itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / "Festival không phải là chìa khoá thành công của du lịch"

Giám đốc Công ty Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ: "Festival không phải là chìa khoá thành công của du lịch"

Du khách một lần đến VN không nhiều người muốn quay trở lại. Nếu nhìn sang các nước trong khu vực, du lịch VN vẫn còn đứng ở sau. Các festival được đổ tiền tỉ nhưng thu lại không phải là con số khách du lịch nước ngoài tăng, mà sự đơn điệu giống nhau của lễ hội khiến ngay chính người dân xem hoài cũng chán.

Thời của du lịch, nhưng những người làm du lịch lại không biết tận dụng cơ hội một cách chủ động nhất.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Lửa Việt - khẳng định: "Du lịch VN phải chọn lối đi riêng và thay đổi cách quản lý".

Vì sao ông không còn tin vào hiệu quả của bất cứ một festival du lịch nào ở ta?

- Bởi trên thực tế, chưa có festival nào thành công về mặt du lịch. Các festival chỉ phí tiền đóng thuế của dân, lấy tiếng cho một tỉnh, thành nào đó, chứ nội dung rất nghèo nàn. Không nước nào làm kiểu đó. Mình nghèo nên phải tìm một cách làm riêng. Trong khi thế mạnh về ẩm thực, nói như gợi ý tuyệt vời của chuyên gia tiếp thị Philip Kotler, có thể biến VN thành bếp ăn của thế giới, thì không ai làm.

Theo thống kê gần đây, kinh doanh ẩm thực chiếm doanh thu trong du lịch là 55%, khách sạn 35%, còn lữ hành chỉ 5%. Thế nhưng, ít lễ hội nào đầu tư thích đáng vào ẩm thực. Những festival, lễ hội chuyên dựng màn khai mạc, bế mạc hoành tráng chỉ làm béo bở cho các ông đạo diễn, với những cảnh sân khấu hoá khiến người ta có thể nghĩ phải chăng VN là một dân tộc chỉ thích múa may, hát hò?

Các nước đều có một slogan để nhớ, nhưng VN thì chỉ là "Vẻ đẹp tiềm ẩn". "VN là điểm đến của thiên niên kỷ", mà thiên niên kỷ là 1.000 năm, khi nào đến mà chẳng được? Bản chất của kinh doanh là hướng về cộng đồng, là điều ai cũng hiểu, vậy thì tại sao còn đưa ra khẩu hiệu "Du lịch hướng về cộng đồng" làm gì? Dường như ta rất giỏi khẩu ngữ, mà làm du lịch thì không có hiệu quả.

Nguyên nhân sâu xa ông cho rằng ta còn chưa có tầm nhìn trong quy hoạch ngành?

- Chúng ta thiếu những nhà hoạch định có tầm cỡ. Từ cách quản lý lỏng lẻo, bộ máy quá cồng kềnh, ai cũng có quyền lợi nhưng không ai chịu trách nhiệm. Chuyện quá tải khách sạn đã được dự báo cách đây 10 năm, nhưng chưa ai tìm ra hướng giải quyết. Mỗi năm VN đón 4 triệu lượt khách là hết chỗ. Trong khi đó, Thái Lan đón 12,5 triệu khách quốc tế, Malaysia 14,5 triệu. Vì không có tầm nhìn hoạch định trong vòng 20 năm nên không có khu du lịch nào đủ sức chứa vài ba ngàn người, ở Phan Thiết có nhiều khu resort như thế mà nơi bề thế nhất chỉ có chưa tới 100 phòng. Trong khi Malaysia có những khu du lịch 5.000 phòng.

Ở TPHCM hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp du lịch, một số hãng lữ hành. Trong đó có 6.000 doanh nghiệp kinh doanh có đăng ký, nhưng chỉ có 600 doanh nghiệp có giấy phép (10%), còn lại hoạt động chui. Như thế thì nhà nước sẽ quản lý theo cách nào?

- Nếu cứ tiếp tục kiểu ăn xổi như bây giờ thì sản phẩm du lịch VN mãi nghèo nàn, bắt chước nhau, các khu du lịch na ná nhau. Việc đầu tiên phải bắt đầu là từ con người. Bổ sung hướng dẫn viên quốc tế, nội địa, đào tạo những chuyên ngành chưa có như thiết kế tour...

