itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hà Nội “Sốt” đèn trời

Hà Nội “Sốt” đèn trời

Đèn trời được thả ở sân Mỹ Đình (Hà Nội)

Cứ vào các tối thứ bảy, chủ nhật, trên bầu trời thủ đô lại xuất hiện những “vật thể lạ” bay lơ lửng. Đó là những chiếc đèn trời mang nhiều thông điệp và mơ ước, được giới trẻ thả vào màn đêm. Thả đèn trời đang bắt đầu trở thành một thú chơi giàu màu sắc lễ hội, mang tính cộng động, cuốn hút sự tham gia của nhiều người dân.

  • Sống lại lễ hội đèn trời

Trước đây, thả đèn trời chỉ xuất hiện mỗi năm 1 lần trong những lễ hội dân gian ở

một vài làng thuộc Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình. Đến năm 2006, những chiếc đèn trời được một nhóm cổ động viên bóng đá ở Hà Nội lặn lội về tận Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đặt làm để mang về sân vận động Mỹ Đình thả nhằm cổ vũ cho tuyển Việt Nam.

Đến đầu năm 2007, số cổ động viên sử dụng đèn trời để thả mỗi khi có tuyển Việt Nam ra quân tại sân vận động Mỹ Đình bắt đầu nhiều hơn. Cùng với bóng bay, pháo sáng thì sự xuất hiện của những chiếc đèn trời lạ mắt, sinh động, với những khẩu hiệu về tuyển Việt Nam như “Việt Nam vô địch”, “Việt Nam cố lên” được gửi gắm, thả lên trời đã làm cho người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu say mê, bị lôi cuốn.

Sau đó, không chỉ những đêm đặc biệt như tuyển Việt Nam ra sân, Tết thiếu nhi, Tết hàn thực, ngày xá tội vong nhân… mà vào những đêm cuối tuần đẹp trời, lặng gió, từng tốp học sinh, sinh viên, từng đôi trai gái cũng rủ nhau về các “bến tình yêu” nổi tiếng của Hà Nội như khu Hàn Quốc, đường Nhật Bản, đường Thanh Niên, hồ Trúc Bạch, công viên nước Hồ Tây, bãi sông Hồng, sân Mỹ Đình, cầu Long Biên… để thả đèn trời. Mỗi chiếc đèn trời bằng giấy trước khi thắp được viết lên những dòng chữ, những câu thề, ước mơ, kỷ niệm… của đôi trai gái, nhóm bạn trẻ rồi thả lên theo gió, trôi bồng bềnh giữa không gian.

Tuy nhiên, “cơn sốt” đèn trời chỉ thực sự bùng lên từ mùa Trung thu vừa qua. Một cảnh tượng chưa từng thấy ở thủ đô, mặc dù trời mưa nhưng hàng ngàn chiếc đèn lấp lánh bay lơ lửng trên bầu trời đêm Hà Nội, tỏa ra khắp khu quảng trường sân vận động Mỹ Đình. Những tiếng vỗ tay, reo hò. Những ánh mắt đầy ước mơ, hoài cảm.

Hơn 1 tuần sau, vào đêm 4-10, cũng tại khu vực Mỹ Đình, ngay khi trời vừa tạnh mưa, lại thêm hàng ngàn chiếc đèn trời bay lên nhằm tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ, khiến khu quảng trường Mỹ Đình biến thành một trời lung linh “sao sa”. Sự kiện độc đáo trên đã thu hút hàng ngàn người dân Hà Nội, trong đó đa số là giới trẻ. Đèn trời được bán với giá chỉ 10.000-12.000-15.000đ/chiếc.

  • Đèn trời lên mạng

Nhiều người Hà Nội đến xem tỏ ra rất thú vị, bởi lần đầu tiên ở Hà Nội diễn ra một lễ hội thả đèn trời. “Tôi không biết thả đèn trời chỉ ngắm và gửi điều ước theo chiếc đèn trời bay lên thôi”, bạn Lê Quang Thành, sinh viên khoa Mỏ-Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, chia sẻ.

Vì sao từ một loại hình nghệ thuật dân gian bị lãng quên từ nhiều năm ở làng quê, giờ đây đèn trời lại được sống lại giữa Hà Nội và được bạn trẻ đua nhau hưởng ứng? Phùng Thanh Vinh, 22 tuổi, ở Hàng Gà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Càng chơi đèn trời, càng thấy mê.

Bởi việc thả đèn trời không chỉ tạo ra một cảnh đẹp lung linh, huyền ảo mà còn là cách để thể hiện đời sống tâm linh của mỗi người”. Còn Trần Thị Mỹ Hằng, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại thương, giãi bày: “Thật thú vị khi được viết lên chiếc đèn những điều mơ ước của mình rồi thả nó lên trời. Đó cũng là lý do mà ngay khi cơn sốt đèn trời xuất hiện đã được giới trẻ đón nhận”.

“Cơn sốt” đèn trời còn nóng bỏng tới mức, hơn 1 tuần qua, trên diễn đàn mạng, cộng đồng chatter và blogger liên tục nổ ra những cuộc bàn luận, tranh luận rất xôm tụ, ồn ào xung quanh chuyện chiếc đèn trời.

Được biết, sự kiện lễ hội thả đèn trời để cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ đêm 4-10 vừa qua chỉ được hình thành một cách rất đơn giản thông qua mẩu tin nhắn gửi từ chatter này sang chatter khác qua hệ thống Yahoo Messenger nhưng lập tức đã thu hút hàng ngàn người về sân Mỹ Đình.

Hiện nhiều chatter, blogger vẫn đang tiếp tục “vận động” tổ chức những lễ hội thả đèn trời với quy mô hoành tráng hơn, nhằm tạo kỷ lục về số lượng đèn được thả so với những kỷ lục đã tạo ra. Đặc biệt, trong cộng đồng mạng còn xuất hiện cả một trang web chuyên về đèn trời: www.dentroi.com để kinh doanh, phục vụ đèn trời cho cơn sốt đèn trời ngày càng lan rộng.

Vì sao gọi là đèn trời? 

Gọi là đèn trời bởi khi đốt, đèn bay lên trời, có thể bay cao 1km và bay xa 5-10km. Thi đốt đèn trời bắt nguồn từ ước vọng của con người mong cho cuộc sống trường tồn. Thi đốt đèn trời trong ngày Tết, ngày lễ còn có hàm ý tâm linh xua đuổi bóng đêm và ma quỷ. Người ta quan niệm rằng người thắng trong cuộc thi sẽ được may mắn cả năm.
Thi thả đèn trời là một lễ hội (đã được ghi chép từ năm 1900 trong sách “Thái Bình phong vật chí”) được tổ chức ở xã Trình Phố (nay thuộc xã An Ninh và Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Lệ đặt ra là phải làm đèn bằng cái sọt to, dán giấy kín xung quanh, hở phía dưới còn bên trong đặt bát mỡ có bấc để đốt. Khi đèn được đốt sẽ tự bay lên. Đèn nhà nào bay cao nhất mà không bị cháy là thắng cuộc. Sách còn cho rằng lệ thi đèn này có nguồn gốc từ phép treo đèn của Khổng Minh đời Tam Quốc bên Trung Quốc. Trước đây, hàng năm hội thi đèn trời được tổ chức ở các xã như Đông Quang, Đông La, Đông Á, Đông Dương (huyện Đông Hưng), An Ấp, An Khê, Quỳnh Nguyên, Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Phụ), Thái Giang (huyện Thái Thụy), Quang Bình, Quang Trung (huyện Kiến Xương) của tỉnh Thái Bình.

VĂN PHÚC HẬU