itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Chân dung lao động nhập cư: Bài 1: Thuê nhà “xứ lạ”

Chân dung lao động nhập cư: Bài 1: Thuê nhà “xứ lạ”

Hiện nay ở TP HCM có hàng trăm ngàn người lao động chủ yếu sống bằng nghề bán hàng rong, nhập cư từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Việc tìm kiếm thuê nhà, chỗ ở phù hợp với thu nhập là chuyện không đơn giản chút nào, nhất là đối với những người lạ nước lạ cái, không người thân thích.

Mắc và khó lắm đấy!

Trong vai người mới ở ngoài Bắc vô kiếm sống muốn đi thuê nhà giá rẻ, tôi đến khu chung cư Phan Xích Long (P.2, Q.PN), nơi rất nhiều quán cóc, xe đẩy hàng rong, bán hoa quả, khô khoai sắn để tiếp cận những người “cùng khổ”. Hỏi bác Hoa bán bánh tráng quê ở Bình Định thì bác cho biết: “Mắc và khó lắm đấy! Vợ chồng tôi thuê phòng gần 6m2 lụp xụp, ọp ẹp mất 400 ngàn đồng, giá 400 ngàn đồng trở xuống càng khó tìm hơn”.

Theo chỉ dẫn, tôi lên khu Tân Trụ (đối diện KCN Tân Bình) gặp từng tốp phụ nữ ăn mặc kiểu... Ninja để lộ đôi mắt gạch vết chân chim, nhăn nheo thiếu ngủ cưỡi chiếc xe đạp thời kỳ “hóa thạch” đổ ra đường lớn, sau là bao PP chở phế liệu, đồng nát. Vào bên trong, các dãy nhà cho thuê cửa nẻo đóng im ỉm. Hỏi một chị chủ nhà tên Quý, quê Nam Định, chị cho biết đã vào đây làm thợ may được gần 10 năm, mới sinh con trai được tháng rưỡi nên nghỉ chăm con, “các phòng quanh đây đã hết, không còn phòng trống”. Căn phòng chị đang thuê lợp mái tôn, chỉ chừng 7m2, có gác lửng, tường tróc lở mảng vôi vữa lộ sự cẩu thả bàn tay người thợ, giá 400 ngàn đồng, phòng không có gác 350 ngàn đồng, các phòng rộng từ 16 đến 18m2 có gác lửng thì giá 700 đến 800 ngàn đồng.

Đi sâu vào các con hẻm trên đường Nguyễn Phúc Chu đường đất ổ gà, ổ voi lầy lội đọng nước. Các khu nhà tôn hoặc mảnh gỗ chắp vá, đứng xiêu vẹo, “trang sức” bởi những bộ quần áo ố màu, cũ kỹ, phất phơ trong gió soi bóng xuống con rạch nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối là nơi ở dành cho công nhân công trình, người bán hàng rong, nhặt rác. Họ ở chung một “phòng”, nói cho sang, thực ra chỉ là chỗ đặt lưng, giá đồng loạt 400 ngàn, phòng nhỏ hơn 350 ngàn. Sau 5 tiếng tìm tìm, hỏi hỏi đến không kịp cám ơn tôi hoàn toàn chẳng còn nuôi hy vọng tìm được chỗ ở.

Mấy ngày sau sang Q.1, 5, rồi quận 10, trong vai đứa ở bị chủ nhà đối xử tệ, tôi may mắn gặp bác Hai quê ở Bình Định. Bác bán bánh tráng trộn, thứ món ăn chẳng béo bổ gì nhưng khách ăn vẫn đông để mua cảm giác “vui mồm” là chính. Bác ở tập thể với những người cùng cảnh, thuê theo ngày, tính cả gánh hàng giá 6.000 đồng/đêm. Nhiệt tình chỉ cho tôi cách năn nỉ bà chủ, bác nói: “Phải có CMND, bà chủ khó tính, chửi ghê lắm! Lần trước tao dẫn về một đứa bị mắng dữ quá vì không có giấy tờ”.

Những căn nhà trọ ọp ẹp là nơi trú ngụ của đa số người nhập cư.

