itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Người trong cuộc nói về biểu tình

Người trong cuộc nói về biểu tình

Trả lời Xuân Hồng của BBC về cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc hôm 9.12 vừa qua tại TP HCM, nhạc sĩ Tuấn Khanh, người tham gia cuộc biểu tình, cho rằng người dân sẽ tái tập hợp và sẽ khó ngăn cản điều đó xảy ra.

BBC: Liệu có một thế lực nào đó xúi anh xuống đường phản đối Trung Quốc hay không?

Tuấn Khanh: Hai tuần trước khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra, những người sử dụng các tiện ích trên Internet như blog hay Yahoo Messenger đều nhận được tin nhắn bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc và kêu gọi đi biểu tình.

Mọi người cùng hẹn nhau lúc 9 giờ sáng ở cả đầu Hà Nội và Sài Gòn. Tôi nghĩ họ chọn ngày chủ nhật vì muốn tất cả mọi người cùng tham gia dễ dàng do không phải đi làm.

Tôi và nhiều anh em nghệ sĩ khác cũng có mặt vì tôi nghĩ đó là hành động cần thiết để Trung Quốc biết rằng người Việt Nam cũng có thái độ nhất định sau rất nhiều lần Trung Quốc lấn lướt Việt Nam từ trước tới giờ.

Sự tham gia của tôi cũng như mọi người hoàn toàn tự phát, mang tính cá nhân và không có sự chỉ đạo hay kích động của bất kỳ ai.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bầu không khí ôn hòa. Lực lượng an ninh ở Sài Gòn lúc đầu cũng có phản ứng bởi lẽ họ cũng chưa quen lắm với hình thức tập hợp đông người một cách bất thường ở thành phố, với sự tham gia của thanh niên, trí thức và dân thường, như vậy.

Sau khoảng thời gian ngắn, tin về cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lan tỏa nên không có sự va chạm nào giữa an ninh và những người tham gia. Không khí cuộc biểu tình mỗi lúc một nóng lên.

BBC: Cuộc biểu tình ở TP HCM ‘nóng’ đến mức độ nào, thưa anh?

Tuấn Khanh: Tôi nghĩ đây là thời điểm thanh niên nói lên tiếng nói của họ bởi vì một quốc gia không có nguyên khí mạnh mẽ và lòng yêu nước thực sự thì không thể tồn tại được.

Tôi thấy thanh niên Việt Nam đã chứng minh một điều rất to lớn rằng họ không phải là những người vô dụng và không biết yêu nước.

Hành động của họ mỗi lúc một dâng cao vì thực sự mà nói, trước đây nhà nước vẫn dùng chính sách ngoại giao để cố gắng xoa dịu mối quan hệ giữa hai nước vì một lý do nào đó.

Nhưng những ai sử dụng Internet đều biết rằng Trung Quốc vẫn lấn lướt Việt Nam từ trước đến giờ, và đó là lý do mà tôi cho rằng người Việt Nam vẫn giữ trong mình sự uất ức và đến bây giờ họ mới bộc lộ.

BBC: Một nhân vật chính trị nhà nước có mặt tại cuộc biểu tình ở TP HCM, thưa có đúng không?

Tuấn Khanh: Cuộc biểu tình, meeting hay tụ tập đông người, theo các cách gọi khác nhau, diễn ra mỗi lúc càng gay gắt và càng lúc càng tập trung nhiều người quan tâm. Nhiều người đi đường còn dừng lại và tham gia luôn.

Trước tình hình đó, một số lãnh đạo thành phố bắt đầu lo ngại. Tôi thấy bên thành đoàn có anh Cang, sau đó có Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Tài tới theo dõi.

Nhưng tôi tin họ cũng ghi nhận rằng các thanh niên tham gia có thể quyết liệt trong ngôn ngữ và hành động nhưng động thái thì rất ôn hòa nhằm chứng tỏ cho Trung Quốc thấy cần phải xem lại hành động.

Tôi đã thuyết phục rất nhiều người rằng hãy kết thúc cuộc biểu tình một cách có ích, và tốt nhất là hãy đi gặp người lãnh đạo đang có mặt, nhờ ông Nguyễn Thành Tài chuyển tiếng nói và ý kiến của thanh niên và những người có mặt cho Lãnh sự quán Trung Quốc.

Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác của ông Tài. Ông Tài sau đó còn đối thoại với thanh niên. Đó là điều độc đáo và chưa từng xảy ra như vậy.

BBC: Anh nghĩ sao khi phát ngôn viên Lê Dũng nói rằng đó là cuộc biểu tình tự phát và cần phải chấm dứt?

Tuấn Khanh: Theo tôi, có hai cách nhận định về phát ngôn của ông Lê Dũng. Nếu xét về khía cạnh nhà nước, rõ ràng bất kỳ một cuộc biểu tình nào mà không xin phép trước thì được coi là không hợp lệ. Nhưng theo tôi, những quy định đó chỉ ứng dụng trong các vấn đề liên quan tới an ninh xã hội, trật tự giao thông.

Còn trong bối cảnh này, khuynh hướng lớn nhất của thanh niên là thể hiện lòng yêu nước và chính nghĩa. Tôi nghĩ bản thân các nhà lãnh đạo thành phố cũng cảm thấy rằng không thể ngăn chặn được làn sóng đó.

Về phát ngôn của ông Dũng, tôi nghĩ nhà nước không phải nói với dân chúng, mà cho Trung Quốc biết rằng không phải nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc biểu tình này. Đó là cuộc biểu tình tự phát, và hai quốc gia vẫn tiếp tục hòa giải vấn đề đó.

Còn đối với cộng đồng mạng, họ thực sự cảm thấy xúc phạm, vì ở một xã hội dân chủ mà Việt Nam đang hướng tới, theo tôi, việc tập hợp bày tỏ chính kiến vì quyền lợi quốc gia là điều chính đáng. Tôi nghĩ người dân sẽ tiếp tục tái tập hợp và khó ngăn cản điều đó xảy ra.