itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / 2008, điện ảnh sẽ có chuyển biến

2008, điện ảnh sẽ có chuyển biến

Đó là niềm hy vọng của ông Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN - khi năm 2007 sắp sửa qua đi.

Thưa ông, nhìn nhận lại tình hình điện ảnh năm 2007 có thể bắt đầu từ hai sự kiện: Giải Cánh diều của hội (5.2007) và LHP lần thứ 15 (11.2007). Nhân việc công chiếu phim "Hà Nội, Hà Nội" tại TPHCM, 6.12, báo giới TPHCM mới được xem phim này. Xem xong phim, nhiều người ngạc nhiên: Phim như vậy mà được trao giải Cánh diều vàng, Bông sen vàng. Điều gì đang xảy ra với điện ảnh nước ta vậy?

- Cũng khó nói lắm! Quyền quyết định là ở Ban giám khảo. Đối với giải của hội: Tôi không ở trong BGK. Trong lúc chấm giải, với tư cách Chủ tịch hội, tôi có can thiệp vì việc chấm giải có sự vi phạm về quy chế. Cuối cùng, Ban tổ chức đã xem lại và hai phim "AÁo lụa Hà Đông", "Hà Nội, Hà Nội" đều được Cánh diều vàng.

Cuối 2006, trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông nhận định: 2007, điện ảnh VN chưa có sự chuyển biến. Ông bảo lưu ý kiến này?

- Vẫn giữ ý kiến này thôi. 2007, điện ảnh nước nhà không có gì được gọi là đột phá, bởi các nguyên nhân: Đội ngũ thiếu, đặc biệt là người tài. Chỉ cần có một vài tài năng thì mọi chuyện đã khác hẳn! Kinh phí Nhà nước cấp vẫn là 15 tỉ đồng để các hãng ngoài chuyện làm phim theo kế hoạch, còn chi trả lương cho CBCNVC; thị trường phim trong nước thì co hẹp, nói chi chuyện xuất khẩu? Đó, cái vòng luẩn quẩn không thoát được.
Tất cả vẫn chỉ là mong muốn, đòi hỏi, trong khi việc chính là phá vòng luẩn quẩn lại không giải quyết được. Muốn có sự đột phá, cần: Cử vài trăm người ra nước ngoài học về điện ảnh để 5-7 năm sau, lực lượng này làm nên chuyện; Nhà nước phải có quy hoạch rạp, nhất là ở các khu dân cư mới, sau đó mới là chuyện tư nhân "nhảy" vào xây rạp; chính sách xã hội hoá điện ảnh phải được đẩy mạnh hơn, thực chất hơn, như chính sách thuế, ưu đãi với những tư nhân bỏ tiền xây rạp, nhà văn hoá...

Ba diễn viên: Thanh Vân, Đan Lê, Hồng Hạnh
trong phim "Em muốn làm người nổi tiếng".

Nói chuyện nhân lực làm điện ảnh, thực tế, vài ba năm nay, cờ đã được trao cho một số đạo diễn trẻ. Nhưng, nhìn một cách công tâm, nghiêm khắc, sau khi làm được một, cùng lắm hai phim, những phim tiếp họ làm không đáp ứng được sự kỳ vọng ở người xem...

- Đạo diễn trẻ năng động, nhiệt tình, yêu nghề - là điều rõ ràng. Nhưng cũng có người khả năng có hạn. Điều này, một số anh em cũng tự thấy thế. Bản thân họ cố gắng tối đa để làm phim trong điều kiện làm phim ở ta chưa chuyên nghiệp. 2008, liệu họ có thể làm được gì nổi bật chăng, cũng còn phụ thuộc nhiều điều...

Điện ảnh nước nhà năm 2007 ghi nhận sự đóng góp của một số nhà làm phim là Việt kiều. Theo ông, vấn đề hợp tác làm phim trong năm 2008 sẽ phát triển theo hướng nào?

- Chủ trương chung của chúng ta là mở rộng cửa đón chào anh em Việt kiều về nước làm phim. Tới lúc này, theo tôi được biết, năm tới, chưa nhiều anh em Việt kiều có quyết định về nước làm phim. Tôi cho rằng, việc hợp tác làm phim, dù người làm phim là Việt kièu hay người nước ngoài thì chúng ta cũng nên trong tư thế chủ động mời gọi, tạo điều kiện. Như trường hợp ông Oliver Stone chuẩn bị làm phim "Làng Hồng", đã sang ta, về Mỹ Lai... Nhưng cuối cùng ông lại quyết định sang Thái Lan làm phim. Theo chúng tôi, để sự việc xảy ra như vậy là rất dở, dù bởi bất cứ nguyên nhân gì. Cung cấp dịch vụ làm phim, chúng ta thu không chỉ là tiền, mà còn học được nghề, giao lưu.

Nhìn nhận của ông về điện ảnh nước nhà năm 2008?

- Có nhiều triển vọng tốt! Trước hết là về công trình làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ngoài phim truyện, chúng ta còn làm phim hoạt hình dài tập. Riêng về hoạt động của hội, hội đã thực hiện xong phim tài liệu chính luận "Hồ Chí Minh - nhìn từ thế kỷ 21" (2 tập x 45 phút, chiếu trên truyền hình từ 3.2008, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, chỉ đạo nội dung Trần Luân Kim), phim "Em muốn làm người nổi tiếng" của đạo diễn Nguyễn Đức Việt cũng đã xong phần hậu kỳ. Tháng 3.2008, Giải Cánh diều vàng sẽ được tổ chức tại TPHCM. Hội đang cùng TPHCM chuẩn bị cho dự án tổ chức LHP quốc tế thường niên tại TPHCM, dự án này chắc phải 2009 mới khởi động.

Thuỳ Ân / Laodong