itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Người cao tuổi ăn uống thế nào là hợp lý?

Người cao tuổi ăn uống thế nào là hợp lý?

Uống nước nhiều và uống từng ngụm nhỏ cũng làm giảm lo âu - Ảnh: N.C.T.

Nhu cầu năng lượng ở người trên 60 tuổi là 1.900 kcal (nam) và 1.800 kcal (nữ). Tuy nhiên, nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sự quan tâm đến cuộc sống nên ăn không đủ nhu cầu. Vậy dinh dưỡng thế nào là hợp lý?

Nên: uống đủ nước, ăn đa dạng thực phẩm. Chọn gạo mềm, dẻo, không xát quá trắng, giảm cơm và dùng thêm các loại ngô, khoai. Nên ăn cá nhiều hơn thịt, ít nhất ba lần/tuần, tăng sử dụng đạm thực vật như đậu hủ, tàu hủ ki, sữa đậu nành, các loại đậu đỗ. Uống sữa (chọn loại giảm béo, ít đường), có thể chọn sữa chua dễ tiêu hóa hơn. Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin C, vitamin E, beta - caroten) có trong rau quả tươi nhiều màu sắc, dầu thực vật. Hạn chế: muối, mỡ động vật, thực phẩm nhiều đường ngọt (kể cả mật ong) và thức uống có cồn.

Người cao tuổi thường lo âu, phiền muộn... dẫn tới chán ăn hoặc ăn rất ít, có khi bỏ bữa, dẫn tới suy dinh dưỡng, làm tăng khả năng mắc bệnh nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch. Những bữa ăn sum họp, được sự quan tâm của gia đình và xã hội sẽ giúp họ vui vẻ và ăn đầy đủ hơn.

Việc sử dụng thuốc điều trị một số bệnh ở người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các dưỡng chất theo nhiều cách khác nhau, ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa có thể làm thay đổi pH của dịch vị, làm giảm tiết dịch tiêu hóa, gây ức chế hấp thu một số dưỡng chất… Tốc độ chuyển hóa của thuốc và giải độc chất bởi gan ở người cao tuổi cũng chậm hơn so với người trẻ hoặc trung niên, nên có thể làm thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và hiệu quả sử dụng thuốc cũng chậm hơn. Do đó, hạn chế sử dụng các thuốc có nhiều tác dụng phụ, độc cho gan, thận và chỉ uống thuốc khi thật cần thiết.

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
KIM SƠN ghi