itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Bao giờ phim Việt thôi "lận đận"?

Bao giờ phim Việt thôi "lận đận"?

Dù lạc quan đến chừng nào, các nhà sản xuất và đạo diễn phim cũng không dám chắc: Bây giờ phim Việt mới "ra lò" là có lãi.

Đã nhiều phim, ngay sau chiếu duyệt, tác giả còn đang đi chào hàng ở nước ngoài thì ngoài chợ đã bày bán công khai, nhan nhản với giá 14.000 đồng một phim dưới dạng đĩa DVD. Nhưng để tồn tại, phát triển và nhiều tham vọng, mưu cầu khác mà các hãng, các đơn vị vẫn phải sản xuất phim.

Phim Việt và người xem đang đứng trước một thách thức lớn, một rào cản ngoài tầm kiểm soát của ngành điện ảnh? Cứ làm phim là lỗ (xét thuần tuý góc độ kinh tế), dù có thể đó là bộ phim hay, hấp dẫn. Vì sao vậy?

Đi chợ phim

Vừa mới đây, chúng tôi đã thực tế khảo sát tại các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định... Các đầu nậu buôn bán, kinh doanh băng đĩa hình đều thừa nhận thật hồn nhiên: cứ rạp phim có gì thì chợ có ngay phim đó và với giá cực rẻ: 14.000 đồng/ một DVD phim Việt.

Sáng 16/12, vào cửa hàng tại nhà số 3, Thịnh Yên, Hà Nội, gia chủ bưng ra một mẹt phim Việt mới để chào hàng gồm có: Dòng máu anh hùng, Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Giải phóng Sài Gòn... (cũng phải nói thêm rằng, các phim trên như Áo lụa Hà Đông - chi phí sản xuất 16 tỷ đồng; Giải phóng Sài Gòn - 13,5 tỷ đồng; Dòng máu anh hùng - hơn 20 tỷ... tất cả đều chưa thu hồi được một phần vốn).

Tôi còn đang hoài nghi về chất lượng hình ảnh và âm thanh của các DVD nói trên thì gia chủ đã nhanh tay bật máy thử và khẳng định đủ chất lượng ở thời đại kỹ thuật số này. Nhưng không phải chỉ một cửa hàng hay một nhóm ở khu "chợ trời" Thịnh Yên. Thực ra, mọi tuyến phố, ngõ ngách đều có phương thức bán các DVD trái phép.

Hà Nội còn có cả dịch vụ phục vụ tận nơi qua điện thoại, anh Nguyễn Văn Hùng (chạy xe ôm cho một cửa hàng ở Hàng Bài) còn được sử dụng cả máy tính xách tay để chào hàng và thử phim, tránh phiền hà khi khách yêu cầu đổi lại.

Anh cũng cho biết: Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông và trước đây là Nữ tướng cướp, Lọ lem hè phố, vừa giao cho các tỉnh vừa giao lẻ có ngày anh tiêu thụ cả ngàn đĩa phim. Điều đáng ngạc nhiên là, những đầu mối như vậy họ không biết hoặc không ý thức được chính họ cũng đang vi phạm pháp luật, vi phạm luật Điện ảnh.

Cũng anh Hùng còn trả lời tỉnh queo với chúng tôi: "Mình không bán phim phản Đảng, phản chính quyền, không bán phim độc hại, tươi mát thì có gì sai?" Còn chuyện bản quyền? Anh Hùng trả lời: "Đấy là việc của công an, của các "ông văn hoá" với những người tuồn hàng ra, những người quay lén, những người đã in đĩa lậu"??

Phía nhà sản xuất và chịu trách nhiệm phát hành phim họ cũng biết việc này nhưng đành... bó tay. Một phần là lực bất tòng tâm, và phần nữa, suy đến cùng chúng ta cũng chỉ có ngần đó rạp. Tuyến nông thôn, miền núi, các đội chiếu phim lưu động phần lớn đã bị xoá sổ.

Một số rạp xuống cấp, cũ kỹ và lạc hậu nay chưa được cải tạo nên làm sao mà khán giả có chỗ xem. Thậm chí, có diễn viên như M.T khi được hỏi về chuyện phim truyền hình bị thẩm lậu, phát hành bừa bãi anh còn tỏ ra thích thú. Rồi chua xót: "Em tham gia đến ba bốn phim nhựa rồi mà chẳng thấy chiếu ở rạp phim gì cả, em buồn quá. Ít ra qua DVD như vậy cũng là một cách để khán giả biết đến mình!"

