itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Diễn hài đâu dễ

Diễn hài đâu dễ

Đại Nghĩa

Tiếng cười là một liều thuốc bổ mang lại mùa xuân cho con người. Cười có hàng trăm kiểu và mỗi kiểu mang một sắc thái riêng. Tôi không có khái niệm về chuyện vì sao người ta thích dàn dựng hài kịch nhiều hơn bi kịch, chính kịch

Tôi lại nghĩ ở góc cạnh văn hóa, khi cư dân làng hài ngày một tăng thif điều này cho thấy vai trò của tiếng cười cần thiết với công chúng như thế nào. Và số đông diễn viên hài ấy vẫn được công chúng chấp nhận chứng tỏ họ là một bộ phận không thể thiếu đối với đời sống sân khấu dù mang màu sắc giải trí hay chính luận trên sàn diễn.

Nghệ sĩ Hoài Linh sinh ra dường như để diễn hài. Nghe đâu thuở nhỏ ở miền quê, từ thời anh còn đi bán mía ghim, đậu phộng nấu, Linh đã là một thiếu niên giỏi chuyện tiếu lâm. Nhà anh có đến hai bà cụ (bà nội và bà ngoại của anh) cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Từ những câu chuyện cổ tích của hai bà cộng với trí tưởng tượng phong phú, dải đất miền Trung từ Phú Yên đổ vào trên những chuyến xe lửa, Hoài Linh đã chiêm nghiệm, tích cóp để hình thành ngôn ngữ hài thật ý nhị. Hài kịch ngẫu hứng với cách xử lý thông minh của Linh chính là cái túi ngôn từ miền dân dã từ ngày tóc còn để chỏm, nên người xem đặc biệt thích thú với cách phát âm và nhấn nhá ngôn từ dân gian ở Linh.

Hoài Linh

Trong vở Người nhà quê, bằng sự hóa thân mộc mạc, dí dỏm, giàu chất ngẫu hứng kiểu các cụ lão nông miệt đồng miền sông nước Nam Bộ, Linh rứt bỏ ngay những gì thuộc về miền Trung (từ ngôn từ, cách sống, cách nhìn, cách nói) để thấm đẫm vào hồn dân dã miền Nam, đó là một biệt tài. Chính nhờ thế mà ông Năm của Hoài Linh trong vở Người nhà quê hết sức lắng đọng, làm người xem dễ chịu khi nghe ông khuyên bảo đám con cháu phải biết giữ chữ đức. Trong lần ra Bắc tham dự Liên hoan 50 năm sân khấu Việt Nam, Linh và Thanh Thủy đã làm đồng nghiệp phía Bắc khóc cười với tâm sự của Người nhà quê. Sống ở tập thể Đoàn Ca múa nhạc Khánh Hòa nhiều năm, sau đó sang Mỹ định cư cùng gia đình, đã từng ăn cơm công nhân Mỹ, làm nghề đóng gói thịt heo đông lạnh đến ngất xỉu vì lạnh cóng, từ nửa vòng trái đất, Linh kết nối văn hóa Việt trên mọi nẻo đường xuyên lục địa. Hễ nơi nào có người Việt sinh sống thì nơi đó có băng đĩa hài của Hoài Linh.

Nghệ sĩ hài Trung Dân có bộ dạng buồn cười. Từ cái thời chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm như hiện nay, Dân đã đội “cái nồi cơm điện” trên mọi nẻo đường. Cũng phải, nhà Dân ở tận Bình Dương, nơi vượt ra khỏi lũy tre làng là những thửa ruộng trồng hoa lài. Dân lớn lên bên gối cha, quen làm lụng với công việc đồng áng, chất nhà nông thấm vào anh lúc nào không biết. Dân dùng sự lạc quan của nhà nông, cộng với đôi mắt quan sát thế sự, nhân tình mà hình thành phong cách rất.. Trung Dân. Tôi đã nhiều lần phải nín cười khi nhìn thấy bộ dạng Dân đầu đội mũ bảo hiểm, vận một bộ bà ba đen, đi guốc dông, chạy xe gắn máy. Chất hài đó chẳng cần một chút cường điệu nào thêm, đã khiến ai một lần gặp đều phải nhớ.

