itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Chuyện về một người Nhật "cố vấn" chính sách Đổi mới

Chuyện về một người Nhật "cố vấn" chính sách Đổi mới

Giáo sư Hiroaki So

Một người Nhật gốc Hàn được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tên Việt Nam. Ông là một trong số hiếm hoi những người nước ngoài đã tư vấn chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho Việt Nam trong những ngày đầu Đổi mới.

Bước vào tuổi 82, ông vẫn không thôi trăn trở về con đường phát triển Việt Nam. Ông là Giáo sư Hiroaki So, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản, tác giả của nhiều đầu sách về kinh tế tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lời xin lỗi của người Nhật và sứ mệnh "ông cố vấn"

Nhìn người đàn ông đang nhanh nhẹn tiến vào phòng, khó ai hình dung ông đã bước sang tuổi 82. Sau lời chào nồng nhiệt, ông thân tình nói với chúng tôi: Hãy gọi tôi là Song, Nguyễn Văn Song.

Giọng đầy tự hào, ông nói, cái tên Việt Nam ấy do chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt cho. Những kỉ niệm của ông tại đất nước này đã gắn chặt với chặng đường Đổi mới mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiến hành.

Cuộc diện kiến đầu tiên với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là vào năm 1989, khi ông Song đến Việt Nam theo lời mời của ông Charles Lee Young, trên tư cách cố vấn dự án Mêkông Ô tô (dự án thành lập công ty sản xuất ô tô Mêkông trên cơ sở hợp tác ba bên: Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Nhật Bản cấp vốn, Hàn Quốc cấp kỹ thuật).

Lời đầu tiên ông nói với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là lời xin lỗi của người Nhật Bản bởi "... trong chiến tranh, người Nhật Bản chúng tôi từng đưa quân tới Việt Nam...".

Ngay khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đứng lên, nắm tay ông và nói: "Việt Nam hiện thời không có thời gian để nhìn về quá khứ, chỉ mang trong mình hi vọng về tương lai và hướng tới tương lai. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm. Mong các ông hãy giúp đỡ".

Sau đó, trọn một tuần, cố Tổng Bí thư đã cùng trò chuyện về đường hướng Đổi mới, phát triển kinh tế của Việt Nam. Từ một lời xin lỗi của người Nhật, ông đã trở thành người gắn bó với Việt Nam trên tư cách "cố vấn" cho con đường Đổi mới từ những ngày đầu.

Sau cuộc diện kiến năm 1989 ấy, ông đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam, dài nhất là 3 tháng, tại nhà khách Trung ương ven Hồ Tây.

"Ở ven hồ, có lần, tôi bị muỗi đốt sưng tấy, phải trở về Nhật Bản, vào viện nằm điều trị 1 tuần", ông kể. Bạn bè, người thân nhiều người khuyên, sợ muỗi đốt như thế, ông đừng quay lại Việt Nam nữa. Nhưng ông nói mình đã đem lòng yêu Việt Nam và muốn đóng góp gì đó cho sự phát triển của đất nước này.

Cuốn sách về Bác Hồ và sự thôi thúc mang tên Việt Nam

"Ý tưởng nghiên cứu về Việt Nam và đường hướng phát triển của Việt Nam được nhen nhóm trong tôi từ cuối những năm 1970, nhờ đọc một cuốn sách về Bác Hồ", ông nhớ lại.

Khi đó, trong thư viện Quốc tế của Nhật Bản, giữa muôn nghìn các đầu sách, ông đã tìm được một số cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều ông đặc biệt ấn tượng chính là tầm nhìn và ý thức học hỏi hơn người khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Pháp để học cách giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân Pháp.

Từ câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nghiệm ra rằng, Việt Nam là một đất nước muốn học hỏi và luôn sẵn sàng học hỏi từ bên ngoài. Ông tin rằng, Chính phủ Việt Nam có tiềm năng và luôn sẵn sàng du nhập những cái mới.