Vậy theo ông, hiện trạng phát triển của du lịch VN đang ở mức báo động? Hay vì ông có cái nhìn quá bi quan?

- Lẽ tự nhiên là đời sống phát triển thì nhu cầu du lịch tăng. Vấn đề là phải biết phát triển đến mức nào, như thế nào là vừa. Muốn phát triển du lịch, phải có sự đồng bộ. Một trong những mặt hạn chế trong đội ngũ làm du lịch là "bốc". Thứ hai, tinh thần hợp tác kém. Thứ ba, chưa có những nhà hoạch định có tầm về kỹ trị về tính chuyên ngành sâu. Mình cần nhìn thẳng vào điểm yếu của mình để sửa, nếu né tránh sự thật thì không khá lên được.

Khi đã có thương hiệu, vì sao ông không mở rộng Lửa Việt ở nhiều tỉnh thành trong nước như những người khác vẫn làm?

- Không phải là vì Lửa Việt không phát triển được, mà vì tôi không tin ở những công ty phình to ra có thể vẫn được quản lý tốt. Sức tới đâu làm tới đó. Bộ máy Lửa Việt không bằng một phòng salles (bán tour) của một công ty du lịch có tiếng. Chúng tôi không quảng cáo rầm trời, mà chỉ "quảng cáo" bằng cách làm từ thiện. Mỗi khách đi tour của Lửa Việt đều đã đóng 1.000 đồng vào quỹ.

 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, tự Út Huy, học Luật khoa Sài Gòn (1974). Sau 1975, ông tham gia công tác Đoàn, đi bộ đội ở Campuchia 1979-1983, tu nghiệp Cộng hoà Dân chủ Đức 1987, tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Văn 1984-1988. Từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TP, Phó Hiệu trưởng trường Đội. 5.1995: Thành lập TT dã ngoại Lửa Việt thuộc Hội đồng Đội TP. 1.1997: Chuyển Lửa Việt về Hội Liên hiệp Thanh niên TP. 1999: Thành lập Lửa Việt. Hiện đã có liên doanh Tanimex (Tavitour) và liên doanh Sorya Blue Star Cambodia...

Mỗi năm, Lửa Việt bỏ ra nửa tỉ đồng làm từ thiện. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ, mình từng khốn khó nhưng may được người khác giúp, thì nay mình giúp lại người nghèo. Đến khi làm từ thiện, mới phát hiện đó là cách PR (quảng bá) cho công ty tốt nhất. Mình không nhiều tiền thì chọn thời để làm, tới những vùng xa nhất, sang cả Lào và Campuchia..., đưa quà đến tận tay cho trẻ em nghèo. Hoặc mời đội tuyển bóng đá nữ, hay vận động viên khuyết tật Paragames đi chơi. Mỗi lần đi như thế, tôi và các nhân viên học được rất nhiều.

Người ta tổ chức sự kiện leo lên đỉnh Everest với toàn bộ chi phí gần 60 tỉ đồng, thì chúng tôi làm không tốn tiền: Chinh phục nóc nhà Nam Bộ (leo núi Bà Đen - Tây Ninh), ai cũng leo được, quan trọng là chinh phục từng bước, mới đến Phanxipăng, rồi mới đến đỉnh Phú Sĩ, Himalaya hay Everest. Làm du lịch là dùng cái đầu nghĩ ra những ý tưởng. Bản thân tôi không ai nghĩ là giám đốc, mà là hướng dẫn viên, đi dạy, viết báo, leo núi... Tôi làm du lịch như một thứ tôn giáo. Muốn người ta tin, phải có thương hiệu, phải có uy tín. Chính vì thế mà cẩn trọng trong việc mở đại lý, vì tìm ra người tâm huyết bây giờ khó lắm.

Ông đã chọn du lịch dã ngoại như là một cách tiếp cận thị trường du lịch vốn đã có sẵn nhiều "đại gia" và là hướng đi riêng cho Lửa Việt. Đến nay du lịch trong nước bão hoà. Vậy bước tiếp theo của ông là gì?