Vai ông chủ trong vở Chuyện miệt đồng là vai duyên dáng nhất của Dân. Cái ngữ nhà quê thích làm chuyện sang cả, rồi

Trung Dân

lại còn dạy đời người khác học làm sang nhưng chân vẫn còn dính bùn, nội cái chuyện kể về các loại rau, mắm đã làm khán giả nôn nao, ai mà xa quê nhìn Dân chắc hẳn sẽ không khỏi muốn quay về bên mâm cơm sau hè, bên chén mắm đồng ăn với bông súng. Tôi thích cách diễn và cách tư duy của Dân, bởi trong cái đơn giản, rập khuôn có chút châm biếm hết sức nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Dân là một cây bút khỏe, viết đều – một thời làm mưa, làm gió chương trình Trên vườn dưới ruộng của BTV, rồi cả Chuyện nhà nông của Đài Truyền hình Cần Thơ. Phải nói từ khi có truyền hình cáp, công chúng theo dõi Dân, cười với Dân để rồi gật gù cả với những thước phim chỉ vài phút quảng cáo thuốc trừ sâu, khuyến cáo nhà nông dùng kỹ thuật mới trong canh tác.

Nghệ sĩ Đại Nghĩa không phải là người có thâm niên trong diễn xuất hài. Khởi nguồn, anh diễn ở các chương trình sân khấu học đường với các vai lão. Nét diễn khắc khổ, dáng đi xiêu vẹo, giọng thoại trầm buồn là những gì tôi nghĩ về Nghĩa sau những ngày vào Nam theo dõi sân khấu học đường. Thế nhưng thật bất ngờ khi Nghĩa được trẻ con yêu thích.

Các băng đĩa Ngày xửa – ngày xưa của sân khấu IDECAF qua hệ thống phát hành của Hãng phim Trẻ đã thật sự làm trẻ hóa sản phẩm tinh thần dành cho thiếu nhi. Nghĩa diễn có hơi hướng giống Thành Lộc ở chất ngẫu hứng, phát âm và gieo cảm xúc. Về sau, anh dần dà thoát khỏi cái bóng đàn anh, nhưng ảnh hưởng trong cách diễn hài vẫn còn. Tôi tin Nghĩa sẽ tìm thấy hướng đi riêng, tạo thêm một phong cách đặc thù tìm sự đồng cảm thông qua tiếng cười.

Diễn hài không dễ, để người xem cười và nhớ trong lúc ngẫm nghĩ về sự tương tác của câu chuyện kịch với đời sống, thì chẳng phải mấy ai cũng làm được như: Đào Mộng Long, Ba Vân, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Bảo Quốc, Thành Lộc, Hữu Châu, Thành Hội... Thế nhưng phải ghi nhận nỗ lực của Nghĩa trong việc tạo dựng hình tượng trong các vở hài dành cho thiếu nhi. Nhân sư hai đầu trong vở Hoàng tử Ai Cập, vừa ra đĩa đã được khán giả nhí đổ xô đi mua. Các cháu của tôi cũng thích thú với cách làm trò của con nhân sư tinh quái này. Tôi nghĩ Nghĩa phải có tâm hồn bay bổng lắm mới diễn được như vậy. Sống với thế giới hồn nhiên, tâm hồn của Nghĩa luôn trẻ và là nguồn nước mát để tưới lên sự thăng hoa trong sáng tạo. Tôi tin Nghĩa sẽ đồng hành với các đàn anh trong làng hài, góp với nhân gian những tiếng cười.

Theo NSND - đạo diễn Phạm Thị Thành (NLĐ)