itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Cơn lốc giá giấy: Nhà xuất bản tự cứu mình

Cơn lốc giá giấy: Nhà xuất bản tự cứu mình

"Ngày hội sách" chỉ còn trong mơ?

Giá giấy tăng kéo theo công in ấn tăng khiến những người làm công tác xuất bản buộc phải tính toán hoặc tăng giá hay giảm bớt số lượng ấn phẩm phát hành trong thời điểm này.

Giá giấy liên tục tăng

Từ đầu năm 2008 đến nay, giấy đã tăng giá tới 5 đợt, tức là tăng hơn 40% so với cuối năm 2007. Chỉ tính riêng tháng 7/2008 thì giá giấy đã tăng tới 10%. Bên cạnh đó, giá xăng cũng tăng nên tiền chuyên chở tăng, công in tăng, và chắc chắn giá sách sẽ còn tiếp tục nhích lên.

Theo thông báo của Công ty Cổ phần giấy Tân Mai thì giấy in báo giao tại nhà máy (chưa gồm thuế) có giá 14,38 triệu đồng/tấn, tăng 3,09 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Các loại giấy in, giấy viết trung bình từ 16,8 - 18,6 triệu đồng/tấn, đã tăng 1 - 1,05 triệu đồng/tấn và khả năng tới đây còn tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Giá giấy của Công ty cổ phần giấy Bãi Bằng tăng bình quân đến 2 triệu đồng/tấn so với tháng 4/2008, giữ mức 19 triệu đồng/tấn đối với các loại giấy in, giấy viết...

Theo ông Phan Minh Nghĩa - Phó giám đốc Công ty Cổ phần giấy Tân Mai, nguyên nhân chính khiến giá giấy thành phẩm tăng mạnh là do nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng vọt. "Hầu hết các loại nguyên liệu như giấy vụn, bột giấy, than, dầu FO... đều có mức tăng ít nhất 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy giá giấy thành phẩm lên cao".

Trong khi đó, các công ty giấy phải nhập khoảng 30% vật tư sản xuất từ nước ngoài nên khi giá thế giới tăng, giá giấy trong nước cũng tăng chi phí đầu vào. Vì vậy sau đợt tăng giá hồi tháng 4, giá giấy tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7 với mức tăng từ 5 - 21% tùy chủng loại.

Có thể nói, đây là bước đi “không thể tránh" của ngành giấy bởi ngoài chi phí vật tư, gần đây giá USD tăng cũng làm tăng giá giấy. Mặc dù vậy, giá giấy trong nước đang thấp hơn giá giấy thế giới khoảng 1 triệu đồng/tấn.

Sách lậu vẫn hoành hành

Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật từ năm 2004, nhưng thực tế ở nước ta, tình trạng sách in lậu vẫn tràn lan, chưa được kiểm soát và chưa có biện pháp chế tài thích đáng. Điều này gây thiệt hại về kinh tế lẫn uy tín cho nhà xuất bản bởi việc khai thác nghiêm túc một xuất bản phẩm có bản quyền đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc, tốn kém hơn rất nhiều so với sách in lậu.

Khi đọc những thông tin: “Thêm một lần nữa hai cuốn sách bán chạy nhất của First News mua bản quyền đã bị in lậu và phát hành công khai ở Hà Nội, nâng số đầu sách bị in lậu của đơn vị này lên con số 30” hay “Cuốn Người tình Sputnik đã có sách giả trên Đinh Lễ, các bạn cẩn thận”, hẳn những người làm sách chân chính rất phẫn nộ và đau lòng. Thử hỏi không đau sao được khi những cuốn sách được đầu tư một cách nghiêm túc trong dịch thuật, biên tập và trình bày bị làm giả một cách không thương tiếc với tốc độ chóng mặt như vậy.

Những cuốn sách bị in lậu mới nhất là cuốn “7 Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt” của tác giả Sean Covey và “Tin Vào Chính Mình” – I Can Do It của tác giả Louise L. Hay do First News ký bản quyền với các nhà xuất bản danh tiếng nước ngoài. Khi phát hiện cuốn Sức Mạnh Tình Yêu – P.S. I Love You bị in lậu, để đối phó First News đã cho in lại thay bìa mới thì ngay lập tức dân in lậu cũng đã cho “Tái bản có bổ sung bìa mới” ngay dù màu sắc in chất lượng rất kém. Để đối phó với tình trạng này, First News đã quyết định bỏ qua lợi nhuận, hạ giá cuốn sách này tại Hà Nội xuống 50% để cạnh tranh với sách lậu và cho biết sẽ sẵn sàng hạ giá tiếp cuốn sách này dù giá giấy và công in hiện nay đã tăng lên 35%.

Nhưng cách làm này không thể kéo dài mãi và với tất cả các đầu sách khác, vì vậy rất cần có sự can thiệp mạnh tay của các cơ quan pháp luật. Các nhà làm sách chân chính không thể và không đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước những cuộc tấn công ồ ạt kiểu này. “Đã là sách lậu thì họ thường in đến cả chục nghìn bản, ít nhất là cũng khoảng 5.000 bản. Trong khi đó, NXB chỉ tái bản mỗi lần chừng 1.000 bản. Nếu không bị làm lậu, mỗi đầu sách được tái bản khoảng 5 lần. Nhưng khi bị làm lậu, số lần tái bản rút xuống chỉ còn 2, thiệt hại sẽ rất lớn”, bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết.

