itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Vụ sập toà nhà Viện KHXH vùng Nam Bộ: Có quá nhiều điều khó hiểu!

Vụ sập toà nhà Viện KHXH vùng Nam Bộ: Có quá nhiều điều khó hiểu!

Toà nhà Viện KH&XH vùng Nam Bộ

(LĐ) - Mặc dù hiện nay, công trình xây dựng toà nhà Pacific (tại số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) đã bị đình chỉ thi công, thế nhưng xung quanh việc chủ đầu tư toà nhà này xây dựng lố đến... 3 tầng hầm mà các cơ quan chức năng không có phản ứng gì khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi đằng sau việc này là gì?

Bên cạnh đó, ngoài việc làm sập toà nhà của Viện KHXH vùng Nam Bộ, liệu công trình này có còn tiếp tục ảnh hưởng đến 2 tuyến đường liền kề là Pasteur và Nguyễn Thị Minh Khai?

Vì sao không đình chỉ thi công sớm hơn?
Như báo Lao Động đã có bài phản ánh trong các số 235 - 236 ra ngày 9 - 10.10.2007, phần hầm của công trình Pacific đã xây dựng sai với giấy phép. Giấy phép xây dựng do Phó GĐ Sở Xây dựng thành phố Lê Quang Trung ký ngày 11.1.2005, chỉ cho xây dựng phần hầm sâu 11m với 3 tầng hầm, thế nhưng thực tế chủ đầu tư đã cho tiến hành xây dựng sâu đến 21m với 6 tầng hầm.
Lẽ ra, với những hành vi vi phạm xây dựng như vậy đã đủ cơ sở cho Đội quản lý trật tự đô thị quận 1, Thanh tra Sở Xây dựng (trực thuộc Sở Xây dựng) ra quyết định buộc chủ đầu tư đình chỉ thi công công trình. Thế nhưng, việc đình chỉ công trình xây dựng sai phép đã không xảy ra.
Trên thực tế, công trình Pacific đã 2 lần bị đình chỉ thi công một phần. Tuy nhiên, các lần đình chỉ công trình xây dựng này chỉ được tiến hành khi có khiếu nại của Viện KHXH vùng Nam Bộ khi công trình này gây ảnh hưởng đến toà nhà của Viện KHXH vùng Nam Bộ. Sau đó, chủ đầu tư công trình Pacific đã nhanh chóng khắc phục sự cố gây ra và Viện KHXH vùng Nam Bộ đã... có văn bản bãi nại nên chủ đầu tư công trình này nhanh chóng nối lại việc thi công.

Vì vậy, có thể khẳng định các lần đình chỉ một phần thi công công trình Pacific không xuất phát từ việc chủ đầu tư xây dựng sai phép. Vấn đề đặt ra, một công trình lớn như vậy mà xây dựng sai phép một cách nghiêm trọng, thế nhưng vẫn qua được mắt của các cơ quan quản lý xây dựng trên địa bàn và cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng là một việc khó hiểu.
Nguy cơ ảnh hưởng đến 2 tuyến đường
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự an toàn của 2 tuyến đường tiếp giáp công trình toà nhà Pacific là Nguyễn Thị Minh Khai và Pasteur. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác vì sao toà nhà của Viện KHXH bị đổ sập, nhưng các chuyên gia phỏng đoán là do hiện tượng chạy đất.
Khi hiện tượng chạy đất diễn ra, đất dưới chân toà nhà Viện KHXH vùng Nam Bộ chạy sang công trình Pacific, khiến cho toà nhà không còn điểm tựa dẫn đến tự sụp đổ. Cũng theo các chuyên gia, nếu nguyên nhân gây ra sụp đổ của toà nhà Viện KHXH vùng Nam Bộ là do hiện tượng chạy đất thì có cơ sở để lo ngại về sự an toàn của 2 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và Pasteur.
Cả hai tuyến đường này đều nằm trong bán kính chưa đến 100m tính từ chân công trình toà nhà Pacific. Nếu hiện tượng chạy đất tiếp tục diễn ra thì nguy cơ 2 tuyến đường này bị trống chân là rất lớn. Cả hai tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và Pasteur đều là các trục giao thông quan trọng, gánh một lượng phương tiện giao thông khổng lồ. Với một áp lực bề mặt lớn cộng thêm bên dưới bị rỗng có thể dẫn đến việc cả 2 tuyến đường cũng sẽ bị sập như toà nhà của Viện KHXH vùng Nam Bộ.

Ông Lê Thanh Sang - Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ: 

"Thiệt hại về tài sản vô hình là không thể kể hết"

Ngày 11.10, ông Lê Thanh Sang cho biết:"Chúng tôi cần giải quyết 2 nhiệm vụ hiện nay là đảm bảo công tác cứu hộ những tài sản (bao gồm tài liệu, hồ sơ, công văn, sách vở quý, sổ sách tài chính…) còn có thể cứu được và duy trì hoạt động tối thiểu của viện. Tuy vậy, tình cảnh hiện nay khá căng thẳng: Một khu nhà đã bị sập, phần còn lại bị nứt lún, không sử dụng được.

Phần lớn trang thiết bị, máy móc phục vụ cho nghiên cứu khoa học đã bị hư hỏng nặng. Hiện chúng tôi chưa thể thống kê được mức thiệt hại là bao nhiêu, nhưng mức thiệt hại lớn nhất chính là thất thoát tài sản vô hình, công sức của viện gây dựng lâu nay. Hầu hết hồ sơ, chứng từ, tài liệu nghiên cứu... bị chôn vùi dưới đống đổ nát, khó khôi phục lại".

M.T ghi