itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Rối nước làng Ra

Rối nước làng Ra

Trò “Múa tiên”

Làng Ra thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước cổ truyền Việt Nam. Từ nghìn năm trước, người dân làng ra đã biểu diễn múa rối nước và cho đến hôm nay, rối nước làng Ra không chỉ phục vụ dân làng mình mà còn đi khắp thế giới...

Tương truyền, vào thế kỷ XI, pháp sư Từ Đạo Hạnh, sau nhiều năm tu hành ở Trung Quốc và Ấn Độ, trên đường hành đạo, thấy đất Sài Sơn (Hà Tây nay) phong cảnh hữu tình, dân cư trù mật, Ngài đã cho xây dựng chùa Thầy, tu luyện và hỏa tại đây. Ngài còn dạy cho dân làng Ra hát chèo, múa rối nước và để lại ba mẫu ruộng ở xứ Đồng Vai làm vốn cho phường rối.

Trước kia, đứng đầu phường rối làng Ra có hai ông Trùm, dưới là 4 ông Trưởng. Các ông Trùm lo quản lý chung, lo giao tiếp, có quyền quyết định cao nhất, 4 ông Trưởng là 4 “đầu dây” giúp việc: Ghi chép, kỹ thuật, hậu cần, âm nhạc. Người được bầu Trùm, Trưởng thường là các cụ cao niên, tay nghề giỏi, gia đình có truyền thống rối nước, có uy tín, nhà không có tang. Trên cơ sở đề cử của các họ trong phường, cả phường tham gia bầu theo nguyên tắc “khuyết đâu bầu đấy”.

Dù được bầu nhưng chức Trùm, Trưởng vẫn phải... mua. Số tiền đó được dùng để mua vật liệu làm con rối. Bổng lộc các Trùm, Trưởng chẳng được nhiều, chỉ trong ngày lễ Tổ, mỗi ông Trùm được phần nửa ván xôi, nửa khoanh cổ lợn dày 5, 6 phân, còn 4 ông Trưởng được 4 chân giò, ai cao tuổi được chân trước, ai ít tuổi được chân sau. Riêng thủ lợn tế Tổ, thịt xương còn lại làm cỗ, đóng mâm theo lệ làng.

Trước năm 1955, ba mẫu ruộng mà pháp sư Từ Đạo Hạnh ban cho phường rối vẫn còn. Số ruộng đó được giao cho những gia đình nghèo trong phường (không có ruộng, không có nghề phụ) sử dụng theo hình thức bốc thăm để đảm bảo hòa khí, công bằng.

Có bao nhiêu hộ nghèo được chọn thì làm bấy nhiêu lá phiếu bằng thanh tre, nhưng chỉ có 3 thanh tre ghi “có”. Ông Trùm cho các thanh tre vào ống xóc đều lên, lần lượt từng người bốc, ai rút được thanh “có” thì được cấy ruộng phường.

Với truyền thống “tương thân tương ái”, ông Trùm đặt mức thu hàng năm, nhưng không bao giờ đặt cao quá, mà vừa phải, thậm chí thấp hơn mức tô ngoài phường. Khoản thu chỉ đủ chi cho việc làng lễ tế Tổ và ăn uống của phường (cao nhất là 40 người) trong hai ngày mùng ba, mùng bốn tháng ba Âm lịch. Chi phí đó thường gồm đôi lợn 30kg, kèm theo là gạo nếp, gạo tẻ, rượu và tiền sắm lễ...

Các gia đình được nhận ruộng cấy thỏa thuận phân chia nhau đóng góp và họ phải nộp đủ, đúng hạn. Chính việc coi trọng nghề múa rối như vậy đã khiến nghệ thuật múa rối làng Ra có điều kiện phát triển suốt cả nghìn năm qua cho đến tận hôm nay.

Hàng năm, vào lễ hội chùa Thầy, tại nhà Thủy đình hồ Long Đình - công trình kiến trúc đặc sắc, hiếm hoi và lâu đời nhất của múa rối được xây dựng từ thế kỷ 17, chỉ dành riêng cho phường rối làng Ra - các nghệ nhân của làng rối nghìn tuổi này lại biểu diễn nhằm tưởng niệm ông tổ nghề rối nước.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đoàn - Trưởng phường múa rối nước làng Ra cho biết, hiện phường của ông còn lưu giữ được hầu hết các trò rối cổ như Chăn vịt - rắn, Múa rồng, Ngựa đàn, Cày bừa - chọi trâu, Đi cấy - tát nước, Chơi đu, Múa tiên, Sư tử vờn cầu, Cá - rùa bơi lượn, Leo cột cắm cờ - đốt pháo bật cờ... Đặc biệt, kho rối của phường hiện còn giữ được những con rối cổ trên trăm năm tuổi.

Với những tiết mục rối cổ đặc sắc của mình, những nghệ nhân đồng ruộng làng Ra đã có những chuyến biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Đài Loan, Trung Quốc, Ý..., mang hồn văn hóa Việt giới thiệu với bạn bè khắp năm châu.

Đến làng Ra hôm nay, dù cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, nhưng trong làng không thiếu vắng tiếng nhị, tiếng sáo véo von, tiếng trống rung dồn dập và buồng trò rộn tiếng cười.

Phường rối làng Ra hiện nay có 25 nghệ nhân tuổi từ đôi mươi đến thất thập, họ giữ nghề múa rối nước truyền thống một cách hồn nhiên và say mê. Nhiều người trong phường rối là ông, cha, con cháu một nhà. Họ chơi rối từ bé, tình yêu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để cùng nhau giữ lấy nghệ thuật hồn nhiên của đất đai, ao hồ.

lAM điền