itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Long đong cơm nắm

Long đong cơm nắm

Ngót một phần ba thế kỉ đã trôi qua người dân làng Ngọc, làng Cầu xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên vẫn sớm khuya cần mẫn bên bếp lửa để nắm những nắm cơm thơm dẻo mang bán. Có lúc "quân số" làm nghề lên tới gần 3.000 người vậy mà nay người dân đang đứng trước nguy cơ...

Binh minh từ lúc o giờ

“Làm cái nghề này hao người lắm. Vất vả hơn nuôi con mọn”, bà Nguyễn Thị Đảo, người được bà con gọi là “bà tổ của làng” vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa bộc bạch.

Bình minh đến với những gia đình làm nghề nắm cơm nơi làng Ngọc, làng Cầu luôn bắt đầu từ lúc 0h, nhà chị Loan cũng vậy. Khi kim đồng hồ vừa điểm đến thời khắc chuyển giao sang một ngày mới cũng là lúc chị lại tất bật với công việc mưu sinh thường ngày - nắm cơm.

Để những nắm cơm kịp đến tay người thưởng thức vào sáng sớm, ngay khi vừa thức giấc, chị cùng một người phụ giúp đã hối hả bắt tay ngay vào việc. Người thì chất bếp đốt lửa, người đặt nồi nước rồi đong và vo gạo. Khi lửa đã cháy đỏ, cả chục xoong nước đã được sắp đặt ngay ngắn, những giá gạo được kê lên giàn cho ráo nước, chị Loan lại quay trở lên nhà chuẩn bị bàn, khăn vải, chậu đựng nước nóng và cả chồng rổ sảo để tiến hành nắm cơm khi cơm đã được thổi chín kĩ.

Vừa cời than cho lửa cháy, hai người phụ nữ lại thay phiên nhau đảo đều nồi cơm. Nồi này vừa cạn nước và được đặt xuống ủ bằng bếp rơm thì nồi nước khác lại được bắc lên bếp chờ cho sôi. Nồi nọ gối nồi kia, cứ cách nhau khoảng 20 phút là được một nồi cơm chín. Mọi thao tác diễn ra như một vòng tuần hoàn.

Lễ mễ bưng nồi cơm đã được thổi chín lên nhà, nhanh thoăn thoắt, chị Loan mở vung và xới đều cơm, đong từng bát ra chiếc khăn vải trắng đã được vắt khô sau khi ngâm vào chậu nước nóng, rồi bắt đầu nén. Khi nắm cơm thơm dẻo đã được nghiền nhuyễn và quện chặt vào nhau có thể dùng dao xắt ra thành từng miếng mới được.

Họ cứ lặng lẽ, cần mẫn như vậy bao năm nay để nắm cơm trắng thơm mùi rơm rạ đến được tay khách...

Một thời "oanh liệt"

Trước đây chỉ có vài trăm người của hai làng Ngọc và làng Cầu chạy chợ bằng nghề này nhưng từ khi món cơm nắm muối vừng trở thành món ăn ưa chuộng của khách đi đường thì người dân cả xã cùng khăn gói lên Hà Nội bán cơm nắm. Vài năm trước, thời kì được coi là cao điểm, xã thống kê có không dưới 3.000 lao động mưu sinh bằng công việc này.

Phải là người sánh bước cùng làng Ngọc, làng Cầu non nửa thế kỉ nay mới thấy được sự thay da đổi thịt đáng ngạc nhiên của cuộc sống người dân nơi đây. “Nhờ vào nắm cơm cả đấy. Nếu không có cái nghề này thì người làng tôi không biết sẽ phiêu bạt đi đâu!” - đôi mắt bà Đảo sáng lên khi kể cho chúng tôi nghe từng bước đi của gói cơm nắm Lạc Đạo.

