itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Phận mồ côi và thương hiệu Miss Áo dài

Phận mồ côi và thương hiệu Miss Áo dài

Dương Thanh Thuỷ, từ thân phận một đứa trẻ mồ côi đã vươn lên từ bàn tay trắng.

Người phụ nữ làm nên thương hiệu Miss Áo dài để lại dấu ấn mạnh mẽ trong giới trẻ với slogan đầy ấn tượng: “Tôi bán cái khách cần chớ không bán cái tôi có”.

Tôi biết chị Dương Thanh Thuỷ đã lâu. Trong chương trình giao lưu nữ doanh nhân do bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức năm 2006. Tháng 9.2010, chị cũng vừa mới khởi xướng thành lập quỹ hỗ trợ các gia đình thương binh liệt sĩ khó khăn với số tiền 200 triệu đồng do bảo tàng Phụ nữ Nam bộ quản lý. Người phụ nữ làm nên thương hiệu Miss Áo dài để lại dấu ấn mạnh mẽ trong giới trẻ với slogan đầy ấn tượng: “Tôi bán cái khách cần chớ không bán cái tôi có”. Đó là một nữ doanh nghiệp ngành thương mại – du lịch – dịch vụ đã đi lên từ đôi bàn tay trắng, bằng chính số vốn ít ỏi của bản thân, gia đình; người phụ nữ ấy đã biến một nơi sình lầy nước đọng của đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé thành một thiên đường mua sắm cho người ngoại quốc khi đến TP.HCM.

Biết chị đã lâu nhưng đây cũng là lần đầu tiên chị kể khá tỉ mỉ về hoàn cảnh mồ côi của mình. Năm 1954, cha chị – ông Dương Văn Quảng từ Sài Gòn được lệnh tập kết ra Bắc. Trên đường về Cà Mau, ông bị thương nặng, đành ở lại ở Thới Bình, Cà Mau. Nhằm tránh sự theo dõi của địch, tổ chức gởi ông Quảng trong gia đình của một hương cả. Ở đây, ông được nàng dâu goá bụa của ông hương cả tận tình chăm sóc vết thương. Ông Quảng không khỏi chạnh lòng khi biết được hoàn cảnh của cô. Năm 16 tuổi, cô được cha mẹ gả cho con trai nhà ông cả để trừ nợ. Chồng cô bị bệnh chết, để lại hai đứa con thơ. Ông hương cả cảm mến người kháng chiến cũ, gả nàng dâu cho ông Quảng. Chàng trai Sài Gòn cắm rễ vùng đất mũi, tiếp tục hoạt động cách mạng, có thêm bốn đứa con với nàng dâu ông hương cả. Do trong nhóm hoạt động mật của ông có người phản bội, chỉ điểm, ông bị địch bắt. Để giữ gìn bí mật, ông kiên quyết không khai báo. Bất lực trước sự gan lỳ của một người cộng sản trung kiên, chúng bắn ông trên mảnh đất chỉ cách nhà mấy mươi thước. Bà đang cho con bú, chết lặng khi nghe tiếng kêu của chồng, cùng tràng súng khô lạnh. Mới chào đời được hai tháng tuổi, chị Dương Thanh Thuỷ đã mồ côi…

