itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Gắn chíp, gấu vẫn... lên mâm

Gắn chíp, gấu vẫn... lên mâm

Trại gấu An Cảnh ở Hà Tây

Theo quy định, gấu đã gắn chíp thì chủ trang trại phải nuôi chúng đến trọn đời, cấm việc buôn bán, giết mổ. Nhưng hiện nay, khi giá mật gấu rớt thảm hại thì các chủ trại lại tìm cách đẩy chúng ra khỏi nhà, lén lút mua bán trôi nổi, sang tay cho nhiều người, thậm chí cho không, giết mổ...

Chíp... mặc chíp

Cuối tháng 9-2007 vừa qua, tại huyện Yên Hưng và TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Cục Cảnh sát môi trường bắt được một vụ vận chuyển và nuôi nhốt gấu trái phép quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Trong số 281 con gấu được nuôi nhốt tại 6 trang trại của các công ty kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn… có tới 80 con gấu (trọng lượng nhỏ nhất là 50kg, lớn nhất là 200kg) không hề có chíp điện tử, có thể coi là vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý gấu nuôi.

Đặc biệt, chủ của các trang trại còn khai nhận, hàng trăm con gấu kể trên được mua về từ các trang trại gấu ở Hà Nội và Hà Tây. Phóng viên Báo SGGP 12 Giờ đã tìm về “trung tâm nuôi nhốt gấu” lớn nhất cả miền Bắc - làng Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Tây) để điều tra.
Quả đúng như vậy. Ông Nguyễn Quốc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, thừa nhận cách đây 2 tháng, ở làng này vẫn còn hơn 400 con gấu được nuôi nhốt trong các gia đình. Tuy nhiên, do giá mật rớt thê thảm, chỉ còn 20.000 đồng/cc, nên chỉ trong vài tuần, hàng trăm con gấu đã được chủ trại, chủ hộ nhanh tay cho, bán, giết mổ để cứu lại vốn liếng.

Trong đó, theo ông Lý, phần lớn gấu trong làng đã được đưa xuôi Hải Phòng và Quảng Ninh để bán lại cho các chủ trại. Đến giữa tháng 10-2007, cả làng Phụng Thượng chỉ còn lại khoảng 90 con gấu ngựa, nằm rải rác trong một vài trang trại.
Trong khi đó, theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), để chấm dứt thực trạng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt và khai thác mật trái phép đối với gấu rừng, từ tháng 8-2005, Bộ NN-PTNT đã tiến hành việc gắn chíp điện tử cho gấu nuôi trên cả nước. Mỗi chíp điện tử giống như một “chứng minh thư” của gấu, qua đó cơ quan chức năng có thể theo dõi được lai lịch, địa điểm của từng con gấu.

Theo đó, cả nước đã gắn chíp cho 4.349 con gấu. Đến ngày 31-12-2006 là thời hạn chót để chấm dứt việc gắn chíp và đăng ký cho gấu nuôi trên phạm vi cả nước. Sau ngày 31-12-2006, bất cứ con gấu nào phát sinh (không có chíp) đều không được nhà nước thừa nhận và bị coi là bất hợp pháp.
Sau đó, Bộ NN-PTNT cũng ban hành ngay một quy chế quản lý gấu nuôi. Trong đó quy định chủ nuôi gấu được gắn chíp phải có trách nhiệm nuôi, chăm sóc gấu đến trọn đời. Nếu gấu con được sinh ra từ gấu mẹ đã gắn chíp thì chỉ được phép nuôi trong 1 năm, sau đó nhà nước sẽ giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã.
Đặc biệt, quy chế cũng nêu rõ cấm hoạt động mua bán gấu (kể cả đã được gắn chíp) và không cho phép giết mổ, khai thác, kinh doanh các bộ phận thuộc cơ thể gấu. Nếu chủ nuôi gấu cần di chuyển gấu ra khỏi tỉnh, thành phố thì phải được chi cục kiểm lâm cấp giấy xác nhận đặc biệt mới được di chuyển.
Bộ NN-PTNT tin tưởng rằng bằng việc gắn chíp điện tử vào cơ thể gấu và đưa gấu vào danh sách nuôi để quản lý thì sẽ chấm dứt được thực trạng buôn bán, giết mổ, hút chích mật gấu tự do, thô bạo. Thế nhưng...

Bán gấu như bán heo!

Những chú gấu nằm âu sầu, mệt mỏi trong những lồng sắt ngột ngạt

Thực trạng hàng trăm con gấu ở Phụng Thượng (Hà Tây) đã và đang được trói lại, lén lút vận chuyển xuống “tập kết” ở Hải Phòng, Quảng Ninh đã chứng minh cho tính bất khả thi của việc gắn chíp điện tử nhưng sau đó lại buông lỏng quản lý. Bởi vì, phần lớn các chủ trại đã “sang tay”, “chuyển nhượng” gấu cho người khác đều cho rằng, gấu của họ đã được nhà nước gắn chíp, tức là thừa nhận việc nuôi nhốt gấu là hợp pháp nên họ cũng có quyền bán gấu cho chủ trại khác.

Phía các công ty, nhà hàng ở Hải Phòng, Quảng Ninh cũng cho rằng, gấu đã được gắn chíp là hợp pháp, giống như đất có “sổ đỏ” thì có quyền được “chuyển nhượng”. Bằng chứng là 6 chủ trang trại gấu ở Quảng Ninh bị phát hiện nuôi giữ trái phép 281 con gấu đều cho biết họ “thu gom” hàng trăm gấu trên từ 14 chủ trại khác ở nhiều tỉnh khác nhau, là gấu trôi nổi trên thị trường. Điều đó cho thấy gấu đang bị buôn bán tự do như heo, chó.

Việc buôn bán, sang tay giữa các chủ trại hiện nay không chỉ chuyển nhượng thuần túy mà sau đó, các chủ sở hữu mới đã dùng gấu vào mục đích kinh doanh thô bạo hơn. Đối với những con gấu còn tuổi đời cung cấp mật thì giữ lại tiếp tục rút mật để bán cho khách. Những con gấu già, đã vắt gần như cạn mật, thì bị giết mổ để phục vụ khách du lịch hoặc làm “gia vị” cho các lò cao hổ.
Ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh), chủ trại chỉ cho gấu ăn rau xanh, bí ngô, cám heo. Còn ở Phụng Thượng (Hà Tây), người ta bớt khẩu phần ăn thông thường của gấu từ 40.000 đồng xuống chỉ còn 8.000-10.000 đồng/ngày. Khi gấu chết, chỉ cần báo kiểm lâm là gấu ốm chết, xuống kiểm tra, xác nhận là xong.
Còn riêng 80 con gấu hoang không có chíp điện tử ở Quảng Ninh, dư luận cho rằng đây có thể là gấu được buôn bán từ nước ngoài về Việt Nam. Bởi đến thời điểm này, ở Việt Nam rất ít khả năng gấu mẹ sinh sản. Ông Hoàng Xuân Trinh, Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Cục Kiểm lâm, cho rằng cần phải tịch thu tang vật và xử lý hình sự những đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vụ 80 con gấu không có chíp này như một bằng chứng khẳng định: Mặc dù đã triển khai gắn chíp để ngăn chặn nhưng tình trạng buôn bán trái phép gấu rừng vẫn không giảm. Tình trạng trên sẽ chẳng bao giờ chấm dứt nếu trách nhiệm của 2 cơ quan kiểm lâm và hải quan không được làm rõ.

Văn Phúc Hậu