itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Sự trở lại của "giờ vàng" phim Việt

Sự trở lại của "giờ vàng" phim Việt

"Giờ vàng" phim Việt đã tạo được

ấn tượng với 19 tập phim Ma làng.

Từ cuối tháng 9.2007, VTV1 bắt đầu dành "giờ vàng" cho phim Việt nhiều tập vào 21 giờ. Nhà đài đang có định hướng xây dựng nên một dòng phim riêng, mang tính hiện thực và xã hội cao.

Sau sự mở hàng của bộ phim Đột kích không mấy thành công, "giờ vàng" phim Việt đã tạo được ấn tượng với 19 tập phim Ma làng và sau đó là 26 tập phim Luật đời. Sự háo hức mong đến giờ xem phim của khán giả trên khắp cả nước cùng số lượng quảng cáo cho mỗi tập phim ngày càng tăng phần nào đã nói lên thành công bước đầu của "giờ vàng" phim Việt. Nhưng cũng từ sự thành công này gợi mở nhiều điều cho chương trình "giờ vàng" phim Việt đang trên đường tạo dựng thương hiệu.

Đã lâu lắm rồi người xem truyền hình yêu mến phim Việt Nam đánh mất thói quen cứ đến 21 giờ là bật VTV1 xem phim bởi một thời gian khá dài trên VTV1 chỉ toàn thấy phim truyền hình (PTH) Trung Quốc hay Hàn Quốc. Ngán ngẩm, có người yêu phim Việt đã tự giải tỏa bằng cách lắp truyền hình cáp để xem riêng hẳn một kênh phim truyện tiếng Việt. Đấy là chuyện của những người ở thành phố lớn có truyền hình cáp còn người xem truyền hình ở nông thôn (gần 80% dân số nước ta sống ở nông thôn) nếu không muốn xem phim truyền hình Trung Quốc hay Hàn Quốc đành tắt tivi đi ngủ sớm. Vô hình chung nhà đài đã đánh mất một lượng khán giả đông đảo.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các bộ phim truyền hình nước ngoài trình chiếu trong "giờ vàng" trước đây, bởi các nhà làm phim ngoại quốc đều đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất PTH, trong khi các nhà làm phim PTH Việt Nam chỉ mới nhập cuộc. Nhưng cũng như món ngon ăn mãi cũng phải ngán, các PTH Hàn Quốc, Trung Quốc dần cho thấy sự trùng lặp đến nhàm chán trong việc khai thác đề tài, dù rằng dàn diễn viên luôn không ngừng bổ sung những gương mặt mới và diễn xuất rất chuyên nghiệp.

Đúng lúc đó, sự xuất hiện kịp thời của những PTH dài tập Việt Nam trong "giờ vàng" tựa như cốc nước mát giữa trưa hè giải nhiệt cho người xem. Chỉ mới trình chiếu có 3 phim nhưng 2 trong số đó là Ma làng, Luật đời đã thực sự thu hút người xem bởi đề tài phong phú, gần gũi với đời thường.

Sức ép từ cuộc sống xã hội và khát vọng của công chúng đòi hỏi mảng PTH phải phát triển về số lượng và đủ tầm để tương xứng với vị trí và vai trò của nó trên hệ thống truyền hình. Nhưng cái khó của phim nhiều tập là nội dung phải thật phong phú và lôgic. Ví như ở bộ phim Luật đời, 11 tập đầu phim dồn nén nhiều sự kiện nên xem hấp dẫn.

Hết tập 11, nội dung phim chuyển sang giai đọan mới, sau năm 2003, diễn biến bộ phim đã khác hẳn, làm người xem dễ đoán được kết cục, do vậy những tập về sau cảm thấy dài dòng và ít sự kiện. Qua 3 bộ phim mới trình chiếu trong "giờ vàng", có lẽ Ma làng là được hơn cả.

Từ lối xây dựng tính cách nhân vật đến bối cảnh phim đều phong phú với những bối cảnh rộng, thanh bình thu hút tầm mắt, phim đôi khi còn pha trộn cả yếu tố hài vui nhộn. Ở phim Luật đời, tuy là dài tập nhất trong 3 phim nhưng bối cảnh bộ phim lại đơn giản, quanh đi quẩn lại chỉ toàn thấy diễn ra trong một căn nhà hộp cố định, những sự kiện diễn ra từ thực tế nhà máy, trường học, khu vui chơi... rất ít.

Ở Đột kích, các cảnh võ thuật chưa hấp dẫn do thiếu kỹ xảo. Dù biết, đoàn làm phim đã rất công phu trong việc tuyển chọn diễn viên tại các “lò” võ và đạo diễn đã cho dân nhà nghề đánh thật trong tất cả các cảnh quay nhưng vẫn không tạo được hiệu ứng trên phim.

Người xem “bực mình” với những cú đá cách đích cả... nửa mét mà đối thủ vẫn ngã lộn nhào. Có một điểm chung là hình ảnh người đàn ông ở 3 bộ phim này còn yếu thế và đạo diễn xây dựng nhiều nhân vật nam đam mê sắc dục, nhỏ nhen, đố kỵ, nham hiểm và thiếu bản lĩnh, sợ sự thật. Ở Đột kích, khán giả thấy một thượng úy Lê gan góc, dũng cảm và mạnh mẽ trong mọi tình huống và bên cạnh cô vai trò của những đồng đội nam bị lu mờ, điều này làm giảm độ chân thực của phim. Đành rằng trong phim phải có nhân vật phản diện, nhưng khi xây dựng nhân vật phản diện như bố con Tòng (Ma làng), hay Cường, Vũ Sán (Luật đời) thì nhà làm phim cũng cần lưu ý đến những nét thiện ở mỗi con người và tô đậm thêm những vai chính diện như Tâm, Thành, Nghiệp (Ma làng), Kiên (Luật đời) để khán giả có cái nhìn lạc quan về cuộc sống.

Sự trở lại của "giờ vàng" phim Việt với nhiều phim đang nối đuôi nhau lên sóng sẽ không chỉ tạo được thói quen xem phim Việt Nam cho khán giả mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

PTH là loại hình nghệ thuật hướng đến đại chúng, khi thẩm mỹ của công chúng đang ngày càng cao thì đòi hỏi chất lượng phim cũng phải được nâng cao. Hy vọng, các nhà làm phim sẽ sớm có sự đầu tư theo chiều sâu, liên kết sản xuất hợp lý để phim Việt không chỉ có chỗ đứng trên sóng mà còn in đậm trong lòng người xem truyền hình.

Theo Sức khỏe & Đời sống