itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Chân dung lao động nhập cư: Bài 2: Đời bán rong

Chân dung lao động nhập cư: Bài 2: Đời bán rong

Giờ ra đường là gặp những người bán rong, họ từ các tỉnh đổ về. Mỗi người đều mang theo “thương hiệu” vùng miền: Bán bắp – Hà Tây, nhặt rác – Vĩnh Phúc, bánh tráng trộn – Bình Định, vé số – Quảng Ngãi, hoa quả – Nam Định. Họ gánh theo những nỗi khổ trong nghề vì mưu sinh, kiếm sống, miễn là dành dụm được ít tiền gửi về quê nhà cho gia đình.

Ngày cũng như đêm

Nghề bán vé số, bánh tráng trộn, hoa quả... còn có thời gian về nghỉ ngơi, còn cái nghề bán bắp thì “đảo pha sinh học”, đêm nào đặt lưng cũng 3 đến 4g sáng trong những căn phòng hôi rình, than củi vây quanh, 6g phải dậy rửa nồi đặt bếp, nhóm lửa, rồi đi chợ nấu ăn trưa... 1 – 2g trưa là đội nắng, đội mưa phân ra các ngả đường kiếm sống.

“Lúc nào đi lấy hàng về bán?”. Một chị trả lời: “Ngày trước đi lấy hàng ở tận ngã ba Bầu – Hóc Môn, sau này ở xóm có giao một người chuyên đi lấy bắp bán lại, có người muốn tự đi lấy cho được giá gốc, trực đến sáng mới có hàng về, chẳng bỏ tiền thuốc ốm mấy ngày không đi bán được…”.

Bác Tháp, người chuyên đi lấy hàng, kể: Đã vào đây hơn 10 năm, ban đầu cũng đi bán bắp, rồi thấy việc lấy bắp và bán bắp khổ quá mọi người bàn giao cho bác lo khoản chuyên đi lấy hàng từ tép khô, bơ đến bắp… Bác gom góp lại, vay của mọi người được 7 triệu mua xe gác máy, thế là lên đời “chủ” được 3 năm nay. Lời chẳng là bao, chỉ lấy công làm lãi, mỗi bận sửa xe toàn tiền triệu. Hai mẹ con đi ngã ba Bầu lấy hàng bất kể ngày đêm, có hôm nửa đêm, có hôm 3 – 4g sáng, ngủ vật vạ, mưa gió, ốm đau cũng đi để người ở nhà có hàng đi bán. Gặp đợt hiếm hàng, tranh giành nhau chẳng được đành về tay không.

Thời buổi thóc cao gạo kém, bắp khoai sắn cũng leo thang đến chóng mặt. Bắp được phân thành 7 loại, cao nhất giá 23.000đ/15 bắp, thấp nhất giá 15000đ/15 bắp nên đi lấy hàng không cẩn thận là… âm. “Đứa nào quên không báo cắt hàng coi như hôm đó bù lỗ”, bác nói. Theo bác đến ấp Đông (Thới Tam Thôn, Hóc Môn) đi lấy bắp mới thấy mỗi đồng cắc nó quý giá biết bao. Bác trả tiền hàng hôm trước khoảng 800 ngàn mà đủ các loại tiền chìa ra, từ đồng xu 500 đến tiền polymer 100.000 có mấy tờ, đổ cả ra đất đếm.

Ngoài trời đổ mưa rả rích, “bãi” đổ bắp là 3 gian phòng thông nhau, lợp lá và cột kèo, dăm ba người cũng đến lấy hàng, người ngồi, người nằm trên võng kể cho nhau nghe về chủ nhà trọ và khen chê đủ cả. Góc nhà lách cách tiếng quân cờ đập xuống chan chát của những bàn tay “rỉ sét” - họ cũng đang đợi hàng về... Ngồi bên bác dõi nhìn ra xa phía chân trời xám ngoét, tối sầm, nghe tiếng thở dài bên tai: “Khổ mấy cũng chịu được chứ sắp tới cấm xe ba gác thì biết làm sao?”...

Gặp “ma” giữa đường

Thành phố về đêm nhộp nhịp với các vũ trường, quán bar, nhà hàng và với lũ lượt những xe hàng rong bán bắp của những phận xa quê. Thời điểm đắt hàng nhất là từ 10g đêm đến 2g sáng. Để kiếm được ba đồng lời từ mỗi trái bắp, chưa kể công sức, than củi… mỗi ngày giỏi lắm kiếm được 30.000đ đến 40.000đ nhưng họ luôn chịu nguy hiểm rình rập, “đón lõng” trên đường từ những kẻ ma cô, nghiện ngập.

Chị Năm, quê ở Hà Tây, cho biết: “Ở phòng bên có chị Lan mới bị bọn cướp bảy đứa, lúc 1g đêm giả vờ gọi bắp, tiến lại “ xin đểu”. Không đưa, chúng xúm lại quăng đồ, đánh rồi lấy được bảy trăm ngàn mới thôi… Về đến nhà máu me bê bết, chậm tí là chết”. Đa phần những người bán bắp về đêm đã hơn một lần bị trấn lột kiểu như vậy. Uất ức và cực khổ lắm nhưng không dám báo công an, vì “quá lắm thì chúng tù mấy ngày được ra chúng trả thù mình thì còn nguy hiểm hơn”.

Đến như chị Hoa, tuần trước bị nó trấn lột mất triệu rưỡi, tiếc của đỏ cả mắt mà không làm được gì. “Tôi nào có nhiều tiền đâu, hôm đó gặp mấy người trả tiền nợ bữa trước. Ai ngờ lúc 12g đêm, có một đứa con gái gọi mua bắp rồi đứa khác kề dao vào cổ đòi tiền, chúng móc được triệu rưỡi rồi còn hăm dọa nếu báo công an sẽ bị giết”. Thế là hết sạch số tiền chị định gửi về quê cho hai đứa con. Sự việc xảy ra ở gần bờ kè Nhiêu Lộc…

Khổ nọ chồng lên nỗi khổ kia, đói nghèo vẫn bủa vây, họ chấp nhận chịu đựng vì đa phần là những nông dân, đã 2/3 cuộc đời ôm lấy gốc lúa, gánh phân chỉ trông chờ vào mỗi chiếc xe đẩy bán hàng rong như một tia sáng le lói dưới đường hầm tối tăm của sự đói nghèo, khốn khó. Mỗi con chữ của các con ở quê nhà sinh ra từ những giọt mồ hôi, từ mùi “lam lũ” ám trên áo quần, trên tóc, trên mỗi kẽ tay cáu bẩn. thế hệ tiếp nối lớn lên từ đó….

NGÔ DUNG