itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Một nét Tết xưa ai còn nhớ?

Một nét Tết xưa ai còn nhớ?

Nét văn hóa xưa. Ảnh: Tư liệu

Có những phong tục tưởng như rườm rà, nhưng rồi khi lớn lên tôi mới hiểu, mỗi phong tục là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu, những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần tạo nên dòng chảy văn hoá làng Việt xưa và nay.

Tôi chưa đón Tết ở nhiều vùng quê nên không biết có những nơi nào phong tục giống làng quê của mình. Ở quê tôi, ngày 30 Tết, bất luận bận bịu thế nào mọi gia đình vẫn dành thời gian để đi đón "những người khuất núi" về cùng hưởng Tết. Đó là phong tục đẹp, luôn nhớ về cội nguồn, về tổ tiên, và với tôi thật linh thiêng.

Làng tôi là một làng cổ. Bằng chứng được ghi trong những cuốn gia phả của các dòng họ trong làng và có cuốn còn lưu giữ tại thư viên Hán Nôm Quốc gia. Làng được hình thành cách nay khoảng 500 năm (chưa kể cái làng quê cũ ở Thọ Xuân, của Đức vua Lê Lợi, rồi từ đó mấy thanh niên trai tráng là Hà Thiệu, Hà Thọ dám rời bỏ để đi lập làng mới).

Người có công làm rạng danh làng cũng đã 300 - 400 trăm năm rồi. Đó là cụ Nguyễn Hiệu, người đỗ tiến sĩ dưới triều Lê có tên ghi trong Quốc Tử Giám. Cụ làm quan đến chức tể tướng. Con của cụ là Nguyễn Hoàn cũng theo bước cha, đỗ tiến sĩ, là thầy dạy học của chúa Trịnh Sâm sau cũng được phong tể tướng dưới triều Lê - Trịnh.

Và bằng chứng còn được lưu truyền ở ngôn ngữ cổ. Cùng là xứ Thanh, cùng là vùng Triệu Sơn nhưng chỉ có làng tôi và một vài làng có thứ ngôn ngữ đặc trưng. Tôi đã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng ở đâu họ cũng nhận ra cái gốc "ăn rau má..." của mình. Không kể dấu hỏi, dấu ngã cứ gọi là "vô tổ chức", còn có những ngôn ngữ đặc trưng khác, rất "hoài cổ" mà chỉ có làng tôi là "gìn giữ". Này nhé, khi hầu hết ở các vùng quê khác người ta nói là "Nước" và "Lửa" thì ở quê tôi vẫn gọi là "Nác" và "Lả". Tôi đã được đọc bài viết của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng khi ông phân tích về nguồn gốc của giống chim có tên là chim Lạc, thật thú vị lại bắt nguồn từ chữ "Nác" mà ra.

Giáo sư cho biết từ "Nác" là từ rất cổ, ngày nay chỉ còn lại ở một số vùng quê. Chim Lạc (loài chim có trên trống đồng) thực chất là thứ chim ăn trên ruộng "Nác" rất gần gũi với người nông dân. Đó là con cò. Từ "Nác" do người xưa không phân biệt được giữa "N" và "L" nên "chim ăn trên ruộng Nác" mà thành chim Lạc ngày nay chúng ta nói.

Thực hư thế nào tôi cũng không rõ nhưng từ "Nác" quê tôi bây giờ vẫn dùng. Có những từ khác nữa chắc nhiều người khi nghe đều không hiểu. Đó là những từ như: "trốc" (đầu), "trốc cún" (đầu gối), cấu (gạo), lọ (lúa)... thì phải phiên âm người nơi khác nghe mới biết.

Lúc còn nhỏ, cứ vào sáng 30 Tết, bố tôi thường gọi tôi dậy. Hai bố con vác trên vai chiếc cuốc, cầm một bó hương để đi đón "ông bà, ông vải" về ăn Tết. Trong tâm thức mọi người ai cũng nghĩ rằng nếu con cháu không có lời mời thì các cụ sẽ không về.

Nơi yên nghỉ của người khuất núi hoá ra lại trở thành nơi gặp gỡ của những người “trần thế” làng trên xóm dưới, mà do nhiều lẽ trong cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng dễ gặp nhau. Những người quen không chỉ ở trong làng, mà có khi còn ở cả những làng khác. Xưa, khi chôn cất những người nằm xuống người ta phải tìm thế đất để an táng. Chính vì vậy các ngôi mộ thường không tập trung vào một nơi. Các cụ thường chọn nơi nào có thế "sông trước, núi sau" để "táng".

Tảo mộ. Ảnh minh họa: Nguyen

Tôi đã đi thăm đền thờ Trần Hưng Đạo cùng với một "thầy địa lý" trẻ. Anh nói rằng thế đất ở đây rất tuyệt. Đằng trước là hợp lưu của lục đầu giang, đó là nơi "tụ Thuỷ" độc nhất vô nhị. Đằng sau là những ngọn núi của dãy Côn Sơn điệp trùng, nơi tựa lưng rất vững chải, chưa có thế đất nào đẹp bằng nơi đây. Phải chăng, cũng chính vì lẽ đó mà ông cha ta xưa đã tụ họp về đây mở "Hội nghị Diên Hồng".