Về đến nơi, trước mắt tôi là không gian xâm xẩm, ẩm thấp tỏa ra của căn nhà. Chị chủ nhà dẫn vào trong, vài ba người - những khuôn mặt sạm “màu cơm cháy” - nằm, ngồi chung manh chiếu lớn vây quanh là gánh hàng rong, áo quần giăng đống trên tường. Mặc tôi năn nỉ, chị ta dò xét một hồi rồi không đồng ý và chỉ tôi đến căn nhà ở cuối đường. Mấy bước đến nơi, tôi thấy bên trong nhà chất đầy sọt, xe đạp, quang gánh, tối tăm, chật chội nhớp nháp. Vừa bước vào đã nhận được câu trả lời: “Đi chỗ khác đi! Ở đây suốt đêm lấy hàng ồn ào phức tạp, không chịu nổi đâu”.

Ổ chuột mi ni

Cuối cùng tôi cũng tìm được nơi thuê phòng. Đó là “ổ chuột mi ni” nằm ngay góc cua trong con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Toàn bộ phần hông nhà dài 15m giáp hẻm là tường vôi loang lổ lòi cả “xương”, cánh cửa đeo lủng lẳng, tường là những mảnh tôn cũ vá chằng vá đụp. Có 7 phòng, chưa tính tiền điện, phòng rộng nhất 6m2 giá 350 ngàn/người, duy có phòng 4m2 ngay đầu hồi, nhìn xuống khe sàn gỗ là nhà vệ sinh giá mềm hơn: 200 ngàn. Bước vào trong, ngay cửa là phòng “tổng hợp” chừng 4m2 là nơi nấu ăn, giặt giũ, ra vào của chủ và người thuê, góc phòng là chân cầu thang. Leo mấy bậc thang, cúi lom khom đầu chạm dây điện loằng ngoằng là hành lang hẹp, tối om. Ngó vào phòng, trần cao quá đầu người một chút là miếng cót, đắp đậy lôi thôi, xập xệ.

Tiếp xúc vài người, chủ yếu làm nghề bán vé số dạo, được biết có 3 phòng còn trống vì hôm kia mới có vụ mất tiền của 2 người thuê, thế là xảy ra cuộc xô xát, cãi vã với chủ nhà. Cuối cùng mấy người ấy bị đuổi. Ở đây đêm nào cũng bị chuột cắn, chuột chạy rầm rầm. Hoàn cảnh chị chủ nhà cũng đáng thương: cả ngày giặt giũ thuê, chăm 2 con nhỏ còn anh chồng thì lười biếng, tối ngày nằm dài xem ti vi và ra lệnh cho vợ, nếu có khách của người thuê nhà đến chơi, gửi xe thì anh ta đòi 5.000 đồng/xe.

Đi theo những người bán bắp dạo về “tổng hành dinh” mới thấy cái nghề này nó đeo bám người ghê lắm. Trước mắt tôi là “làng” Hà Tây thu nhỏ gồm 3 dãy nhà 24 phòng quay mặt vào nhau thành hình chữ U, khoảng sân ở giữa là các xe đẩy hàng xếp chật cứng chỉ chừa một lối đi ra cái lán tạm bợ khói um củi lửa của 3 dãy nồi quân dụng luộc bắp. Họ cho biết:”Bà chủ đây ác lắm, động tí là phạt tiền”.

Tất cả hơn trăm con người dùng chung két nước giếng khoan 6 khối mà hàng tháng đóng 60.000 đồng/người, điện tính 2.700 đồng/Kwh và mỗi phòng đóng 650.000 đồng tiền phòng, 100 ngàn chỗ để xe và nấu bắp. “Quên không vặn vòi nước bị phạt 50.000 đồng, bắt nộp tiền mua vòi nước, bóng điện, dây điện hỏng và bình ga phòng cháy, phản đối thì bị ăn đòn, mắng chửi thậm tệ”. “Đi bán hàng 3-4g sáng về đến nhà, nước hết, người ngợm bẩn thỉu, gọi không mở còn tắt điện tối thui, đành để vậy leo lên ngủ”.

Tôi hỏi: “Vậy sao không đưa lên phường?”. “Có mà con kiến kiện củ khoai, phận nghèo đành chịu chứ sao...”. Còn cái khoản nghe điện thoại ở quê gọi vào cũng bị tính tiền, cứ cầm máy nghe là mất 2.000 đồng/lần, nghe lâu mất 4.000 đồng, lâu nữa thì 6.000 đồng, phản đối thì chủ nói: “người khác không gọi đến được, tôi thiệt”…

NGÔ DUNG