itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Dựng vở cải lương "Chiếc áo thiên nga" 2 tỉ đồng: Hy vọng diễn xong không bị xếp xó

Dựng vở cải lương "Chiếc áo thiên nga" 2 tỉ đồng: Hy vọng diễn xong không bị xếp xó

Sau kỷ lục dựng vở cải lương "Kim Vân Kiều" (KVK) với mức đầu tư 1,8 tỉ đồng, Tết tới đây, Nhà hát Trần Hữu Trang (TPHCM) lại tiếp tục chương trình "Hội ngộ tài năng 2" (14-16.2.2008 tại Nhà thi đấu Quân khu 7) bằng vở "Chiếc áo thiên nga" với đầu tư trên 2 tỉ đồng.

Giám đốc nhà hát Phan Quốc Hùng cho biết: "Hiện đã có một đơn vị tài trợ 800 triệu đồng (Cty TMCP xây dựng Bình Phát), họ còn đưa ra ý tưởng bán đấu giá bức tranh thêu đại bàng của X.Q để lấy tiền hỗ trợ các nghệ sĩ nghèo. Chúng tôi còn tiếp tục tìm người đầu tư. Nếu không đủ tài trợ thì nhà hát vay vốn để làm. Chúng tôi muốn dựng một vở có tầm, cả về nội dung lẫn nghệ thuật, để có chút tự hào về nghệ thuật cải lương TPHCM.

Kịch bản của Lê Duy Hạnh, Hoàng Song Việt chuyển thể, Hoa Hạ làm tổng đạo diễn. Vở diễn gồm 10 cảnh, mỗi diễn viên đảm nhận 5 cảnh, chứ không chỉ xuất hiện chừng 20 phút là thôi. Nét độc đáo lần này là chúng tôi mời thêm nhạc sĩ Đức Trí sáng tác và hoà âm phần nhạc nhẹ, cùng với Dàn nhạc Giao hưởng do nhạc trưởng Trần Vương Thạch chỉ huy. Đạo diễn Hoa Hạ còn đề nghị đưa vào dàn nhạc gõ. Cảnh đẹp nhất của vở diễn sẽ là 20 con thiên nga bay lên trời, tượng trưng cho linh hồn của Mỵ Châu-Trọng Thuỷ. Toàn bộ chương trình sẽ được các đài truyền hình miền Trung và miền Nam thu, phát".

Liệu một vở diễn tốn kém như vậy, song có phải cất xó như "Kim Vân Kiều" không, thưa ông?

- Tôi tin chắc lần này nhà hát sẽ mang đi diễn không chỉ ở trong nước, mà còn ở nước ngoài. Sở dĩ lần trước tôi bị lỡ hẹn với các tỉnh là vì toàn bộ nhóm thực hiện, đạo cụ cồng kềnh lẫn giàn 512 diễn viên, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như thế rất khó tổ chức đi biểu diễn. Lần này, chúng tôi rút kinh nghiệm cả về khâu tổ chức (thuê ghế tốt, có người tài trợ thiết kế khán phòng có độ dốc để khán giả không phải đứng xem), về dàn dựng sân khấu, lẫn khâu diễn viên tham gia, để có thể diễn lưu động.

Đạo diễn Hoa Hạ - người từng bị chỉ trích cũng lắm, mà khen cũng nhiều trong chương trình KVK - cho biết: "Phần trang trí của vở cũng khác. Vẫn thiết kế sân khấu 3D hoành tráng, đẹp, nhưng sẽ có chuyển cảnh. Phần quan trọng nhất là đại cảnh mở đầu, nhấn mạnh quá trình xây thành Cổ Loa, cứ xây lên là bị phá. Ơ màn này, chúng tôi sử dụng diễn viên đóng thế để thể hiện những cảnh cheo leo, mạo hiểm, vất vả của quân, dân Âu Lạc.

Linh hồn của vở chính là bộ gõ - giàn cồng chiêng để thể hiện ý tưởng của tác phẩm. Lần đầu tiên sẽ có một sự đối xứng trong âm nhạc để thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm giữa Triệu Đà và An Dương Vương. Phần nhạc sẽ có sự nối kết uyển chuyển giữa phần nhạc giao hưởng và nhạc nhẹ, chứ không rời rạc như ở vở KVK.

Phần phục trang do hoạ sĩ Sĩ Hoàng thiết kế, anh đã tìm tài liệu về trang phục thời Âu Lạc từ Mỹ gửi về và sẽ lập kỷ lục mới - một chiếc áo thiên nga cầu kỳ nhất (quà cưới mà Trọng Thuỷ gửi cho Mỵ Châu). Phần âm thanh, ánh sáng do Hữu Tài phụ trách, có hỗ trợ ít nhiều cho nhà hát. Không những thế, anh nhập về những máy móc hiện đại phục vụ cho vở diễn này.

Về phần diễn viên, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi chọn những nghệ sĩ giỏi nhất, đo ni đóng giày vai diễn, bài hát... cho họ (NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Hiền, Trường Sơn, Vũ Luân...). Nghệ sĩ cải lương vẫn có thể tham gia hát tân nhạc. Còn về nội dung, vở kể lại câu chuyện lịch sử theo tính chất khoa học, chứ không đậm màu sắc truyền thuyết hay thần thoại.

Phần thiết kế thành Cổ Loa (ảnh) không phải là thành xoắn ốc, mà giống như một toà thành Trung Quốc, liệu có ảnh hưởng đến tính chân thực của vở?

- Về phần này, chúng tôi sẽ thể hiện thật hiệu quả. Nếu nhìn từ phía ngoài thì không hẳn đã thấy xoắn ốc, mà những cảnh sâu bên trong mới thấy rõ. Dĩ nhiên, một số chi tiết dựng thành được hư cấu thêm, vì cho đến nay, khó tìm thấy tài liệu cho thấy hình dáng thành Cổ Loa thế nào.

Minh Thi / Laodong