhỏ có ở quê ngày nào đâu.

Vậy mà mẹ kể hấp dẫn lắm. “Bát cơm của thợ gặt ấy à. Cơm gạo mới thơm phức, cứ vun gọi là đầy có ngọn, như cái đấu ấy. Thức ăn chỉ có tép rang, dưa muối. Vậy mà ăn một loáng là sạch trơn!”. Mẹ kể, còn chúng tôi vừa ăn vừa mắt tròn mắt dẹt nghe, lạ lẫm như chuyện ngày xửa ngày xưa..., dù chẳng hiểu "cái đấu" là cái gì. Rồi mâm cơm của chúng tôi cũng sạch trơn tự lúc nào. Hay mẹ tôi muốn các con được ngon miệng hơn, quên đi cái thứ gạo rời rạc thường gọi là gạo “mậu dịch”…

Nhưng có những thứ của thời xưa ấy, giờ có tiền cũng rất khó tìm ra. Như cái gối bằng bông gạo chẳng hạn. Hoá ra, hằng đêm tôi vẫn gối đầu lên cái gối nho nhỏ nhồi bông gạo mà mẹ mua ở đâu không rõ. Chiếc gối êm ái, mát rượi, đôi chỗ vẫn lợn cợn những hạt bông ở giữa, nhỏ như hạt đỗ đen. Hằng đêm, tôi gối đầu lên chiếc gối, gối đầu lên tình thương của mẹ, mê mải đọc câu truyện cổ tích có ba mẹ con “con Gạo” và “thằng Nhà” chạy trốn bọn phìa, bọn tạo trong rừng sâu…

Còn nhỏ, tôi đã hiểu sự gửi gắm khát khao có gạo ăn, có nhà ở của con người, của nhà văn. Đâu biết, đó còn là khát khao của cả dân tộc mình. Nhưng giờ lớn lên, sao không còn thấy hoa gạo cháy đỏ trời nữa? Nhà cũ của cha mẹ tôi cũng không còn ai ở. Không biết mỗi khi trời giông gió, bông gạo có còn bay trắng xóa cả mắt người nữa không…

Nguồn: Vietnamcayda.com

Nghe tôi kể về tuổi thơ, anh mỉm cười nhìn tôi như đứa em gái nhỏ: “Anh sẽ đưa em đi tìm hoa gạo”. Tôi nhớ, dạo đó là tháng ba, tháng của mùa hoa gạo, mùa trảy hội chùa Hương. Ôi chao, dọc con đường từ suối Yến vào, miên man là hàng cây gạo. Hoa gạo nở đỏ trời.

Những bông hoa như những ngọn nến lớn lập lòe trên cây. Hoa soi cho con người trên đoạn hành trình gập gềnh đến với cửa Phật, với Mẫu Thượng ngàn, trên con đường hướng con người tới cái thiện… Hay hoa soi cho con người nhìn lại chính tâm hồn mình, rọi cả vào những góc u uẩn nhất, nơi những muộn phiền, thất vọng, những buồn đau xưa cũ đang dần quên?

Từ đó, mỗi năm, vào dịp tháng ba hoa gạo nở, anh lại đưa tôi đi tìm, những chuyến đi “vô định”. Dọc đường gặp biết bao loài hoa. Hoa hồng đỏ thẫm, hoa cúc tím ngát, hoa ly thơm nức. Có cả những cánh đồng hoa cải vàng rực, những vạt hoa dại trắng li ti, li ti… Nhưng tôi vẫn mải miết đi tìm những bông hoa của hoài niệm, của ký ức.

