itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Phim kinh dị Việt Nam : Liệu có được nối dài

Phim kinh dị Việt Nam : Liệu có được nối dài

Bên cạnh các thể loại: hành động, phiêu lưu mạo hiểm... phim kinh dị cũng là một trong những “món ăn” hấp dẫn nhiều khán giả có thần kinh thép. Nắm bắt được nhu cầu này, các đạo diễn Việt Nam đang có một hướng đi mới: sản xuất phim kinh dị.

Lâu nay, điện ảnh Việt Nam đã bỏ trống thể loại phim kinh dị. Không hẹn mà gặp, cả hai bộ phim kinh dị đang khởi chiếu Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn đều lấy bối cảnh là thành phố cao nguyên Đà Lạt. Có lẽ những ngôi nhà cổ kính, những con đường dốc, những đồi thông âm u với sương mù giăng kín... đã khiến đạo diễn Nguyễn Chánh Tín khi làm phim kinh dị lập tức nghĩ đến Đà Lạt.

Trước khi bắt tay thực hiện hai bộ phim Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín từng thành công với những bộ phim kinh dị ở thập niên 90 của thế kỷ 20 như: Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người. Để nối dài niềm đam mê điện ảnh, NSƯT Chánh Tín đã quyết định thành lập một hãng phim mới mang tên anh. Ngôi nhà bí ẩn Suối oan hồn là hai bộ phim nhựa đầu tiên ra mắt khán giả của hãng Chánh Tín film. Vì mỗi phim chỉ dài 45 phút nên với mỗi tấm vé, khán giả sẽ được thưởng thức hai phim với đề tài và dàn diễn viên khác nhau.

Ngô Thanh Vân trong vai Trúc

Ngôi nhà bí ẩn kể về nữ đạo diễn tên Trúc (Ngô Thanh Vân đóng). Trúc đang ấp ủ làm một bộ phim kinh dị để “doạ” khán giả. Cô đạo diễn này là một người cứng bóng vía và dĩ nhiên cô không tin có ma, nên cũng không sợ ma. Nhưng chính tại “ngôi nhà bí ẩn” - nơi đoàn phim của Trúc đang quay, cô đã bị “ma” dọa. Trúc quyết tìm gặp “con ma” mặc toàn đồ trắng bằng được. Bức màn bí mật được vén lên. Đó là một câu chuyện buồn của gia đình vị bác sĩ từng sống ở đây. Diễn xuất của những nghệ sĩ tên tuổi như: Hoàng Sơn, Mạc Can, Đào Bá Sơn... đã mang đến cho khán giả cảm giác thích thú, buồn cười khi được xem người khác sợ ma như thế nào.

Suối oan hồn đưa người xem đến một vùng đất hoang sơ. Nơi đây, khi màn đêm buông xuống, những người dân như: ông Hai (Lê Bình đóng), dì Út (Hiền Mai)... lại bị ma đến hù dọa. Nhưng cuối cùng sự thật cũng được sáng tỏ. Chẳng có ma quỷ nào cả, chỉ có lòng tham lam, độc ác của con người đối xử với nhau mới thật đáng sợ... Theo đạo diễn: “Chúng tôi không đem ma quái ra hù dọa, cổ súy dị đoan, mà là bài bác dị đoan. Sau mỗi câu chuyện là ngụ ý về chân - thiện - mỹ và cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác”.

Để tăng thêm hiệu ứng với người xem, bối cảnh phim hầu hết được ghi hình tại những với vắng vẻ, hoang vu như: vùng rừng núi Madagui (Lâm Đồng) - phim Suối oan hồn; “ngôi nhà ma” nổi tiếng ở Đà Lạt - phim Ngôi nhà bí ẩn. Những cảnh ma trong phim đều hiện lên giữa một không gian huyền bí với những ngọn nến leo lét, ánh trăng mờ ảo; không khí lạnh lẽo, âm u... kèm theo những tiếng gào thét, tiếng rên la ghê rợn...

Dù không sử dụng đến những cảnh quay kỹ xảo, không có những cảnh bắn, giết... nhưng nhờ cách dàn dựng phim theo hình thức ma quái, hồi hộp; cộng với sự phối hợp ăn ý giữa ánh sáng, âm thanh, nhạc nền, kỹ thuật hóa trang... phim đã làm không ít khán giả (thường là nữ) nổi da gà.

Có quá nhiều ý kiến xung quanh mức độ “kinh dị” của 2 bộ phim: Ngôi nhà bí ẩn Suối oan hồn. Thậm chí nhiều người còn đem so sánh hai tập phim này với những bộ phim cùng loại của các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hồng Kông. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta không nên phủ nhận những nỗ lực, niềm đam mê của NSƯT Nguyễn Chánh Tín nói riêng và những cộng sự của anh cho một dòng phim còn khá mới lạ với các nhà làm phim Việt Nam.

Hai bộ phim ra mắt khán giả lần này đã đánh dấu chính thức sự trở lại của thể loại phim kinh dị “made in Vietnam”. Nếu thành công, nó sẽ mở ra cơ hội, đồng thời cũng là động lực để cho dòng phim kinh dị của Việt Nam có cơ hội được nối dài.

Theo Đại đoàn kết