- Dã ngoại thực chất là đến với thiên nhiên. Thời đó (những năm 90 thế kỷ trước) chưa ai làm cả. Du lịch trong nước ngưng trệ, chủ yếu người ta đưa khách quốc tế vào VN. Nhưng nhu cầu tham quan của CBCNV, học sinh là rất lớn. Tôi đứng ra làm hướng dẫn cho thiếu nhi, dẫn đi tham quan bảo tàng, đi tàu trên sông Sài Gòn, mà cả tour chỉ mất 9.000 đồng. Sau đó là tour đi xem nhật thực ở Bình Thuận cho người lớn với giá rẻ. Nếu có công ty xem đó là dịp "bóp chẹt" khách, thì chúng tôi coi đó là cơ hội lấy tiếng, không cần lời nhiều...

Còn bây giờ, chúng tôi mở rộng tuyến du lịch Campuchia với những tour thiết kế mới. Chiến lược của Lửa Việt là "talk to talk" - đề cao giá trị của việc truyền miệng và những cam kết chặt chẽ, xem đó là cái án "treo", buộc mình làm kỹ và có trách nhiệm. Tour Campuchia có một loạt cam kết: An ninh, ăn ngon, giảm 80% thời gian chờ đợi ở cửa khẩu, không đưa khách vào shop, không thu bất cứ khoản nào thêm. Nếu khách hàng không hài lòng thì trả lại tiền. Chúng tôi là công ty duy nhất ở VN dám dũng cảm trả lại tiền sau tour vì không đúng như hợp đồng (xe hư, hay hướng dẫn viên dở).

Quan điểm làm du lịch của ông?

- Thứ nhất, trong kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng. Không rõ ràng là có ý đồ. Chẳng hạn, mỗi ngày khách hàng ăn ba bữa, chúng tôi thông tin rõ về giá cả từng bữa, điều nhỏ như thế mà người ta ít làm. Thứ hai, làm tới đầu tới đũa. Lửa Việt coi khách hàng là người thân, chứ không phải là "thượng đế". Vì nếu coi họ là thượng đế, thì họ chính là ân nhân của mình, mà thực tế, đó là mối quan hệ tự nguyện, trên cơ sở tôn trọng nhau. Nếu mình có lòng tự trọng, có văn hoá thì không nỡ nào hại người thân, lừa cha mẹ mình.

Những gì đại ngôn để quảng bá cho thương hiệu thì tôi không làm. Tôi cũng không tự nhận mình là nhà làm du lịch chuyên nghiệp, vì đã học ở đâu bao giờ, tự mày mò là chính. Chúng tôi chỉ thông tin giá tour, không gắng đánh bóng tên tuổi, không tự khoe về mình.

Từng tham gia công tác Đoàn, Đội, vì sao ông không đi tiếp con đường ấy, mà rẽ sang làm du lịch?

- Tôi không có năng khiếu về chính trị. Hơn thế nữa, sau 4 năm làm bộ đội tình nguyện ở Campuchia trở về, trải qua vài lần chết hụt, hiểu rằng chỉ cần làm đúng nghề mình yêu thích là được rồi. Mình sống thay cho đồng đội ngã xuống thì phải sống sao cho không đến nỗi tệ. Tôi đi học đại học sư phạm, vì thế trẻ em vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi.

Cho nên, tôi thay đổi nội dung hoạt động, dạy cho các em chơi, dạy kỹ năng sống và giúp bạn. Phát động phong trào Giúp bạn vượt khó, Uống nước nhớ nguồn, tổ chức trại hè Thanh Đa, Liên hoan Thiếu nhi các dân tộc VN, Liên hoan Thiếu nhi thế giới, hội làng Nhị Khê, họp mặt thiếu nhi vượt khó, Festival Biết ơn mẹ...

Chúng tôi mở TT hoạt động dã ngoại Lửa Việt, tách khỏi hệ thống bao cấp. Làm tour tham quan, lại mang tiếng là "làm du lịch chui", nên xin giấy phép để hoạt động du lịch và tách ra riêng để làm được những gì mình tâm đắc. Sau này, dù làm gì tôi cũng nhớ tổ chức Tết Trung thu hàng năm cho trẻ mồ côi và trẻ nghèo.

- Xin cảm ơn ông.

Nhật Lệ / Laodong