itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Lũ lịch sử gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Lũ lịch sử gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Trường học tan hoang

Sau 4 ngày hoành hành, mưa lũ ở Bắc và Trung Bộ đã làm 52 người chết, 13 người mất tích, hơn 100 người bị thương, hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu mất trắng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, trong số 9 tỉnh bị ảnh hưởng của lũ, Nghệ An là tỉnh thiệt hại nặng nhất về người với 21 người chết và 3 người mất tích, Thừa Thiên Huế thiệt hại nhẹ nhất với 1 người mất tích.

Chỉ riêng tâm bão Kỳ Anh, Hà Tĩnh ước thiệt hại 360 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An cũng cho biết, thiệt hại sơ bộ khoảng 300 tỷ đồng

Toàn bộ dân ở khu vực bãi sông Chu, sông Mã (Thanh Hóa) đã dời nơi sơ tán, trở về dựng lại nhà cửa. Việc vệ sinh, sửa chữa trường lớp, bàn ghế tại hầu hết các xã (trừ 3 xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thành) đều đã hoàn tất. Công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đang được tiến hành.

Người dân Thanh Hóa nhận hàng cứu trợ

Ách tắc trên các tuyến quốc lộ 47, 217, 15A, tỉnh lộ 520, tuyến Thường Xuân - Bát Mọt, đường Mục Sơn, Cửa Đạt và phần lớn các tuyến đường khác đều đã được giải tỏa. Hệ thống đê bị hư hỏng nặng đang được khắc phục để đối phó với các đợt lũ bão mới.

Ngoài việc khắc phục thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, Thanh Hóa đã xuất kho gần 260.000 gói mì tôm và 5 tấn lương khô cấp cho các huyện bị thiệt hại. Mỗi gia đình có người chết được hỗ trợ 5 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng và cấp gạo cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ trong 3 tháng, mỗi tháng 10 kg/người.

Theo Ban chỉ huy PCLB Nghệ An, toàn tỉnh có 22 người chết, 3 người mất tích, 13 người bị thương, 36 nhà đổ sập, gần 5.000 nhà chìm trong nước, gần 1.000 nhà tốc mái, gần 40.000 ha lúa và hoa màu mất trắng. .

Sau khi nước rút, Nghệ An khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng giải phóng các tuyến đường bị đất sạt, bùn lấp. Dù đã cơ bản thông xe được các tuyến quốc lộ 7 và 48 nhưng một số đoạn tuyến quốc lộ 48 và các đường tỉnh lộ còn đang bị ách tắc. Các đường ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, vùng ven sông Cả... vẫn bị ách tắc giao thông cục bộ.

Trường học ở Nậm Giải bị lũ lạt sạt lở

Danh tính những người mất tích đang tiếp tục được xác định. Việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh, khôi phục thông tin liên lạc, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; khơi thông dòng chảy, tiêu úng đang được tiến hành. Tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi, sập, tốc mái, hư hỏng và giúp nhân dân tiến hành sản xuất vụ đông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hành cho biết, tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 4 triệu đồng, 1 triệu đồng cho người bị thương. Nhà bị lũ cuốn được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhà bị sập 5 triệu đồng. Mỗi học sinh vùng lũ được hỗ trợ 300.000 đồng mua sách, vở, bút, giấy...

Nghệ An đã xuất 1,5 tỷ đồng hỗ trợ một huyện bị ảnh hưởng của bão, trong đó Quế Phong được nhận 300 triệu đồng. Huyện này cũng được Quân khu 4 tiếp tế 2 tấn mì tôm và 2 tấn gạo.

Tuy nhiên, do nước rút chậm và bị tàn phá nặng nên học sinh ở hơn 150 trường của Nghệ An vẫn chưa thể đến trường. Trường học tại 48 xã bị ngập nặng ở Quế phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ đang bị bùn đất vùi lấp.

Một đoạn đường 48 ở Nghệ An bị sạt lở

Lũ đang dần rút xuống, Ninh Bình, nơi có 4 người thiệt mạng đang tiến hành vệ sinh môi trường. Sau 2 ngày phát động phong trào ủng hộ đồng bào ở vùng chậm lũ Nho Quan và Gia Viễn, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã nhận được 300 triệu đồng. Sở Y tế đã hỗ trợ thuốc cảm cúm, đường ruột, kháng sinh, sát trùng da, khử khuẩn, làm trong nước...

Tại Hòa Bình, đã có 1.800 người dân sơ tán trở về nhà và hiện chỉ còn 61 người phải ngủ trong các công trình công cộng. Tỉnh đã xuất 10 tỷ đồng từ nguồn dự trữ để khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Hiện toàn tỉnh có 12 người chết và 2 người mất tích.

Hà Tĩnh ước tính, thiệt hại ở Tâm bão Kỳ Anh lên tới hơn 360 tỷ đồng. Cùng với khoản hỗ trợ 300 triệu đồng của TP HCM và 5.000 tấm lợp của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Kỳ Anh đã trích ngân sách hơn 100 triệu đồng và 19 tấn gạo giúp người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo bà con chuyển sang trồng ngô, khoai, rau để chống đói trước mắt.

Tiến Dũng