itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Đôla dầu hỏa và Jihad

Đôla dầu hỏa và Jihad

Nhiều công dân mang quốc tịch Saudi

bị cáo buộc dính líu khủng bố chống Mỹ

Giới thiệu: Trong mấy năm gần đây, Ảrập Saudi đã bị cáo buộc là sử dụng nguồn tài chính khổng lồ của họ để cổ vũ cho một hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan trên thế giới.

Phóng viên Trung Đông của BBC, Roger Hardy, đã bỏ ra hai tháng để điều tra về cái gọi là chủ nghĩa Wahhabi, một nhãn hiệu Hồi giáo đặc trưng của Ảrập Saudi.

Chương trình này cũng đặt câu hỏi phải chăng tiền bạc của Ảrập Saudi đang góp phần vào việc tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan.

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu tại Dir’iya, nằm ở phía tây bắc của thủ đô Riyadh. Đây là thủ đô đầu tiên của nhà nước Ảrập Saudi mà nay đã 250 năm tuổi.

Chính tại Dir’iya, vào giữa thế kỷ 18, có hai người đàn ông đã kết liên với nhau – liên minh của họ sẽ trở thành cái nôi của nhà nước Saudi hiện đại.

Một người là lãnh đạo của một dòng họ chính trị, Mohammed bin Saud, người còn lại là một học giả tôn giáo, có tên Muhammad ibn Abd-al-Wahhab. Ông là người sáng lập cái mà sau này thế giới biết đến với cái tên chủ nghĩa Wahhabi.

Nguồn gốc

Ahmed Saifuddin Turkistani, giáo sư tại một trong những đại học tôn giáo hàng đầu của Ảrập Saudi, nói Muhammad ibn Abd-al-Wahhab là một nhân vật rất nổi bật trong lịch sử Ảrập Saudi, và cả trong lịch sử Hồi giáo hiện đại.

Các nhà điều tra Mỹ tin rằng tiền của
Ảrập Saudi đã giúp thánh chiến Jihad

“Ông sinh ra vào năm 1703. Ông học thuộc kinh Koran ngay khi còn trẻ, chỉ mới 20 tuổi. Ông nắm bắt hầu hết kiến thức về Hồi giáo.”

Turkistani nói vị học giả này không vui trước những gì đang xảy ra.

“Có những thói tục lạc hậu mà không thuộc về đạo Hồi: thuyết đa thần, tin rằng có nhiều thượng đế, rồi thì người dân tìm đến những kẻ được gọi là thánh, xin ban phúc lành một cách ngu ngốc. Ông không vui, và vì thế ông bắt đầu đặt câu hỏi: làm thế nào tôi thay đổi được điều này?”

Gia đình của Muhammad ibn Abd-al-Wahhab và gia đình Ib Saud bắt đầu hợp tác với nhau.

Cuộc hôn nhân giữa tôn giáo và chính trị này đã định hình tính chất của Ảrập Saudi cho đến ngày hôm nay.

Và kể từ ngày 11-9, nó đã gây vấn đề cho thế giới bên ngoài. Chủ nghĩa Wahhabi là cốt lõi cho sự chính danh của nhà nước Saudi, và mục tiêu chính của nhà nước là cỗ võ cho nó ở cả trong và ngoài nước.

Nhưng chủ nghĩa Wahhabi là gì? Câu hỏi được đặt cho Lawrence Wright, tác giả cuốn sách “Ngọn tháp từ xa: Con đường của Al-Qaeda dẫn tới 11-9”, được giải Pulitzer.

“Cốt lõi của chủ nghĩa Wahhabi, theo như tôi hiểu, là sự tinh khiết. Họ chủ yếu quan tâm việc thanh lọc tôn giáo, lọc lựa để quay lại với cái mà họ cho là hạt nhân nguyên thủy của Hồi giáo.”

Lawrence Wright nói thêm rằng nhờ vào tài nguyên dầu hỏa khổng lồ của mình, người Ảrập Saudi có thể tạo một ảnh hưởng vô cùng lớn đối với thế giới Hồi giáo.

“Theo al-Hayat, tờ báo Ảrập chủ chốt, thì Ảrập Saudi chiếm tới 90% đóng góp từ thiện trong các nước Hồi giáo.”

“Trong nhiều thế kỷ, mọi chi phái của Hồi giáo đều được tự do giảng dạy tại Mecca. Điều này đã thay đổi. Hiện nay chỉ có chủ nghĩa Wahhabi là được phép dạy, thực hành tại Ảrập Saudi mà thôi.”

‘Bảo thủ’

Đối với những người chỉ trích, chủ nghĩa Wahhabi không chấp nhận các hình thức khác của Hồi giáo, và có quan điểm vô cùng bảo thủ về các vấn đề xã hội như quyền phụ nữ.

Cáo buộc này gây khó chịu cho hoàng gia hiện nay của Ảrập Saudi. Turki al-Faisal, cựu lãnh đạo tình bạo, cựu đại sứ ở Anh và Mỹ của Ảrập Saudi, là một trong những hoàng tử cao cấp nhất tại vương quốc.