Chị kể trong nước mắt: “Mồ côi chắc chắn là khổ rồi, cũng đồng nghĩa với côi cút, bơ vơ nhưng cảnh mồ côi của con Việt cộng khổ gấp trăm lần”. Đó là nỗi khổ của một người vợ mất chồng, một nách nuôi đàn con thơ, bị o ép, rình rập, dồn đuổi đến tận cùng khổ nhục. Rất nhiều năm sau, bà vẫn luôn bị ám ảnh bởi tiếng kêu của chồng trước khi bị xử bắn. Để có người chia sẻ gánh nặng cuộc sống, mẹ chị phải đi bước nữa. Ông là một điền chủ ở Cà Mau, vợ bị máy bay bắn chết. Ba đời chồng, bà có tất cả 14 người con. Chị nói về một gia đình đặc biệt đông anh chị em của mình: “Mẹ tôi có hai người con với chồng trước, bốn người con với cha tôi, chồng sau của mẹ có bảy đứa con, bà sinh thêm năm người con nữa. Đại gia đình của tôi có đến 18 anh chị em. Nhưng cũng từ đó mà phát sinh nhiều nỗi khổ…” Chị không ngăn được nước mắt, nhớ về một tuổi thơ mồ côi, cơ cực: “Mười mấy đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, đùa nghịch, phá như quỷ sứ mang lại bao điều khổ tâm cho má tôi. Chồng của má tôi lại nghĩ má tôi không thương con của ông hơn chúng tôi, buông những lời đay nghiến, hờn ghen. Ông làm áp lực để mẹ tôi chọn con đường gởi bốn anh chị em tôi về quê nội ở Hóc Môn, Sài Gòn. Đó là cuộc chia ly đầy nước mắt. Lúc ấy, tôi vừa mới bốn tuổi. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng, khóc nức nở nhưng bà cũng đành phải cắn răng nuốt lại nỗi đau xa con vì trên vai bà còn có những đứa con khác. Tôi về sống với nội, ở với cô bác, mới năm, sáu tuổi đầu đã biết bồng em, nấu cơm, rửa chén. Thật may mắn khi tôi còn được đi học. Để được cắp sách đến trường, tôi cố gắng làm thật tốt việc nhà. Là con của một “Việt cộng”, sợ bị liên luỵ, không ai dám nhận làm cha, mẹ chúng tôi. Vì lẽ đó, tuổi thơ của tôi gắn liền với một khai sinh có cha mẹ vô danh. Hôm ấy, thầy giáo vốn là một sĩ quan biệt phái, không mấy có cảm tình với “Việt cộng”, đọc khai sinh tôi, buông lời cay nghiệt: “Lạ dữ ha, ở đây có trò khai cha mẹ đều là vô danh. Vậy chẳng lẽ trò ấy từ đất nẻ chui lên?!” Tôi nghe đau điếng trong lòng, cố ngăn lại dòng nước mắt tủi thân cứ trào ra…”

Rồi đất nước thống nhất, lòng chị tràn ngập niềm hạnh phúc khi được ngẩng mặt nhìn đời, không còn phải cúi mặt buồn tủi vì tờ khai sinh “cha mẹ vô danh”, thay vào đó là tên cha, mẹ được chị ghi nắn nót. Rồi chị trúng tuyển vào đại học Y dược. Đứa con mồ côi không ngăn được những giọt nước mắt hạnh phúc, thầm nói với vong linh người cha liệt sĩ, rằng cô sẽ nỗ lực học hành, sẽ trở thành một dược sĩ giỏi, xứng đáng với sự hy sinh của cha. Nhưng đến năm thứ tư trường dược, một biến cố bất ngờ xảy ra, chị phải bỏ ngang việc học, chống đỡ cho cả gia đình đang nguy biến bằng cách bước vào thương trường không kém phần nghiệt ngã. Từ những mảnh len vụn, qua bàn tay khéo léo của chị đã trở thành những sản phẩm bắt mắt, được bày bán ở các cửa hàng mỹ nghệ trên đường Đồng Khởi. Rồi chị gầy dựng nên cửa hàng đầu tiên của mình. Trong những ngày cơ chế bị ràng buộc, nhá nhem tối sáng giữa cũ và mới, chị từng bị buộc tội là “dân chợ trời”, “con buôn”, bị làm khó dễ từ nhiều phía. Từ những điều bé nhỏ, với sự kiên trì, sức sáng tạo mãnh liệt, chị đã làm nên sự nghiệp to lớn. Từ cô gái mồ côi trở thành một nữ doanh nhân nổi tiếng, đưa thương hiệu Miss Áo dài đến với nhiều nước trên thế giới, bà chủ của thiên đường dừng chân và mua sắm là một quá trình phấn đấu miệt mài.

Và gia tài to lớn của chị còn có cả sự nhân hậu, vị tha. Khi đã làm mẹ, chị càng hiểu nỗi lòng giằng xé của mẹ chị năm xưa, khi phải cắn răng gởi bốn đứa con thơ cho bên nội nuôi dưỡng. Chị là trụ cột trong một đại gia đình 18 anh chị em, chia sẻ những khó khăn cho những người anh em cùng mẹ khác cha, những người con riêng của chồng sau của mẹ. Thật khó khăn khi ông nhận lời chị lên Sài Gòn mổ cườm mắt. Chị không tránh khỏi những cái nhìn đầy hoài nghi từ phía con riêng của ông. Khi mắt sáng, ông nghẹn ngào nói: “Ba không biết dùng từ gì để cám ơn con. Hồi con còn nhỏ ba không nuôi con nhưng bây giờ chính con đã chăm sóc, lo lắng cho ba”. Chị cười, trấn an ông: “Đặt mình vào hoàn cảnh của ba, con hiểu vì sao ba làm thế. Đương nhiên là ba phải thương những người con của mình hơn con người khác. Mọi việc đã qua, bây giờ nhà mình rất đông vui”.

bài và ảnh: Trầm Hương/ SGTT