itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Xói, lở sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Nguy cơ sạt lở vẫn rất cao

Xói, lở sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Nguy cơ sạt lở vẫn rất cao

Những ngôi nhà bị sập vì xói lở

(LĐ) - Ngày 11.10, tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao mỗi khi nước sông Hồng rút sau lũ. Hiện tại, chính quyền địa phương đang nỗ lực ổn định chỗ ở cho những hộ dân di dời khỏi khu vực bị sạt lở.

Nhiều người chịu cảnh mất nhà
Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên có 38 tổ dân phố thì trong đó có 11 tổ dân phố nằm ngoài đê sông Hồng hoặc khu đất bồi của sông Hồng và sông Đuống. Khu vực sạt lở mạnh nhất nằm ở tổ 2 Yên Tân. Bắt đầu từ ngày 5.10, hiện tượng sạt lở bắt đầu xuất hiện tại một số hộ.

Chính quyền UBND phường Ngọc Thụy đã thực hiện di dời 5 hộ nằm trong khu vực bị sạt lở cao nhất. Biểu hiện đầu tiên là sập nhà bà Nguyễn Thị Hồng, sau đó các gia đình Nguyễn Minh Sơn, Phạm Ngọc Huỳnh, Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Lôi Vũ, Trần Hồng Quang, Đỗ Văn Nhượng, Nguyễn Văn Thuận, Dương Thị Kim Thu... lần lượt xuất hiện tình trạng sạt lở.
Liên tục trong các ngày từ 5 - 11.10, hiện tượng sạt lở lấn dần đến nay ngoài nhà bà Hồng bị sập hoàn toàn các nhà nghiêng 45 độ nguy hiểm phải kể tới nhà anh Chấn, chị Phai. Nhiều người dân nơi đây kể lại, chỉ sau một đêm, nhiều gia đình chịu cảnh mất sân, mất nhà vì đất lở quá nhanh.
Trước nguy cơ này, UBND phường đã huy động lực lượng dân phòng, công an tiến hành di dời các hộ nguy hiểm. Ông Nguyễn Nam Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy - cho biết: "Thống kê ban đầu khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 11 hộ với 40 nhân khẩu. Chúng tôi đã lên phương án di dời từ trước khi có hiện tượng lở đất diễn ra, nhưng đến này toàn bộ số hộ mới di dời".
Nói về công tác kiểm tra đê, di dời dân cư, ông Đỗ Huy Chiến - Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch quận Long Biên - cho biết: "Lúc đầu cũng có 1 - 2 hộ không chịu di dời mặc dù chính quyền địa phương đã phân tích, cảnh báo và UBND quận chỉ đạo UBND phường phải kiên quyết, quyết liệt di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện cắt điện, nước để buộc dân di dời. Đến trưa ngày 12.10, những hộ dân cuối cùng tại khu vực nguy hiểm có sạt lở đất đã di dời. UBND quận có chỉ đạo các lực lượng ứng trực 24/24 giờ, nghiêm cấm dân cư đi lại trong khu vực bị sạt lở".
Hiện nay, toàn bộ 11 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đã di dời tới trụ sở tổ dân phố. UBND phường tạo điều kiện thuận lợi, cử lực lượng giúp đỡ nhân dân sớm ổn định chỗ ở tạm.
Nguy cơ sạt lở vẫn rất cao!
Theo đánh giá ban đầu của Đội quản lý đê Long Biên, khu vực có hiện tượng sạt lở bắt đầu từ K65+468 đến K65+618. Lúc đầu chiều dài sạt lở chỉ 115m, mép bờ lở cách chân đê thượng lưu 66m. Ông Nguyễn Vũ Bích - Đội trưởng Đội quản lý đê quận Long Biên - cho biết: "Đến ngày 12.10, chiều dài khu vực sạt lở là 145m, ăn lùi về phía dưới. Mặc dù đã di dời được 11 hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn rất cao. Chiều ngày 12.10, diện tích sạt lở không lan rộng, chỗ sạt đã ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng".
Giải thích về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sạt lở khu vực tổ 2 Yên Tân, phường Ngọc Thụy, một số người dân khu vực cho PV Báo LĐ biết: "Do một số người nạo hút cát trái phép với số lượng lớn từ cuối tháng 9 vì vậy đã tạo thành những xoáy nước khoan sâu vào bãi dẫn tới hiện tượng sạt lở". Còn theo ông Đỗ Huy Chiến - Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch quận Long Biên - thì cho rằng: "Diện tích 11 hộ bị sạt lở nằm ở khu vực bãi bồi, sau khi nước sông rút, đất lở là một trong những hiện tượng tự nhiên. Những hộ dân ở đất thổ cư vẫn ổn định".
Trong lúc cơ quan quản lý đang phân tích để tìm ra các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sạt, lở đất, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đang cố gắng hết sức mình để giúp các hộ dân vùng sạt lở đất được ổn định cuộc sống tại nơi ở tạm mới.

Xuân Long