Đã có những trường hợp in lậu bị bắt giữ nhưng số lượng vụ việc bị phát hiện là quá nhỏ so với sự sôi động của thị trường sách lậu. Những chế tài pháp lý áp dụng cho các vi phạm loại này chưa đủ sức nặng để răn đe những kẻ làm liều. Vì thế tình trạng in lậu đã không giảm mà ngày càng tăng. Việc in lậu không chỉ vi phạm luật pháp Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế về bản quyền. Nếu tình trạng này tiếp diễn kéo dài, thử hỏi các đối tác nước ngoài có còn dám tiếp tục bắt tay hợp tác với ngành xuất bản Việt Nam?

Nhà xuất bản tự cứu mình…

Nhiều đơn vị trong ngành in ấn, xuất bản đã tiết kiệm, thu vén để tránh phải tăng giá bán ấn phẩm nhưng cũng không đủ bù với đà tăng của giá giấy và công in ấn như hiện nay. Trong khi đó, hàng loạt tờ báo buộc phải tăng giá báo vì không kham nổi các khoản chi phí tăng thêm.

Chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế đang khó khăn, giá giấy tăng cao đột biến đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất bản. Với mảng sách NXB tự bỏ vốn, bao gồm nhiều tác phẩm phục vụ công tác chính trị, nghiên cứu chuyên sâu, NXB phải bù lỗ… thì với đà tăng giá giấy sẽ là một gánh nặng quá sức chịu đựng. Còn với mảng sách liên kết, các nhà làm sách hiện nay cũng rất thận trọng, chỉ tái bản những tựa sách cũ để tiết kiệm chi phí đầu vào, dẫn đến sự sụt giảm số lượng đầu sách trong 6 tháng cuối năm.

Theo bà Quách Thu Nguyệt thì “chưa bao giờ ngành xuất bản sách lại gặp khó khăn nhiều đến thế”. Giá giấy, chi phí in ấn tăng mạnh, và hai khoản này ước chiếm 25 - 30% trong cơ cấu giá sách hiện nay. “Chúng tôi buộc phải xem lại kế hoạch 6 tháng cuối năm để điều chỉnh sao cho thích hợp” – bà Nguyệt chia sẻ.

Điều rõ nhất hiện nay là lạm phát dẫn đến sức mua của bạn đọc giảm xuống. Một trong những biện pháp “tự cứu” của NXB Trẻ là loại sách nào chưa cần so với nhu cầu bạn đọc sẽ được dời đến kế hoạch năm sau. Đồgn thời, để giữ sự cộng tác của các tác giả thân thiết, NXB bảo đảm in sách của họ theo đúng thời hạn hợp đồng đã ký song cũng sẽ không tránh khỏi một số trường hợp phải thương lượng để hai bên cùng thỏa thuận về kế hoạch được điều chỉnh.

Những khó khăn ấy đang ảnh hưởng đến doanh thu và số lượng ấn bản. Số lượng đầu sách năm nay so với năm ngoái đã giảm khoảng 20%. "Sách không phải là mặt hàng thiết yếu nên việc tính toán thật kỹ sức mua, thận trọng chọn đầu sách có khả năng gây thu hút với thị trường để cơ cấu giá bìa sao cho phù hợp với tình hình thị trường hiện nay là bài toán khó đối với doanh nghiệp" - bà Nguyệt cho biết thêm.

Coi việc tăng giá sách chỉ là “biện pháp tạm thời”, và cũng chỉ có thể tăng đến một mức độ nhất định, bà Đỗ Thị Phấn, Giám đốc NXB Văn hóa Sài Gòn chia sẻ: “trong điều kiện lạm phát gia tăng, mọi thứ ngày càng đắt đỏ hiện nay, điều quan tâm trước tiên bao giờ cũng là cơm áo, sau đó mới đến... sách!”

Để tìm giải pháp cho thực trạng này, NXB Tổng hợp TPHCM chọn cách tập trung xuất bản mảng sách đáp ứng các yêu cầu cấp bách như sách phục vụ công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ thành phố, sách lịch sử truyền thống địa phương, sách học ngoại ngữ, sách tham khảo cho học sinh... Bên cạnh đó cho xuất bản tủ sách “Bạn của nhà nông” gồm nhiều tựa theo yêu cầu của bạn đọc muốn có kiến thức và những đổi mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta hiện nay.

Với hy vọng sẽ tìm ra những biện pháp hữu hiệu hơn để sách vượt qua "cơn bão" giá này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM chia sẻ: hiện nay, NXB chỉ ấn hành những đầu sách có thể tiêu thụ nhanh để tránh ứ đọng và trượt giá. Bên cạnh đó vẫn liên doanh với NXB McGrawhill theo phương châm “Hội nhập tri thức toàn cầu” để ra thêm những cuốn sách dành cho các nhà quản lý.

Giá giấy các loại tăng mạnh khiến mùa vụ sản xuất tập học sinh đều có mặt bằng giá mới với mức tăng ít nhất từ 10-15% so với đầu năm. Công ty Phát hành sách TPHCM Fahasa buộc phải tăng giá bán tập từ 10-15% so với trước cho 5 triệu cuốn tập phục vụ năm học mới, "sau khi đã tính tới tính lui hết nước cũng chỉ vì không kham nổi giá giấy tăng quá mạnh" - ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Fahasa cho biết.

Giáng Tiên