itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Nghề làm nón lá Huế đang đứng trước thách thức

Nghề làm nón lá Huế đang đứng trước thách thức

Nón chính là biểu tượng của Việt Nam, là đồ vật truyền thống và phổ biến trên khắp mọi miền đất nước. Nếu ở một nơi xa xôi nào đó không phải trên đất Việt Nam, bạn bỗng thấy chiếc nón trắng, đó chính là tín hiệu Việt Nam.

Chiếc nón Việt Nam được làm ra để che mưa, che nắng. Nó là người bạn thuỷ chung của những con người lao động một nắng hai sương. Nhưng công dụng của nó không dừng lại ở đấy, nó đã trở thành một phần cuộc sống của người Việt Nam. Trên đường xa nắng gắt hay những phút nghỉ ngơi khi làm đồng, ngồi bên rặng tre cô gái có thể dùng nón quạt cho ráo mồ hôi. Bên giếng nước trong, giữa cơn khát cháy cổ, nón có thể trở thành chiếc cốc vại khổng lồ bất đắc dĩ, hay có thể thay chiếc chậu vục nước mà áp mặt vào đó cho giải bớt nhiệt.

Nhắc đến Huế, người ta thường nghĩ ngay đến dòng sông Hương, những cô gái dịu dàng bên tà áo dài tím... và có lẽ người ta cũng không thể quên chiếc nón bài thơ mang đậm tâm hồn Huế.

Nguyên liệu làm nón không phức tạp. Ở nơi nào cũng vậy, muốn làm được một chiếc nón phải dùng lá của một loại cọ nhỏ mọc hoang, dùng sợi nón - một loại sợi rất dai lấy từ bẹ cây móc (ngày nay người ta thường dùng sợi chỉ nilon) và tre. Tàu lá nón khi đem về vẫn còn xanh răn reo, được đem là bằng cách dùng một miếng sắt được đốt nóng, đặt lá lên dùng nắm dẻ vuốt cho phẳng. Lửa phải vừa độ, nếu nóng quá thì bị ròn, vàng cháy, nguội quá lá chỉ phẳng lúc đầu, sau lại răn như cũ. Người ta đốt diêm sinh hơ cho lá trắng ra, đồng thời tránh cho lá khỏi mốc.
Tre chọn ống dài vuốt nhọn, gác lên dàn bếp hong khói chống mối mọt, dùng làm vòng nón. Nón Chuông có 16 lớp vòng. Con số 16 là kết quả của sự nghiên cứu, lựa chọn qua nhiều năm, cho đến nay đã trở thành một nguyên tắc không thay đổi. Chúng đã tạo cho những chiếc nón Chuông có được dáng thanh tú, không quá cũn cỡn, không xùm xụp. Nhưng vẻ đẹp của chiếc nón chủ yếu nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên. Người thợ khâu nón được ví như người thợ thêu. Vòng tre được đặt lên khuôn sẵn, lá xếp lên khuôn xong là đến công việc của người khâu. Những mũi kim khâu được ước lượng mà đều như đo. Những sợi móc dùng để khâu thường có độ dài, ngắn khác nhau. Muốn khâu cho liên tục thì gần hết sợi nọ phải nối tiếp sợi kia. Và cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc được dấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã thành hình.
Về mặt hình dáng, chất liệu và công dụng, nón bài thơ xứ Huế cũng giống như nón cùng loại của một số địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, nét đặc thù mang đậm dấu ấn phong cách Huế chính là dáng nón thanh tao mềm mại, màu trắng sáng xanh mát dịu của lá và những hình hoa văn được tạo rất khéo, bố cục cân đối nằm giữa 2 lớp lá, chỉ khi soi ra trước ánh sáng mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp đầy thi vị của nó. Ở Huế, chiếc nón không chỉ để che nắng mưa mà còn là một loại phục trang kết hợp cùng tà áo dài màu tím đặc trưng, càng làm cho vẻ đẹp của người phụ nữ thêm uyển chuyển và mềm mại trên từng bước chân thong thả, dịu dàng.

Huế có số lượng làng nghề làm nón nhiều nhất nước, nổi tiếng thì có Đồng Di, Tây Hồ, Phú Cam… với nón Bài thơ nức danh, rồi La Ỷ, Nam Phổ, Đốc Sơ với nón chằm ba lớp, ngoài ra còn có Dạ Lê, An Cựu, Triều Sơn chuyên làm nón “đội đi chợ” thông thường. Nhưng xem ra, khái niệm “làng nghề nón” có lẽ chỉ đúng với nghĩa nhiều nhà trong làng biết và có làm nón. Làm chứ không sống bằng nghề, cũng chẳng ai làm nón để tạo nguồn thu nhập chính.

Tuy nhiên nghề làm nón lá ở Huế đang đứng trước những thách thức, đó là thu nhập thấp và không ổn định. Trên thực tế, giá mỗi loại nón chỉ dao động từ 10.000-13.000 đồng/chiếc đối với nón thường (nón chợ) và 20.000-30.000 đồng/ chiếc đối với nón loại dày (nón đặt). Trong khi mỗi ngày người thợ chỉ chằm được 1 chiếc nón đặt hoặc 3-4 chiếc nón chợ. Mức thu nhập của người thợ vì thế cũng quá thấp làm cho họ không thể chuyên tâm với nghề. Nguyên liệu làm nón cũng ngày càng khan hiếm do nạn chặt phá rừng ồ ạt và việc khai thác lá nón không có tính bền vững làm cho diện tích vùng nguyên liệu lá nón bị thu hẹp. Nghề khai thác lá nón cũng là nghề nhọc nhằn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không thuận lợi do sự phát triển ồ ạt của các loại mũ vải thời trang và mũ bảo hiểm - loại mũ đã được quy định bắt buộc đối với những người đi xe máy - đang làm cho nón lá mất đi chỗ đứng của nó.

Nỗi lo của làng nghề chằm nón truyền thống trong thời buổi kinh tế thị trường hiện đại hôm nay. Có cách gì để những chiếc nón không chỉ để treo, để diễn, để làm quà lưu niệm mà còn để đội đầu che nắng che mưa và làm đẹp cho con người đã làm ra nó.

H.N (tổng hợp)