Nhưng mãi đến năm 1984, ông mới có điều kiện bắt tay vào nghiên cứu về Việt Nam. Vào thời điểm đó, ông đã hoàn tất chương trình đưa 500 DN của Nhật Bản vào Hàn Quốc đầu tư, chuyển giao kĩ thuật. Câu hỏi được đặt ra là đất nước nào sẽ tiếp theo Hàn Quốc? Câu trả lời, theo ông, là Việt Nam.

Với tâm niệm, trong kinh doanh, tiền không đi trước mà văn hóa, bao gồm cả tập quán, lễ nghi đi trước và quan trọng hơn; trước khi bỏ vốn, phải hiểu văn hóa, thói quen, tập quán, hiểu và tôn trọng các thông tin về Việt Nam, ông đã bỏ công nghiên cứu về Việt Nam, về con đường Đổi mới mà Việt Nam cần theo đuổi.

5 năm nghiên cứu, ông mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó, ý kiến của ông sẽ được sử dụng, như đã từng xảy ra ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ...

Trong dịp tiếp xúc đầu tiên kéo dài một tuần với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Hiroaki So nhấn mạnh: Việt Nam là một đất nước kéo dài. Đi từ Bắc tới Nam Việt Nam tốn nhiều thời gian, có nhiều khác biệt. Để phát triển kinh tế, trước hết, Việt Nam phải làm đường quốc lộ, đường cao tốc nối liền đất nước. (18 năm trước, những ý tưởng này cũng đã được ông chia sẻ trên tờ báo Sài Gòn Giải phóng thứ bảy, ngày 8/6/1991).

Tổng thống Hàn Quốc đã từng áp dụng chính sách "cuộc sống một ngày", tức là làm sao để đi từ đầu này sang đầu kia đất nước trong vòng một ngày, biến Hàn Quốc trở thành một khu vực địa lí nhỏ.

Cũng như Hàn Quốc, Việt Nam cần rút thời gian 4-5 ngày từ Hà Nội vào TP. HCM xuống chỉ còn 1 ngày. Làm được như vậy, chắc chắn kinh tế sẽ phát triển, giao thương tăng cường, và văn hóa của 54 dân tộc trên khắp đất nước sẽ kéo gần nhau hơn.

Ông cũng lưu ý người lãnh đạo công cuộc Đổi mới rằng, việc thực hiện Đổi mới phải làm chậm, từng bước, không ồ ạt, để toàn xã hội kịp thích ứng, không gây nên sự phản đối trong dư luận. Để tạo sự thống nhất, Việt Nam nên tận dụng lực lượng 1 triệu quân nhân để làm đường, phát triển giao thông. Sử dụng quân nhân làm đường 5 năm, sau đó cho họ giải ngũ, cấp nhà cho họ, hoặc cho họ mua nhà với giá ưu đãi. Việc này vừa là đền đáp cho những cống hiến bảo vệ Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế.

Trong đất đai, ông chia sẻ với TBT Nguyễn Văn Linh, Việt Nam có nhiều đất nhưng quản lí lỏng lẻo, tản mát. Các bên nên tiến hành một cửa quản lý đất đai. Quản lý một cửa mới đảm bảo sử dụng đất hiệu quả nhất.

Rất tiếc, sau đó, khi trở lại Việt Nam, tôi hỏi về tiến độ thực hiện một cửa như thế nào, ông Linh nói, "vẫn còn đau đầu lắm", ông Hiraoki nhớ lại.

Chiếc xe đầu tiên xuất xưởng và nước mắt vị Tổng Bí thư

Trở lại Việt Nam nhiều lần, mỗi lần gắn với một dự án, một kế hoạch và rất nhiều kỉ niệm, nhưng người đàn ông Nhật Bản mang cái tên Việt, Nguyễn Văn Song vẫn nhớ nhất kỉ niệm năm 1992, khi "đứa con" đầu tiên của sự hợp tác ba bên Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc ra đời.