Chúng tôi cũng được biết, có nhiều diễn viên chung tâm trạng như vậy. Thử hỏi chuyện nhóm tác giả Mái trường yên tĩnh (Hãng phim truyện Việt Nam) và Hải Quỳ (Hãng phim truyện I), cả hai đều là những phim tốt về đề tài giáo dục, vậy mà sản xuất, duyệt đã xong, cũng đã qua hai mùa Cánh diều vàng rồi nay vẫn nằm kho?

Cũng chỉ vì các phim trên... chưa tìm được chỗ chiếu, chưa có người bảo trợ và như vậy xin khoan hãy bàn đến cụm phim nằm kho ấy hay hoặc dở, có ăn khách không? Mà trước hết hãy tìm cho họ một kênh phổ biến tác phẩm tác phẩm, đứa con tinh thần của cả một tập thể đã.

Vào rạp

Mặc dù vẫn được nhận thông tin: Ưu tiên cho phim Việt vào rạp, nhưng thực tế hiện nay không phải vậy. Dường như các cụm rạp trên toàn quốc đều giới thiệu pa-nô, áp-phích, tuyên truyền nội dung cho phim ngoại.

Lịch chiếu phim Hàn, phim Mỹ, phim Trung Quốc... được ấn định trước cả hai quý. Cũng bởi chính lãnh đạo các cụm rạp này bỏ tiền ra mua phim, góp vốn xây rạp, họ phải tận thu cả về việc chiếu phim và quảng cáo.

Phim Việt thường chỉ "lọt" vào trong các dịp lễ, Tết. Phim Việt của các Hãng tư nhân dễ chia chác hơn nhưng cũng còn phải xếp hàng, nói gì đến những bộ phim của các Hãng nhà nước.

Tổng công ty nhập khẩu và phát hành phim Trung ương trước đây (FaFilm Việt Nam) mặc dù nhiều kinh nghiệm, nhiều cán bộ có năng lực trong việc dự báo sản xuất, mua bán phim và đặc biệt là phát hành phim và chiếu bóng nhưng này đã không đủ điều kiện để "cầm" được thế trận phát hành.

Họ không can thiệp được vào các cụm rạp hiện đại, cũng không còn "chân rết" là ngành dọc gồm tuyến rạp và đội chiếu bóng lưu động địa phương để phát hành phim. Có thể khẳng định: Trên lãnh địa quen thuộc của mình, ngành điện ảnh hiện nay đang rất lúng túng, đặc biệt là công tác phát hành phim và chiếu bóng.

Cũng từ thực tế các rạp hiện có, căn cứ lượng phim ngoại nhập và sản xuất trong nước thì số rạp như hiện nay là quá mỏng, phân bố không đồng đều. Theo tính toán của ông Lê Đức Tiến Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam thì ít nhất ngay lập tức chúng ta phải xây dựng cơ số rạp gấp mười lần mới phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem.

Còn theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc hãng phim Hội điện ảnh: "Nhà nước cần có sự hoạch định một hệ thống phát hành thông suốt từ trên xuống dưới liên kết chắc chắn ba khâu: sản xuất phát hành phim và chiếu bóng".

Cũng cần phải nói thêm rằng: Chủ trương cổ phần hoá là đúng đắn và cần thiết nhưng trong lĩnh vực chung của ngành điện ảnh thì không phải là việc ai nấy lo. Cổ phần hoá cũng rất cần một hiệp hội phát hành phim Việt Nam trong đó có các nhà sản xuất, chủ rạp, lãnh đạo công ty điện ảnh của các tỉnh cùng chung tôn chỉ, mục đích hoạt động để bảo vệ và ưu tiên phim Việt Nam.

"Để phim Việt Nam đến với khán giả" - "quả bóng" đang ở chân các nhà quản lý, sản xuất chứ không phải là từ phía người xem. Một khi nhu cầu, thị hiếu muốn xem những hình ảnh đẹp và âm thanh tốt của phim truyện nhựa không được đáp ứng họ "đành" phải lựa chọn cách xem qua DVD lậu. Có cầu, ắt sẽ có cung - người xem gián tiếp kích thích cả hệ thống in sao, buôn bán các đĩa phim lậu.

Thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về nhà sản xuất, sau nữa, phim không ra rạp, không có nơi cho khán giả tận hưởng cũng làm cho các nghệ sĩ nản lòng và quan trọng hơn nếu tiếp tục như vậy sẽ không có tiền đề tái sản xuất.

Mong muốn rằng, trong xu thế cổ phần hóa đồng bộ ngành điện ảnh, chúng ta không còn giẫm phải những bước chân cũ của ngày hôm qua.

Theo L.N.N (ĐAKT)