Sự ám ảnh và si mê hoa gạo của tôi cũng trở thành nỗi ám ảnh trong anh, khi anh bảo: “Anh và em thi nhau xem ai phát hiện được hoa gạo trước nhé”. Có những chuyến đi, bất ngờ, cây hoa gạo hiện ra trước mắt tôi như tiền định. Có cây, thân gốc sù sì như một người đàn bà từng trải, bản lĩnh và vững chãi. Có cây lại mảnh mai như một thiếu nữ mộng mơ, đang thuở dậy thì. Nhưng dù là đàn bà hay trinh nữ, những cánh hoa gạo đều dầy dặn, đầy sinh khí, đều cháy đỏ, mãnh liệt một tình yêu với trời đất, với sông núi, cỏ cây. Hay với chính nhân gian?

Lại có những chuyến đi mỏi mắt mà chẳng gặp, dù chỉ một cánh hoa. Nhưng bù lại, mới thấy non sông như lụa là, như gấm vóc. Bù lại, mới thấy được biết bao thân phận khổ đau mà mỗi cuộc đời họ như mỗi trang sách hay và bí ẩn mà tôi còn phải đọc, chiêm nghiệm, để hiểu và học. Mới thấy thế gian là dâu bể nhưng sự sống và được sống trong đời vẫn là thú vị, thiêng liêng, là hấp dẫn.

Nguồn: news.vnu.edu.vn

Mới hay, khi cái tình trai gái, cái tình của người nam, người nữ, được xẻ chia với núi sông, với cuộc đời rộng lớn, lại tri kỷ như rễ cây hoa gạo bám chặt vào đất mẹ. Cảm ơn hoa gạo, cảm ơn loài hoa dân dã, dung dị với những nắm bông nhỏ trắng tinh nhẹ như hơi thở, lại mang đến cho tôi nhiều đến thế, giàu có đến thế và “nặng nợ” đến thế. Cả con tim biết đập rộn ràng vì tình yêu, biết đập vì nghĩa đời rộng lớn. Cả tầm nghĩ và mắt nhìn xa hơn…

Năm tháng cứ rộng dài theo đời người. Cái khao khát có gạo, có nhà trong câu chuyện cổ tích thơ bé ngày xửa ngày xưa... tôi từng mải mê đọc, giờ đã thành hiện thực. Đâu đâu cũng có thể bắt gặp những ngôi biệt thự, những căn nhà khang trang, những chung cư hiện đại. Tôi cũng đã có một ngôi nhà riêng, rộng rãi, đẹp đẽ hơn rất nhiều căn nhà nhỏ của mẹ cha. Bữa cơm hàng ngày chỉ một loại gạo dẻo thơm, ngon ngọt như ngọc ngà của trời đất.

Vậy nhưng sao lòng người lại bất an? Không ai đi ngược được thời gian. Khi đã có gạo, có nhà, giờ người ta lại mê mải đọc "cổ tích" thời hiện đại với ước ao: Bao giờ xã hội hết tham nhũng, không còn chuyện chồng giết vợ, con giết cha, không còn chuyện thầy cô xúc phạm, bạo hành học sinh đến chết, không còn chuyện hàng vạn trẻ em thất học... Hoá ra, hạnh phúc hay sự bình yên trong lòng người chỉ thật sự trọn vẹn khi đặt trong hạnh phúc và sự bình yên của đất nước.

Và tôi không hiểu sao, mỗi khi tháng ba về, hay có những đêm hè, ngả đầu lên chiếc gối bông “mút” êm ái, bên ngoài, trời nổi giông gió, tôi bỗng trằn trọc nhớ căn gác nhỏ với ban - công sơn xanh, nhìn ra đền Ngọc Sơn, nơi có những cây gạo sừng sững trước cửa đền, như chứng nhân tuổi thơ tôi, với những chiều bông gạo bay trắng xoá. Bỗng nhớ âm thầm, da diết, những bữa cơm quây quần bên cha mẹ, các chị em, ăn bát cơm gạo “mậu dịch” chan canh mồng tơi rau đay nấu suông, có quả cà muối sổi chấm nước mắm dầm ớt rõ cay… Và cứ thế mà thao thức…

Hoa gạo ơi!...

Kim Dung / Vietnamnet