Ông này nói: “Một số người trên thế giới thẳng thừng bảo rằng chủ nghĩa Wahhabi là vấn đề, rằng chủ nghĩa Wahhabi đã thúc đẩy sự thù địch giữa người Hồi giáo và phi Hồi giáo, là bàn đạp cho jihad. Tôi cũng sẽ thẳng thừng nói rằng đó là cáo buộc sai trái.”

Với những người như hoàng tử Turki, chủ nghĩa Wahhabi là một sáng tạo ác hiểm. Họ bác bỏ từ này. Nhưng dù có sử dùng từ gì, thì cốt lõi trong niềm tin của họ là chủ nghĩa độc thần.

Ảrập Saudi không chỉ tìm cách cổ vũ cho tín điều của họ tại cái nôi của Hồi giáo, mà cả ra thế giới.

Một cựu viên chức của Bộ tài chính Mỹ ước tính Ảrập Saudi đã bỏ ra 75 tỉ đôla để xây đền thờ, trường học và xuất khẩu chủ nghĩa Wahhabi.

Bành trướng

Giáo sư Bernard Haykel, ở Đại học Princeton, nhắc lại giai đoạn thập niên 1960 và 1970, khi Vua Faisal thành lập các tổ chức bảo vệ tính chính thống của chính quyền Saudi, thông qua Hồi giáo, và không chỉ bảo vệ nó ở trong nước mà cả nước ngoài.

“Ông ta huy động nhiều lực lượng Hồi giáo, cố gắng thuyết phục họ về giá trị của chủ nghĩa Wahhabi, rồi bỏ tiền vào, phát triển ý thức hệ này trong thế giới Hồi giáo.”

Theo GS. Haykel, người Saudi thu lại xứng đáng với tiền bạc bỏ ra, nhưng họ cũng quá tự tin.

“Một khi chim đã sổ lồng thì họ không còn bắt nó lại được nữa, đặc biệt là sau họ đã thắng Liên Xô trong cuộc chiến ở Afghanistan.”

Afghanistan là vùng đất đào tạo cho một thế hệ tín đồ Hồi giáo mới, trong đó có lãnh đạo al-Qaeda Osama Bin Laden.

Sau các vụ tấn công của al-Qaeda vào Tòa Tháp đôi ở New York, thế giới đi tìm nguồn gốc của đạo Hồi cực đoan và tìm thấy chúng trong các đền thờ xây bằng tiền của Ảrập Saudi.

"

Một khi chim đã sổ lồng thì họ không còn bắt nó lại được nữa, đặc biệt là sau họ đã thắng Liên Xô trong cuộc chiến ở Afghanistan.

GS. Bernard Haykel

"

Nhiều người cho rằng nguồn gốc của vấn đề là ảnh hưởng của tầng lớp lãnh đạo tôn giáo tại nước này.

Nên nhớ 250 năm trước, mối liên minh giữa triều đình al-Saud và các giáo sĩ đã tạo nên nền móng cho nhà nước Ảrập Saudi. Vì thế, đối đầu với giới tu sĩ sẽ gây nguy hiểm cho liên minh này.

Kết quả là một sự dùng dằng từ phía chính quyền. Nhà chức trách có những biện pháp đi quá xa đối với giới tu sĩ, nhưng lại không đủ cho những người theo quan điểm tự do.

Chỉ cho đến khi al-Qaeda tấn công thủ đô Riyadh tháng Năm 2003, giết chết 35 người, chính phủ Ảrập Saudi mới có hành động.

Cựu lãnh đạo tình báo và cựu đại sứ ở Anh và Mỹ, Hoàng tử Turki al-Faisal, nói vụ đánh bom cho thấy al-Qaeda thực sự muốn gì.

“Theo tôi, điều mà nhiều người ở phương Tây không cảm nhận rõ là mục tiêu chính của Bin Laden không phải là Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Bali hay Istanbul. Mà là Ảrập Saudi.”

Đó là một tuyên bố được tính toán nhằm trình bày Ảrập Saudi như nạn nhân của khủng bố, và đánh lạc hướng chú ý về vai trò của nước này trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Về một số mặt, các vụ đánh bom đã khiến nhà chức trách có hành động. Nhưng vẫn có một sự miễn cưỡng không muốn đi quá xa vì sợ gây phẫn nộ cho giới lãnh đạo tôn giáo.

Các hoàng tử Saudi vẫn nằm trong vòng tay của các giáo sĩ Wahhabi, vì họ phải dựa vào giới chức tôn giáo để tồn tại.

Các biện pháp họ thi hành sau cú sốc 11-9 là nhằm giải tỏa khó khăn của họ, và lấy lòng người Mỹ, chứ không phải là tín hiệu của một thay đổi chiến lược thực sự.

Sau nhiều thập niên cổ vũ cho chủ nghĩa Wahhabi, đổ hàng tỉ đôla dầu hỏa vào dự án này, không có dấu hiệu cho thấy vương quốc này sắp thay đổi.

Theo BBC