Sở dĩ bà được gọi là “bà tổ của làng” vì bà là người đầu tiên của làng nghĩ ra món ăn dân dã này. Năm 1972, bà Đảo kiếm sống bằng nghề bán cá tôm theo chuyến tàu Hải Phòng - Hà Nội. Ngày ngày đi về, chứng kiến cảnh bà con trên tàu phải vất vả lắm mỗi khi muốn mua một chút đồ ăn lót dạ, bà Đảo liền bàn với bà Thiện - bạn cùng đi chợ nắm cơm mang lên tàu bán phụ thêm thu nhập cùng nghề bán cá. Nằm ngoài sự mong đợi, bà không ngờ rằng đây lại là món ăn mà hầu hết khách đi đường rất ưa thích. Bà bỏ hẳn nghề buôn cá và chuyển sang nghề nắm cơm.

Làm nghề cơm nắm vất vả hơn nuôi con mọn.

Món cơm nắm của bà Đảo nhanh chóng trở thành “độc quyền” khi người khách nào cũng chỉ chờ “bà cao” (vì dáng người bà cao nên người mua thường hay gọi bà như vậy) đến mới chịu mua. Khách trên những chuyến tàu Bắc - Nam thời đó ai cũng muốn kiếm cho kì được dăm ba gói cơm nắm muối vừng của bà Đảo - món ăn vừa rẻ, thơm ngon lại gợi nhớ tới hương vị quê nhà.

Cũng nhờ thế, không chỉ một nách nuôi 6 người con khôn lớn trưởng thành, bà còn xây được nhà và kéo được 5 cây vàng sau hơn 10 năm làm lụng. Tiếng lành cứ thế đồn xa, người dân cả làng rồi cả xã thi nhau đến học hỏi kinh nghiệm của bà. Có người học rồi về nhà tự nắm cơm lấy đem bán. Cũng có người đặt hàng của bà rồi đi giao bán ở các nơi.

Nhờ nắm cơm mà bếp lửa của hàng trăm hộ gia đình nghèo túng nơi đây luôn được sưởi ấm. Biết bao người đã trở thành ông chủ mở những gian nhà riêng và thuê người về nắm cơm mang đi giao bán. Nhìn những ngôi nhà tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi của gia đình cô Loan, vợ chồng Biên - Lịch hay vợ chồng Liễu - Viện, chúng tôi mới cảm nhận được sâu sắc niềm vui rạng ngời trong đôi mắt đã mờ đục của người đàn bà đã giúp đổi đời bao người dân nghèo khó nơi đây.

Nguy cơ mai một...

Nhưng nay, nghề nắm cơm của dân xã Lạc Đạo đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Sự xuất hiện của quá nhiều loại đồ ăn nhanh, không kém phần hấp dẫn khiến cho cơm nắm của làng bị cạnh tranh khốc lệt.

Nhiều gia đình vì thấy trầy trật với nghề cơm nắm đã bắt đầu xoay sang những công việc khác để tìm kế sinh nhai. Những người cố bám trụ thì không còn cách nào khác là phải bỏ thêm vào mẹt cơm của mình những bọc bánh bán kèm. Có người thấy bán bánh lãi hơn lãi nên đã bỏ luôn mẹt cơm nắm.

“Trước đây một ngày cũng có thể lãi được từ 70.000 - 100.000đ thì nay vất vả lắm mới kiếm được một nửa. Một nắm cơm cũng chỉ từ 1.500 - 2.000đ, trong khi các loại chi phí thì ngày càng đắt đỏ" - chị Hoa, người chuyên bán cơm nắm tại ga Hà Nội cho biết.

Những năm trước đây, nhà chị Loan thuê 2 nhân công làm 2 ca thay phiên nhau, mỗi ngày cho "ra lò" khoảng 2.000 nắm cơm nhưng tính đến thời điểm này cũng chỉ dám dè dặt nhận đặt làm chưa đến phân nửa.

Đặt chân đến làng Ngọc, làng Cầu hôm nay, người ta không còn ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những ông chủ cửa hàng giò chả mới, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang nghề làm bánh.

Liệu rồi đây, những người muốn bám trụ với nghề cơm nắm có chung thuỷ mãi được với nghề này, để tiếng rao quen thuộc “Ai ơi cơm nắm muối vừng" không bị chìm vào dĩ vãng...

Nguỵ Cúc / VTC New