Ngày 25/5/1992, sau 2 năm với rất nhiều nỗ lực, chiếc xe ô tô đầu tiên của Nhà máy Mekong Auto Corp, trụ sở tại TP. HCM xuất xưởng. Chiếc xe có kiểu dáng giống xe Sanwon ngày nay, được nhập khẩu thiết kế từ Italia. Khi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kí tên lên chiếc xe đầu tiên ấy, ông đã nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của người lãnh đạo Việt Nam.

"Có lẽ những giọt nước mắt chân thành đó đã giúp cho quá trình hợp tác sau này suôn sẻ, cũng như giúp Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập hơn", ông Song nói.

Với việc xuất xưởng chiếc xe đầu tiên, Việt Nam đã ghi danh mình thành nước thứ 36 trên thế giới sản xuất ô tô.

Sau dự án Mekong, ông tiếp tục dẫn nhiều phái đoàn Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát thị trường, xây dựng nhà máy với hàng trăm doanh nhân Nhật tham gia. Hiện nay, 6500 công ty Nhật Bản thường xuyên đến Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản, nơi ông là Viện trưởng, xin ý kiến tư vấn về thị trường Việt Nam, trong đó có những công ty hàng đầu như Toyota, Cannon, Shisheido...

Năm 1997, ông là người mở lớp học đầu tiên về thị trường chứng khoán cho người Việt Nam tại Nhật Bản với 300 học viên Việt Nam được qua đào tạo.

Vẫn nặng lòng với chặng đường Đổi mới

- Là người đã tham gia tư vấn cho Việt Nam những năm đầu Đổi mới, ông có thấy hài lòng với những gì Việt Nam đã làm được?

Sau 20 năm Đổi mới, hiện tại là thời điểm Việt Nam cần nhìn lại, để thấy rõ cái hay, cái dở, cái làm được và chưa làm được, có sự điều chỉnh để tạo sự phát triển và cân bằng.

Sự phát triển của Việt Nam sau 20 năm Đổi mới vẫn chưa đủ, còn thăng trầm. Nếu nhìn sự phát triển kinh tế mà Đổi mới hướng tới như một mức chuẩn, là đường biên, hiện nay, rất nhiều mảng như giao thông, nghiên cứu khoa học, nông nghiệp của Việt Nam còn thấp hơn nhiều dưới đường biên đó. Đường bộ của Việt Nam phát triển chậm hơn nhiều so với kinh tế. Sản xuất thủy sản còn yếu do thiếu tàu, thiếu kỹ thuật...

Thậm chí, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Việt Nam gần như bỏ rơi. Với những lĩnh vực đó, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn, để rút ngắn khoảng cách, tạo sự cân bằng chung trong phát triển của nền kinh tế, tạo sự bền vững.

- Trong thời gian tới, Việt Nam cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Việt Nam cần có những đặc khu kinh tế giống Trung Quốc, tập trung sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu hơn là tản mát như hiện nay, với các khu công nghiệp lộn xộn.

Đối với vấn đề đất đai, tôi vẫn nhắc lại điều tôi đã nói với TBT Nguyễn Văn Linh, hãy áp dụng chính sách một cửa quản lý để sử dụng hiệu quả.

Về nhân lực, Chính phủ cần đầu tư để nhân lực của mình đi học ở nước ngoài. Thu hút người tài ở nước ngoài về cũng quan trọng như việc gửi người ra nước ngoài đào tạo.

Về văn hóa, với một đất nước 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một văn hóa, một truyền thống riêng đặc sắc, tại sao Việt Nam không giới thiệu tất cả những điều tuyệt vời đó trong một catalog về Việt Nam, giúp thế giới có một cách nhìn đầy đủ hơn, toàn diện hơn về Việt Nam. Một cuốn catalog như vậy bằng 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ đặc biệt ý nghĩa.

Theo VietNamNet