Bố tôi cũng là người am hiểu về “phong thuỷ”. Cứ mỗi lần đi cùng bố, tôi lại được bố chỉ bảo cho từng thế đất ở quê. Chỗ nào là thế đất đẹp, vì sao lại đẹp… Sau này tôi mới ngộ ra một điều, cứ những nơi có nguồn nước thuận tiện cho việc sinh hoạt, là nơi đấy làng xóm mọc lên. Cho nên nhiều ngôi làng thường ở bên những dòng sông. Và làng tôi cũng vậy, khi có "sông nhà Lê" là có làng.

Lại nói về “sông nhà Lê”. Đó là mạng lưới sông ngòi có từ thời Đức vua Lê Hoàn (tiền Lê) cho đào. Khắp khu vực từ nam Bắc bộ đến miền Trung, hệ thống sông ngòi được nối với nhau đi lại rất thuận tiện. Nó tạo thành mạng lưới giao thông quan trọng, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nước cho sự sống.

Nơi nào có dòng sông chảy qua đất đai trở nên trù phú, cư dân đông đúc. Có sông có núi tạo nên sơn thuỷ hữu tình. Những ngôi làng bên sông bao giờ cũng bốn mùa mát mẻ. Cây cối xanh tươi lại là cỗ máy "điều hoà" cho ngôi làng, và người ta vẫn tin rằng, ở những nơi có thế phong thuỷ tốt, thì “vận” con cháu, dòng họ sẽ “phát”. Người đã khuất được mát mẻ thì người sống cũng hoà thuận, yên vui. Vì vậy khi bà tôi mất, bà được an táng ở chân núi Tía, bên dưới là dòng “sông nhà Lê” chảy qua, cách làng một thôi đường.

Thủ tục "đón” các cụ về cũng thật đơn giản, chủ yếu là cái tình của con cháu. Thường hàng năm đây mới là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần. Ở những nơi khác, tảo mộ là dịp tết Thanh minh "Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" (Kiều). Nhưng quê tôi lại tảo mộ vào dịp Tết. Nhà nào cũng sửa sang mộ phần cho người đã khuất. Sửa sang xong lại đắp một vuông đất mới để sau đó thắp nén nhang và có lời mời người đã khuất về hưởng tết cùng con cháu.

Ngày hội trên quê hương. Ảnh minh họa: Theo diễn đàn Xom Nhiep anh

Có lần tôi hỏi bố về lời khấn người đã khuất. Bố tôi nói cốt ở tấm lòng của mình, không cần cầu kỳ. Ngày xưa các cụ thường khấn bằng ngôn ngữ cổ (chữ nôm hay chữ Hán gì đấy). Bây giờ chỉ cần nói theo ngôn ngữ phổ thông, giống như cúng bái ông bà tổ tiên.

Tôi thường lăng xăng chạy quanh hái những bông hoa dại tím ngắt quanh đấy cắm lên cho ngôi mộ “mặc áo mới” để đón xuân. Có lần bố tôi còn qua ngôi trường làng xin những cành đào đỏ thắm để cắm lên mộ, trước đó, bố thường sai tôi đem đốt một đoạn gốc đào cho cháy đen. Bố bảo như vậy mới để được lâu.

Khi đã "đón" hết những người "muôn năm cũ", cũng là lúc bắt đầu cỗ bàn. Đặc biệt người quê tôi không quên lấy một ít vôi bột rắc thành những cánh cung trước ngõ. Bố tôi nói làm như vậy để trừ tà ma. Sau này tôi mới hiểu, vôi bột cũng là thứ tẩy trùng, làm vệ sinh môi trường rất tốt.

Những ngày tết chúng tôi thường dậy sớm để làm cỗ, thành kính dâng lên ông bà, tiên tổ những gì tinh tuý nhất của làng quê mình. Ngoài mâm cỗ ra, còn có các loại bánh. Tôi vẫn còn nhớ hương vị của bánh chè lam ngày ấy. Thứ bánh làm bằng gạo nếp với mật, và một chút gừng. Gạo nếp phải giã mỏi tay, đến nỗi mấy ngày tết tay thằng bé là tôi còn đau…

Sau những ngày tết, là lễ đưa tiễn. Mẹ tôi bảo cốt nhất là ở sự thành tâm, con cháu có gì thì cứ gửi. Nào là gạo, bánh, nào là những thứ quà tết, sản vật có gì đều đem ra, "trần sao âm vậy", mẹ tôi bảo thế. Mẹ cũng không quên gửi các cụ ít tiền để "qua sông, qua đò", và "chi tiêu" những ngày tiếp theo...

Ôi nét Tết xưa ai còn nhớ? Có những phong tục tưởng như rườm rà, nhưng rồi đến khi lớn lên tôi mới hiểu, mỗi phong tục là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu, những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần tạo nên dòng chảy văn hoá làng Việt xưa và nay.

Theo Đặng Tiến (VietNamNet)